1. Tại dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ Tư pháp đã dành 5 chương, 287 điều quy định về nghĩa vụ và hợp đồng, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định so với bộ luật hiện hành.
Theo Bộ Tư pháp, so với quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, quy định về nghĩa vụ và hợp đồng có một số điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản như: Dự thảo không quy định lại những vấn đề pháp lý đã được quy định tại Phần Những quy định chung liên quan đến các nguyên tắc cơ bản, hành vi pháp lý, đại diện, thời hiệu; các quy định về các biện pháp cầm cố, thế chấp, cầm giữ và bảo lưu quyền sở hữu được chuyển vào Phần thứ hai - Quyền sở hữu và các vật quyền khác để phù hợp với bản chất pháp lý của các biện pháp bảo đảm này.
Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm dân sự và trách nhiệm do không thực hiện đúng nghĩa vụ, theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, bảo đảm sự an toàn, thông thoáng của giao lưu dân sự, trong đó có quy định về trách nhiệm chứng minh về việc miễn trừ nghĩa vụ bồi thường của bên vi phạm, về nghĩa vụ của bên bị vi phạm trong việc hạn chế thiệt hại của mình.
Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định chung về hợp đồng để bảo đảm các quy định của Bộ luật dân sự là các quy định chung nhất về hợp đồng, định hướng trong việc xây dựng các quy định về hợp đồng trong luật chuyên ngành; đủ để áp dụng trong trường hợp các luật chuyên ngành thiếu quy định về hợp đồng.
Ngoài ra, Dự thảo còn bổ sung một số quy định mới phù hợp với thông lệ quốc tế, thực tiễn Việt Nam, nhất là các quy định về điều kiện giao dịch chung, điều chỉnh hợp đồng khi có thay đổi hoàn cảnh, hủy bỏ và hậu quả của hủy bỏ hợp đồng...
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về hợp đồng thông dụng theo hướng Bộ luật dân sự chỉ quy định về những hợp đồng mang tính đặc trưng và đại diện. Do đó, Bộ luật dân sự không quy định về hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng bảo hiểm.
Dự thảo Luật cũng bổ sung một loại hợp đồng mới là hợp đồng hợp tác để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Theo dự thảo, hợp đồng hợp tác là hợp đồng, theo đó nhiều người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thỏa thuận về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản và được công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng.
Đối với một số hợp đồng cơ bản như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản... đã được bổ sung nhiều quy định để bảo đảm các quy định này có thể áp dụng cho các hợp đồng có liên quan và cũng bao quát được những dạng thức hợp đồng phái sinh, đặc thù có thể phát sinh trong thời gian tới.
Dự thảo cũng hoàn thiện chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo đó, người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại để thay thế cho quy định hiện hành đang tạo gánh nặng chứng minh của người bị thiệt hại. Bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về bồi thường thiệt hại cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường, tính mạng, sức khỏe của người dân.
2. Tại dự thảo, Bộ Tư pháp đề xuất quy định về thừa kế gồm 4 Chương, 56 điều (từ 615 – 670), quy định về quyền thừa kế, thời điểm mở thừa kế, di sản, người thừa kế, không có quyền hưởng di sản, quản lý di sản; điều kiện có hiệu lực của di chúc, quyền của người lập di chúc, hình thức của di chúc, di chúc chung của vợ chồng, hiệu lực pháp luật của di chúc, người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc, di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng; những trường hợp thừa kế theo pháp luật, người thừa kế theo pháp luật, thừa kế thế vị và thanh toán phân chia di sản...
Bộ Tư pháp cho biết, so với quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, quy định về thừa kế tại dự thảo có một số điểm sửa đổi bổ sung cơ bản như: Sửa đổi quy định về từ chối nhận di sản hoặc thay đổi quyết định từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản. Cụ thể, Bộ luật hiện hành quy định thời hạn từ chối nhận di sản là 6 tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.
Tại dự thảo, Bộ Tư pháp đề xuất 2 phương án: Phương án 1, việc từ chối nhận di sản, hoặc thay đổi quyết định từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản. Phương án 2, việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản. Dự thảo cũng nêu rõ, trong thời gian chưa chia di sản thừa kế mà người đã từ chối nhận di sản thay đổi ý kiến và muốn nhận di sản thì vẫn được nhận, nếu tất cả những người thừa kế khác đồng ý.
Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi quy định về di chúc chung của vợ chồng theo hướng trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó, thay cho quy định hiện hành là di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết.
Theo Bộ Tư pháp, một trong những điểm sửa đổi, bổ sung của dự thảo so với quy định hiện hành là không quy định về thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế thay cho quy định hiện hành là 10 năm để tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu của người thừa kế đối với di sản.
Dự thảo cũng sửa đổi quy định về việc hạn chế phân chia di sản theo hướng: nếu người vợ/chồng còn sống chứng minh được việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ và gia đình, thì họ có quyền yêu cầu tòa án gia hạn trong trường hợp đã hết thời hạn 3 năm theo quyết định của tòa án mà tình trạng cuộc sống của vợ/chồng và gia đình vẫn khó khăn nghiêm trọng thay vì chỉ 3 năm như quy định hiện hành của Bộ luật dân sự 2005./.