Lời khai phi lý
Theo cơ quan điều tra Công an huyện Hải Lăng, vào khoảng 18h30’ ngày 24/2/2017, chị Nguyễn Thị Lê Cúc (31 tuổi, ngụ thôn Tân Phước, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng) báo tin con trai Nguyễn Đăng Khoa (13 tuổi) bị một đối tượng lạ bắt cóc.
Người mẹ tường trình: khoảng 12h ngày 24/2/2017, trên đường đi học đến đoạn ngã 3 thị trấn Hải Lăng, cháu Khoa ghé quán mua bút thì gặp một người đàn ông chừng 35 tuổi đi xe máy màu đỏ hiệu Sirius không rõ biển số, nói giọng Quảng Trị, đi từ hướng thị xã Quảng Trị vào miền Nam.
Người này dừng xe hỏi Khoa đường vào Hải Chánh (huyện Hải Lăng). Cháu Khoa chỉ đi thẳng. Sau đó, người đàn ông kia mời Khoa ăn một cái bánh trứng nhưng em từ chối. Không dụ được, người này liền lấy dao bấm trong người dí vào bụng cháu, ép phải ăn.
Sau khi ăn xong, Khoa thấy trong người mỏi mệt. Người lạ buộc cháu đạp xe theo vào hướng ga Diên Sanh (thị trấn Hải Lăng). Khi đến ga, anh ta bỏ xe bên đường, bắt Khoa vào phía trong toa tàu cũ gần nhà ga. Tới đây, Khoa phải ăn thêm một cái bánh nữa.
Sau đó, người đàn ông dùng dây trói chân tay và dùng khăn bịt miệng Khoa và dùng xe máy chở vào hướng tỉnh Thừa Thiên-Huế. Dọc đường, Khoa nghe người này gọi mấy cuộc điện thoại, nói “vừa bắt được một thằng”.
Qua một đoạn khá xa, khi người đàn ông lạ mặt dừng xe đi vệ sinh, Khoa cũng xin đi vệ sinh và xin nới dây buộc ở tay. Lợi dụng lúc người đàn ông kia không để ý, em bỏ chạy. Chừng 15 phút sau, Khoa gặp hai nông dân làm ruộng giữa đồng, sau khi hỏi địa chỉ, em lục trong cặp sách lấy điện thoại gọi về cho gia đình. Đến 23h cùng ngày, em được bố mẹ đưa về đến nhà ở thôn Tân Phước.
Theo Đại tá Trần Đức Triệu (Trưởng Công an huyện Hải Lăng), sau khi tiếp nhận thông tin từ gia đình và địa phương, Công an huyện đã tổ chức lực lượng, triển khác các biện pháp nghiệp vụ làm rõ sự việc.
Kết quả điều tra hoàn toàn không có chuyện Khoa bị bắt cóc mà do cháu tự dựng chuyện để tránh bị gia đình la mắng vì cháu mê game. “Qua báo PL&TĐ, chúng tôi cũng muốn chia sẻ sự thật, không hề có chuyện bắt cóc ở địa phương, mong quần chúng nhân dân đừng hoang mang”, Đại tá Triệu nói.
Việc điều tra được Trung tá Dương Chí Hòa (Đội trưởng Đội CSĐT Hình sự - Kinh tế - Ma túy Công an huyện Hải Lăng) chia sẻ cụ thể: Theo xác minh của cơ quan công an, sáng 24/2/2017, cháu Khoa không có lịch học nên đi chơi game tại quán Internet Bảo Châu (khóm 4, thị trấn Hải Lăng). Về nhà, người bố hỏi “Con đi đâu về”, Khoa trả lời: “Con đi học”, thì bị bố quát: “Sáng nay không có lịch học. Giờ tau đang bận, tối về mi biết tay tau”.
Đến 12h trưa, sợ bị bố đánh nên Khoa lấy quần áo bỏ vào cặp đi học và lấy một chiếc điện thoại cùng xe đạp bỏ trốn. Khoa đạp xe đạp lên Quốc lộ 1A đi vào hướng Nam (theo lời khai nam sinh này, em định đạp vào Quãng Ngãi để trốn cha mẹ sau đó xin việc làm-PV).
Đến 18h cùng ngày, Khoa đến địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lúc này, thấy trời sắp tối không biết đi đâu, sợ bị lạc nên em để xe đạp phía sau Trạm thú y huyện Phú Lộc rồi gọi điện thoại về cho bố mẹ, bịa chuyện “bắt cóc” để bố mẹ vào đón tại Cây xăng số 1 (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Nghe con kể bị bắt cóc, gia đình liền trình báo với công an. Trung tá Hòa nói: “Nhận tin báo, công an đã bố trí lực lượng triển khai các biện pháp nghiệp vụ đến cây xăng Phú Lộc 1 để tìm nạn nhân. Tiếp xúc với Khoa, em bình tĩnh khai báo nhưng chúng tôi nhận thấy tất cả các tình tiết, tình huống mà nạn nhân khai đều mâu thuẫn với thực tế”.
