Những hủ tục đáng sợ dần xóa bỏ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay, những quan niệm, hủ tục lạc hậu còn tồn tại dai dẳng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Điều này phần nào đó tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe, tâm lý người DTTS. Trong đó đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là phụ nữ và trẻ em gái.
Xây dựng đời sống văn hóa mới là cách thức xóa bỏ hủ tục lạc hậu hữu hiệu. Ảnh internet
Xây dựng đời sống văn hóa mới là cách thức xóa bỏ hủ tục lạc hậu hữu hiệu. Ảnh internet

Tập tục nối dây của người Ê Đê

Ngày nay tập tục này dù có nhiều thay đổi, nhưng vẫn tồn tại trong cộng đồng người Ê Đê. Tục Juê nuê (nối dây) là một luật tục cổ truyền trong hôn nhân của người Ê Đê. Tục này quy định khi chồng chết, người phụ nữ có quyền đòi hỏi nhà chồng phải thế một người em trai chồng để làm chồng. Và ngược lại khi vợ chết, người chồng phải lấy một người con gái trong gia đình vợ, miễn là người đó chưa có chồng.

Tục Juê nuê là một kiểu tập quán hôn nhân truyền thống và được cộng đồng dân tộc Ê Đê thực hiện một cách tự nguyện. Luật tục này được duy trì bền vững qua thời gian, được quy định rõ: “rầm sàn gẫy thì phải thay, giát sàn nát thì phải thế, chết người này phải nối bằng người khác”.

Cộng đồng dân tộc Ê Đê trước đây sống biệt lập ở những vùng núi cao. Cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên và luôn phải đối phó với thiên tai, dịch bệnh. Nên tục này cho phép duy trì nòi giống, sức lao động để bảo vệ buôn làng, bảo đảm cuộc sống cộng đồng. Đồng bào Ê Đê sợ rằng: “gia đình sẽ tan tác ngoài nương rẫy, dòng họ sẽ kiệt quệ, giống nòi sẽ khô kiệt như những dòng suối cạn nước, kẻo tuyệt nòi không còn con cháu nữa”.

Theo ông Nguyễn Cao Thiện, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, người Ê Đê luôn xem gia đình là một “hrú mđao” (tổ ấm), nơi để cho ông bà, cha mẹ và con cái cùng chia sẻ vui buồn. Trong đó bố mẹ là nguồn sống, là nơi nương tựa của trẻ. Việc tìm cho những đứa trẻ bất hạnh ấy một người “kế” để thay thế người qua đời nuôi dạy chúng là điều cần thiết. Ngày nay, tục này không còn ép buộc mà trên cơ sở tự nguyện của những người còn sống. Người được họ hàng chọn lựa để kết hôn với chị, em vợ hoặc anh, em rể có thể từ chối cuộc hôn nhân nếu cảm thấy không phù hợp với mình. Thay vì lấy anh rể, cô gái hoặc gia đình cô sẽ nuôi dưỡng những đứa con của chị gái để anh rể đi tìm hạnh phúc mới. Và người anh rể phải để lại toàn bộ tài sản và con cái mà trước đó hai vợ chồng gây dựng được cho gia đình bên vợ.

Tục nhớ thương và cho người chết ăn

Mái ấm Giu se của ông Nguyễn Minh Nhật ở Gia Lai hiện đang nuôi dưỡng 140 trẻ, phần lớn được cứu từ hủ tục đáng sợ, chôn con theo mẹ. (Ảnh: PV)

Mái ấm Giu se của ông Nguyễn Minh Nhật ở Gia Lai hiện đang nuôi dưỡng 140 trẻ, phần lớn được cứu từ hủ tục đáng sợ, chôn con theo mẹ. (Ảnh: PV)

Theo phong tục của người Mông ở Hà Giang và Mường Lát - Thanh Hóa, khi có người chết, gia đình không bỏ vào quan tài ngay mà để người chết nằm ở bên ngoài từ 5 đến 7 ngày. Cả gia đình vẫn giữ lối sinh hoạt thường ngày, đút cơm, cho nước vào miệng người đã khuất. Sau nhiều ngày, thức ăn lên men, thậm chí ruồi nhặng bâu đen quanh mặt người chết, họ vẫn tiếp tục đút cơm như thế.

