Những hợp đồng nằm ngoài hệ thống luật sẽ không còn?!

(PLO) - “Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi trong phần về thực hiện hợp đồng” là một trong những qui định mới của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) nên vẫn còn những băn khoăn về tính khả thi và cần thiết.
Qui định về hợp đồng có tính khái quát cao sẽ không còn những hợp đồng nằm ngoài hệ thống pháp luật
Qui định về hợp đồng có tính khái quát cao sẽ không còn những hợp đồng nằm ngoài hệ thống pháp luật
Giữ quan hệ hợp đồng nhưng loại trừ bất công
Dẫn hai vụ việc đã gặp phải trong thực tiễn xét xử tại Việt Nam (một vụ việc tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam-VIAC và một vụ việc tại TAND) liên quan đến nhu cầu thay đổi giá đã được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, PGS.TS.Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa Luật Dân sự - Đại học Luật TP.HCM, Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi là trường hợp xuất hiện những sự kiện không lường trước được, không làm cho hợp đồng không thể thực hiện được, nhưng khi thực hiện thì bên phải thực hiện sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với dự tính hay bên nhận thực hiện có được giá trị thấp hơn rất nhiều so với dự tính. Nghĩa là, “Hợp đồng vẫn có thể thực hiện nhưng bất công bằng xuất hiện với một bên và có lợi cho bên còn lại”.
Vậy nên, quy định cho phép điều chỉnh lại hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi là cần thiết để loại bỏ bất công bằng giữa các bên, có tiền lệ và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Việt Nam, đồng thời tương thích với xu hướng chung của thế giới hiện nay. 
PGS.TS.Đỗ Văn Đại khẳng định hiện nay chưa có quy định mang tính khái quát cho việc điều chỉnh lại các hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi. Do đó, nếu theo đúng nguyên tắc, các bên phải tuân thủ hợp đồng như đã giao kết và  bất công bằng sẽ xuất hiện. Nếu cho phép điều chỉnh lại hợp đồng (tức không buộc thực hiện hợp đồng như đang tồn tại trước việc thay đổi hoàn cảnh bằng cách thay đổi hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng như Dự thảo đang quy định sẽ loại trừ được bất công bằng và có thể vẫn duy trì được quan hệ hợp đồng giữa các bên nếu hợp đồng được điều chỉnh lại.
Thực tế, PGS.TS.Đỗ Văn Đại nhận thấy, đối với trường hợp chưa có văn bản cho phép điều chỉnh lại hợp đồng, Tòa án cũng đã tự tiến hành điều chỉnh lại hợp đồng khi các bên có tranh chấp. Đây chính là cơ sở thực tiễn để xem xét bổ sung qui định điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi trong Dự thảo BLDS (sửa đổi).
“Phù hợp với nguyên tắc thiện chí” cũng là một nguyên nhân để PGS.TS.Đỗ Văn Đại khẳng định sự cần thiết của qui định này. Phân tích cụ thể, ông cho biết bên cạnh nguyên tắc tuân thủ hợp đồng thì còn nguyên tắc khác cho phép điều chỉnh lại hợp đồng. Đó là nguyên tắc thiện chí trong quan hệ dân sự đã được kế thừa qua các BLDS đến Dự thảo BLDS (sửa đổi).
Lược qui định “thừa” để qui định cô đọng
Tuy nhiên, ông Đại cho rằng việc Dự thảo đang “bỏ quên” Trọng tài khi điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi “sẽ dẫn tới bất cập trong quá trình vận dụng khi các bên có thỏa thuận trọng tài”. Vì thế, cần bổ sung Trọng tài trong trường hợp liên quan đến việc điều chỉnh lại hợp đồng. Để cùng với Tòa án, Trọng tài sẽ xác định có tồn tại sự thay đổi hoàn cảnh hay không và nếu có sự thay đổi hoàn cảnh, cách thức điều chỉnh hợp đồng như thế nào cho thỏa mãn “lẽ công bằng” nếu các chủ thể không quyết định chấm dứt hợp đồng.
Bên cạnh đó, trong Dự thảo hướng các bên tới đàm phán, thương lượng đồng thời đưa ra quy định trong trường hợp việc đàm phán, thương lượng bất thành. Song, thực ra quy định như vậy là “thừa” vì “trách nhiệm dân sự của một bên từ chối thương lượng hay chấm dứt thương lượng một cách không thiện chí có thể được triển khai thông qua việc áp dụng các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng” – ông Đại phân tích.
Hơn nữa, “chừng nào hợp đồng chưa được điều chỉnh lại hay chưa bị Tòa án (Trọng tài) cho chấm dứt thì hợp đồng vẫn có hiệu lực thực hiện giữa các bên” nên các bên phải thực hiện cho dù các bên tiến hành thương lượng hợp đồng. Vì vậy và trên cơ sở kinh nghiệm nước ngoài nêu trên, PGS.TS. Đỗ Văn Đại đề xuất bổ sung vào Dự thảo quy định theo đó “các bên tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình trong quá trình thỏa thuận điều chỉnh hợp đồng”./.

Đọc thêm