Anh phân tích: “Thứ nhất, ở ngã ba Hải Lăng vào giờ trưa vẫn có nhiều người đi lại, đặc biệt là học sinh đi học và đội xe ôm hùng hậu nên không có ai dại gì mà bắt cóc ở đó. Thứ 2, Khoa khai bị bịt mặt, trói tay chân nhưng trên người em không hề có vết trầy xước? Thứ 3, nếu bị dùng thuốc mê, vì sao em vẫn biết được gã đàn ông kia nói chuyện.
Thứ tư, em bị trói tay, bịt miệng thì tên bắt cóc không dại gì mà chở em bằng xe máy, như vậy ai cũng có thể phát hiện tên kia bắt cóc được hết. Thứ 5, chúng tôi vào kiểm tra ở hiện trường là toa tàu cũ ở ga Diên Sanh không hề có dấu vết gì lạ. Vì những mâu thuẫn đó nên chúng tôi đã tìm hiểu được thật hư sự việc”.
Được biết, Khoa là con đầu trong gia đình có 2 anh em trai. Bố làm thợ nề, mẹ làm công nhân. Tiếp xúc với PV, Khoa thừa nhận: “Hôm đó, vì sợ ba mắng rồi đánh nên em đạp xe đi lung tung. Em có mang theo một cái bánh để ăn nên không đói. Trong túi em không có tiền. Em thấy mình đã sai. Từ đó đến nay em không hề tới quán Internet để chơi game nữa”.
Người bố của nam sinh này cho biết, gia đình rất lo lắng khi không biết con đi đâu nên mới báo công an. “Lúc đầu tôi cứ nghĩ Khoa bị bắt cóc, mất xe nên liền mua lại cho cháu chiếc xe đạp mới 800 nghìn và động viên con đi học bình thường. Hiện tại, công an huyện Hải Lăng đã trả chiếc xe đạp lại cho gia đình.
Chúng tôi rất biết ơn. Hằng ngày vợ chồng tôi đi làm, Khoa đều tự lo cơm nước cho cả nhà. Những năm trước Khoa đều là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt nhưng trong học kỳ I năm học 2016-2017, Khoa học vẫn giỏi nhưng hạnh kiểm chỉ đạt loại khá. Nguyên nhân con tôi sa sút một phần vì ham chơi game”.
Nửa tháng 3 vụ bắt cóc giả
Cũng theo Trung tá Hòa, đây là vụ thông tin thất thiệt thứ 3 mà Công an huyện Hải Lăng xác minh trong khoảng nửa tháng qua. Trước đó, ngày 11/2/2017, một người đàn ông ở xã Hải Phú đến Công an huyện Hải Lăng báo tin con trai SN 2004 bị mất tích 3 ngày. Công an cũng xác định do nghiện game nên học sinh này ở lại nhà bạn chứ không bị bắt cóc.
Tiếp theo, vào ngày 21/2, công an huyện lại nhận được tin báo từ một người ở xã Hải Thọ về việc con trai SN 2006 bị 2 thanh niên bắt cóc giam giữ tại nhà hoang ở gần ga Diên Sanh. Sau đó lợi dụng sơ hở của kẻ gian, em đã trèo qua cửa gió thoát ra ngoài, trốn về với gia đình. Công an kết luận, em này cũng nghiện game, do nợ tiền chủ quán nên để xe đạp lại rồi về. Nam sinh này cũng sợ bố mẹ đánh đòn nên bịa chuyện bắt cóc.
Th.s Nguyễn Văn Thu (Trưởng Bộ môn Tâm lí – Giáo dục học Trường cao đẳng Sư phạm Huế) chia sẻ: “Với những sự việc trên có thể thấy, điểm chung của đa số các em trong độ tuổi này đều hết sức nhạy cảm, tò mò, muốn thể hiện bản thân hay còn gọi là thời kỳ “nổi loạn”.
Vì vậy, bố mẹ cần phải hiểu về con, phải biết cảm thông, chia sẻ được với con, phải thực sự là người bạn đáng tin cậy của con để tạo ra bầu không khí tâm lí gia đình dân chủ, bình đẳng, chan hòa tình yêu thương, sống có trách nhiệm với nhau.
Qua những vụ việc trên còn cho thấy học sinh nghiện game dễ dẫn đến những hành vi lệch lạc, dễ có chứng ảo tưởng, dễ bị kích động, mất bình tĩnh và dễ làm liều. Các em tiếp xúc với trò chơi trong game hay xem một bộ phim bạo lực nên mới bịa được chuyện bị bắt cóc như vậy. Cũng may 3 trường hợp trên đều để lại hậu quả chưa lớn nhưng đó là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh khi thiếu sự quan tâm con cái trong học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày”.
(Tên cháu bé trong bài đã được thay đổi)