Thêm vào đó, hằng ngày, người sống khiêng người chết ra sân, đặt ngửa lên tấm ván đã chuẩn bị sẵn để người chết được “ngắm” mặt trời. Dù mưa to hay nắng cháy thì phải khi mặt trời mọc mới được khiêng người chết vào nhà.

Tùy vào người chết có bao nhiêu con, người nhà sẽ đem “phơi nắng” từng đó ngày. Có người đưa ra một, hai ngày, nhưng có người đưa ra hàng tuần trời.

Gần đây, người Mông không còn phơi xác người chết hàng chục ngày như xưa nữa, nhưng tục này vẫn được duy trì. Theo đó, tùy theo số con, cháu đông hay ít mà người sống phơi xác người chết từ 1 - 3 ngày rồi sẽ mang đi mai táng.

Còn tại các làng đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, Xơ đăng, Gia rai,… một người sau khi chết vẫn được cho ăn cơm, uống rượu. Lúc chưa chôn: rải cơm, rượu xung quanh thi hài (một số làng đã sửa đổi bằng cách đặt mâm cơm giữa nhà). Sau khi chôn: cắm một ống lồ ô rỗng ruột xuống lòng mộ, người nhà mang cơm, rượu ra đổ vào đó mỗi ngày 1 đến 2 lần, kéo dài đến 1 tháng thì chấm dứt.

Tập tục kéo dài ảnh hưởng đến thời gian, công sức, sức khỏe của người nhà có người chết. Cần vận động xóa bỏ một phần hoặc đơn giản hóa các hình thái tưởng niệm người chết.

Cùng với đó, một số hủ tục, tập tục không còn phù hợp, địa phương đề xuất xóa bỏ hoàn toàn. Như việc kiêng cữ về chết xấu. Chết xấu được hiểu là chết bất đắc kỷ tử như là chết do tai nạn giao thông, ngã từ trên cây, cây đè, đuối nước, sét đánh, thú dữ vồ, tự tử, đẻ khó,... Đồng bào các dân tộc quan niệm chết xấu là do thần linh phạt do con người đã vi phạm luật tục (quan hệ trước hôn nhân…) hoặc do vật nuôi gây nên (vật nuôi giao phối khác loài…). Khi chết xấu, có dân tộc không đưa thi thể người chết vào trong làng để tổ chức tang ma, mà tổ chức ở rìa làng. Có dân tộc vẫn đưa thi thể người chết vào trong làng. Người chết xấu không được chôn chung nghĩa địa với người chết bình thường (chết do ốm đau, bệnh tật).

Chỉ có gia đình và họ hàng ruột thịt tổ chức đám tang, còn dân làng kiêng kị, không tham gia giúp đỡ, họ quan niệm nếu tham gia mọi xui xẻo, chết chóc sẽ đến với họ. Có những trường hợp người thân trong gia đình (một người) phải cõng người chết xấu trên lưng đưa đi chôn ở những nghĩa địa rất xa.

Sau khi chôn cất, gia đình cùng họ hàng ruột thịt và dân làng kiêng không đi làm rẫy trong thời gian 10 ngày hoặc chỉ có những người đưa người chết xuống huyệt kiêng không đi làm 10 ngày. Còn người thân và dân làng kiêng không đi làm vào các ngày thứ nhất, thứ 3 và thứ 10 (đặc biệt, tuyệt đối không xuống giống cây trồng trong 10 ngày sau khi chôn), hình thức kiêng cữ này mỗi làng có quy định riêng. Gia đình có tang sẽ giết mổ một số gia súc, gia cầm để ăn uống sau khi chôn cất và số vật nuôi còn lại của tang chủ thì anh em trong gia đình đem bán hết với giá rất rẻ so với giá thị trường. Qua một năm, họ có thể tiếp tục thực hiện lại việc chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Như vậy, tập tục mang tính mê tín dị đoan, thiếu sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng làng, gây ảnh hưởng về tinh thần, kinh tế gia đình.

Cùng với đó là tục để người chết lộ thiên trên sạp trong tang ma. Trước đây, khi có người chết bà con thường có tập tục để người chết trên sạp được đan bằng cây tre, lồ ô, người chết được đắp bằng tấm chăn thổ cẩm truyền thống cho đến khi đi chôn mới đưa vào quan tài. Thậm chí đến nghĩa địa mới đưa người chết vào quan tài.

