Nghịch lý giải tỏa trước, tái định cư sau
Từ khi đường cao tốc cắt ngang, nhiều hộ dân các thôn ở Tam Đại, Tam Thái (huyện Phú Ninh) rơi vào tình cảnh “đi không được, ở chẳng xong”. Bà Lê Thị Lan (thôn 5, xã Tam Đại) phân trần: “Chúng tôi không làm khó đơn vị thi công, mà cái chính, nhường mặt bằng cũng đồng nghĩa chúng tôi phải …nhịn ăn.
Chính sách lâu nay thường thấy Nhà nước tái định cư (TĐC) trước khi giải tỏa nhà cửa, nhưng dự án đường cao tốc này lại khác. TĐC đến sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB) nên gây xáo trộn sinh hoạt, sản xuất.
Nông dân đi đâu, trâu bò heo gà theo đến đó, tìm chỗ nào mà ở”.
Tương tự, ở xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành), chính quyền còn nợ hơn 30 lô đất TĐC bố trí cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng nhà ở; 20 hộ khác ở xã Tam Mỹ Đông. Địa điểm nhắmlàm khu TĐC tới nay vẫn chưa có hạ tầng tối thiểu như điện, đường, trường, trạm.
Tại huyện Điện Bàn, gần 50 hộ dân xã Điện Thọ, Điện Tiến vẫn chưa nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ. Dân phán ánh, nhiều tháng qua, không chỉ ngôi nhà của họ bị nhuộm bụi đỏ, mà cuộc sống, sức khỏe cũng ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dự án cao tốc làm hỏng nhà dân |
“Mâm cơm vừa bê lên bàn, quay đi đã phủ bụi. Trời nóng nực mà lúc nào chúng tôi cũng cửa đóng then cài mới mong không bị dơ bẩn hay ho hen”, ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Thọ cho biết.
Ở xã này, dự án đường cao tốc đi qua dài 9km. Việc lập hồ sơ bản vẽ thi công của nhà thầu có một số vị trí chưa hợp lý, ảnh hưởng đi lại, sản xuất của người dân. Khi thi công dự án, một số đất nông nghiệp bị ngập úng do không có cống thoát nước và mương tiêu. Vị Phó Chủ tịch xã lo ngại đường cao tốc sẽ gây ra tác động xấu đến đời sống dân sinh.
Trên các tuyến ĐT605, ĐT609, ĐT609B (huyện Điện Bàn, Thăng Bình, Núi Thành), hằng ngày người đi đường rùng mình chứng kiến giờ cao điểm có hàng chục xe quá tải nối đuôi nhau chạy về phía công trường, đua phóng nhanh vượt ẩu, không chỉ làm đường hư hỏng, mà còn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Đền bù cái kẹo mút chơi
Tình cảnh “đền bù như đùa” rơi vào 110 hộ dân Nam Sơn, thôn Chiêm Sơn (Duy Trinh, Duy Xuyên). Từ khi “dính” đến dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, người dân Nam Sơn đã không đồng tình với cách đo đạc, kiểm kê để áp giá đền bù, hỗ trợ. Đơn vị thi công hầm đường làm nứt nhà nhưng có hộ chỉ nhận được 1.700 đồng đền bù.
Đầu tháng 5 vừa qua, vì phản ảnh nhiều lần nhưng không được giải quyết thấu đáo, người dân kéo nhau vào nơi đang thi công phản đối. Một trong những nhà dân bị nứt là ông Lưu Công Xinh (thôn Chiêm Sơn) được tính giá đền bù 700.000 đồng, cho biết, nếu đền bù với giá đó, ông không thể sửa chữa lại ngôi nhà mình đang ở.
Ông Lưu Ba được bồi thường… 2000đ tiền nứt nhà |
Từ khi bắt đầu nứt nhà, dân họp và làm đơn đề nghị xã can thiệp, đại diện xã và đơn vị thi công đi kiểm tra rồi “im luôn”. Gần đây do công trình bắn mìn nhiều, các hộ thiệt hại quá, nên mới “làm tới”. Đối thoại xong, dân nhận được thông báo đền bù với số tiền “không mua nổi cái bánh tráng bể”.
Ngày 30/5 vừa qua, các ban ngành huyện Duy Xuyên, đại diện gói thầu đã có buổi đối thoại thứ 3 với dân Nam Sơn. Giá bồi thường mới được dán công khai ngay tại nhà sinh hoạt thôn để dân theo dõi.
Theo bảng giá mới lần này, sau khi giám định vết nứt lần thứ hai vào chiều 23/5, đơn vị thi công đã bổ sung khối lượng vết nứt, nâng tổng chi phí bồi thường lên hơn 626 triệu đồng (ban đầu 98 triệu đồng).
Trong đó, hộ nhận bồi thường thấp nhất 800 nghìn đồng, cao nhất 17,5 triệu đồng. Riêng đối với trường hợp ông Lưu Ba, nay theo bảng giá mới được nâng lên gần 2 triệu đồng. Trước mức đền bù này, 93/110 hộ vẫn không đồng thuận
Ông Lưu Ba, người nhận “kỷ lục đền bù Việt Nam” cho hay thuộc diện hộ nghèo, trước đây nhờ xã hỗ trợ 6 triệu đồng, vay thêm 52 triệu xây căn nhà.
“Công ty bảo hiểm cũng như đơn vị thi công quá coi thường tính mạng và tài sản của dân. