Hai lần xộ khám
Sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, Võ Thành Kha (ngụ xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) được cha mẹ cho ăn học nhưng học hết lớp 7 thì Kha nghỉ ở nhà, đi làm thuê, để rồi năm 2010, trong một lần xô xát, Kha đã dùng chai bia đánh người gây thương tích nên bị TAND huyện Trảng Bàng tuyên phạt 2 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Tháng 9/2012, chấp hành xong hình phạt tù, Kha trở về quê sinh sống và kết hôn với chị Phạm Thị Bích L. Niềm hy vọng đứa con trai sẽ tu tỉnh làm ăn của cha mẹ Kha được nhân lên gấp bội khi đứa cháu nội - con của Kha chào đời. Thế nhưng, niềm vui đó chẳng mấy chốc đã tan thành mây khói khi Kha phạm trọng tội “giết người”.
Vụ trọng án được tóm lược như sau: Khoảng 18h30, Kha cùng mấy người quen, trong đó có Võ Hùng Linh (Út Linh) ngồi nhậu tại một quán gần nhà. Trong lúc uống rượu, Kha nhắc lại chuyện trước đó khoảng 2 tuần Linh có đánh anh của Kha là Võ Quốc T. Linh nói: “Tao uống rượu say, tao điên thích đánh ai thì đánh. Trong xã này tao không sợ thằng nào hết!”.
Nghe Linh nói, Kha “bật lại”: “Muốn đánh ai thì đánh là không được”. Kha vừa nói xong thì Linh dùng tay đánh vào mặt Kha một cái, bị đánh nhưng Kha không nói gì. Vừa lúc bình ga mi ni hết, Kha hỏi thì chủ quán nói không còn bình ga nào, nên kha nói về nhà đem bình ga mi ni sang nấu lẩu nhậu tiếp.
Trong lúc chạy xe máy về nhà, Kha nghĩ lại việc mình vừa bị Linh đánh, trước đó anh của Kha cũng bị Linh đánh nên nảy sinh ý định đánh Linh. Về tới nhà, Kha xuống bếp lấy con dao Thái Lan rồi đi bộ qua quán nhậu. Đến nơi, Kha la lớn: “Mày đánh anh tao”, rồi xông vào chém Linh.
Thấy vậy, mọi người trong quán kêu Linh bỏ chạy nhưng Kha đã chém một nhát vào vai phải Linh. Linh chạy đến chỗ chồng ghế nhựa lấy 3 cái ném về phía Kha đang đuổi theo. Kha xông tới thì bị Linh dùng 1 tay chụp tay trái đang cầm dao của Kha, tay còn lại Linh bóp cổ Kha.
Hai người vật lộn lăn ra bên hông quán. Lúc này, Kha bị Linh đè lên trên nên dùng tay trái chém bừa nhiều nhát. Đến khi Kha cầm dao đâm trúng hông Linh mới lùi lại, rồi tiếp tục xông vào đánh thì bị Kha đâm trúng ngực.
Bị đâm, Linh đứng dậy đi vào quán và được mọi người đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện Trảng Bàng, sau đó chuyển đến Bệnh viện đa khoa huyện Củ Chi – TP Hồ Chí Minh thì tử vong.
Sau khi đâm Linh, Kha đã chủ động đến Công an tỉnh Tây Ninh đầu thú. Sau đó, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Kha “tù chung thân” về tội “giết người”. Ngoài ra, bị cáo còn phải bồi thường gần 100 triệu đồng cho phía bị hại. Tuy nhiên, Kha kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Hiện TAND Cấp Cao tại TP.Hồ Chí Minh đang chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án.
Nghe tòa sơ thẩm tuyên án, bà Nguyễn Thị L. và ông Võ Thành Ph. thở dài buồn bã. Vợ chồng ông luôn rầu lòng vì đứa con đã hai lần xộ khám, gia đình nghèo khó nay phải lo tiền bồi thường cho phía bị hại, giúp Kha khắc phục một phần hậu quả của vụ án.
Rầu lòng vì…con
Cùng tâm trạng rầu lòng vì con, bà Đặng Thị Tuyết Ng. (ngụ TP.Vũng Tàu) mẹ của bị cáo Vũ Đức Thanh (29 tuổi) vừa bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên phạt 12 năm tù về tội: “Trộm cắp tài sản”.
Đây là lần thứ 3 Thanh phải “xơi cơm” trong tù. Trước đó, vào năm 2008, Thanh đã bị TAND TP.Vũng Tàu tuyêt phạt 3 năm tù về tội: “Cướp giật tài sản”. Ra tù không bao lâu, Thanh lại bị TAND TP.Vũng Tàu xử phạt 4 năm 6 tháng tù về tội: “Cướp giật tài sản” vào năm 2013.
|
Từ trái sang phải - Bị cáo Vũ Đức Thanh & Trịnh Hải Đồng |
Nghe tòa tuyên con trai lần thứ 3, bà Ng. buồn rũ rượi, bởi sau khi chồng qua đời, bà một mình lo cho Thanh ăn học để có cái nghề thợ hàn, hy vọng Thanh sẽ chí thú làm ăn. Nào ngờ Thanh liên tục phạm tội khiến bà rất đau lòng.
Cùng ngụ TP.Vũng Tàu với bà Ng. (mẹ bị cáo Thanh). Bà Đoàn Thị L. là mẹ của bị cáo Trịnh Hải Đồng (31 tuổi) vừa bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên phạt 12 năm tù về tội: “Trộm cắp tài sản”. Đây cũng là lần thứ 3 Đồng phải “xơi cơm” trong tù.
Trước đó, vào năm 2006, Đồng đã bị TAND TP.Vũng tàu tuyên phạt 9 tháng tù về tội: “Trộm cắp tài sản”. Ra tù chẳng bao lâu, vào năm 2008, Đồng lại bị tuyên phạt 4 năm tù cũng về tội: “Trộm cắp tài sản”.
Nghiêm trị & giáo dục
Để hạn chế những kẻ tái phạm tội như 3 bị cáo nêu trên, Bộ Luật Hình Sự (BLHS) đã qui định những hình phạt cùng nguyên tắc xét xử.
Cụ thể, tại lời nói đầu của bộ luật đã nêu: “Pháp luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân…
Thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm và thông qua hình phạt để răn đe, giáo dục, cảm hoá, cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện…”.
Tại điều 3 BLHS qui định về nguyên tắc xử lý: Nghiêm trị người chủ mưu…ngoan cố chống đối, lưu manh, tái phạm nguy hiểm…Khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.”
Còn mục đích của hình phạt theo điều 27 của BLHS qui định: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội, mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.”
Theo các qui định về nguyên tắc xử lý tội phạm và hình phạt nói trên, thì mục đích của hình phạt không phải là sự trả thù của pháp luật, mà đó là những hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo.
Pháp luật nêu rõ nghiêm trị kẻ cố tình thực hiện hành vi phạm tội, kẻ tái phạm nguy hiểm. Nhưng cũng khoan hồng với những ai biết ăn năn hối cải. Học tập, cải tạo tốt để phấn đấu thành công dân bình thường như bao công dân khác. Giúp xã hội bớt đi những tệ nạn, đem lại bình yên cho mọi nhà.