Hiện nay, đa số đồng bào đều sử dụng quan tài mua sẵn tại các cơ sở Thọ Đường Quán để chôn cất người chết. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng để người chết trên sạp, đến khi chuẩn bị đi chôn mới khâm liệm đưa vào quan tài. Việc để người chết lộ thiên trên sạp sẽ không bảo đảm vệ sinh, gây ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần cho người còn sống.

Mẹ chết, con bị chôn sống

“Dọ-tơm-amí” là hủ tục của tộc người Bana và Jrai ở Tây Nguyên. Theo tục lệ này, nếu người mẹ chẳng may chết khi vượt cạn thì trẻ sơ sinh phải chết theo. Ngay cả những đứa trẻ đang trong giai đoạn bú sữa mà người mẹ qua đời thì cũng bị chôn sống cùng hoặc bỏ mặc giữa rừng.

Người dân nơi đây thừa nhận “dọ-tơm-amí” là có thật chứ không phải lời đồn, nhưng hủ tục có từ bao giờ thì không ai biết. Đây là hủ tục truyền đời, nên dù gia đình không muốn thì áp lực từ phía dân làng khiến cha và người thân của đứa bé cũng không dám đấu tranh bảo vệ con.

Những người già từng chứng kiến tục “dọ-tơm-amí” giải thích, nguyên nhân của hủ tục này là do cuộc sống nơi núi rừng xưa kia có nhiều khó khăn, khắc nghiệt. Nếu mẹ chết, con không được bú mẹ rồi cũng sẽ chết đói. Người ta tin rằng, chôn đứa bé theo mẹ, cùng nhau sang thế giới bên kia sẽ được mẹ chăm sóc tốt hơn.

Tuy nhiên hiện nay, cũng có một bộ phận người dân tự nhận thức được việc làm này là sai trái nên đã đấu tranh nhằm xóa bỏ hủ tục, cứu những đứa trẻ khỏi cái chết oan uổng.

Ngoài ra, người J’rai ở Gia Lai có quan niệm, chỉ có người phụ nữ bị ma ám, bị trời phạt mới đẻ sinh đôi. Nếu “chẳng may” sinh ba thì quả thật đó là một sự ghê rợn, là nỗi kinh hoàng với người dân trong làng. Nếu để đứa trẻ sống thì chắc chắn nó sẽ mang họa.

Để diệt trừ “tai họa” đó, anh em họ hàng và người dân trong làng sẽ kéo đến mang đứa bé vào rừng chôn sống để “con ma” không còn biết đường quay về. Và cũng đồng thời để tạ tội với thần linh. Bởi điều này, hàng trăm năm qua đã có biết bao bé sơ sinh bị tước đoạt quyền được sống ngay khi vừa mới chào đời.

Tuy nhiên, hủ tục này đã bị phá bỏ cách đây hơn chục năm nhờ vào công của già H’Blâm (nay đã hơn 70 tuổi). Khi một gia đình định tiến hành hủ tục này, già H’Blâm đã nhất quyết can ngăn, thuyết phục hàng trăm con người đang có ý định chôn sống đứa bé để họ từ bỏ việc làm sai trái của mình. Sau buổi nói chuyện, dân làng đã chịu ra về và để cho đứa bé sống. Cũng từ đó, tục lệ này dần mất đi.

Và các giải pháp

Trên tinh thần các văn bản của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, hàng loạt giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân đã ra đời, Đặc biệt Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu tổng quát hướng đến “…giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu...”. Một số chính sách đặc thù như: Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025, Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025; Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã và đang được triển khai, lan tỏa sâu rộng trong vùng DTTS.

Phát biểu tại Hội thảo “Xóa bỏ các tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe, thực hiện nếp sống văn hóa mới” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức tháng 6/2023, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, các tập tục văn hoá có hại nêu trên gây hậu quả là ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người phụ nữ khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện. Các cháu gái chưa sẵn sàng về mặt tâm, sinh lý để mang thai và sinh con, điều này dễ xảy ra tình trạng người mẹ tử vong sau khi sinh hoặc rối loạn tâm lý hậu sinh. Đây còn là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em DTTS, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em DTTS dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ DTTS liên quan đến thai sản. Bên cạnh đó, phụ nữ DTTS kết hôn sớm thường ít có cơ hội tiếp cận với vấn đề đào tạo nghề…

Đọc thêm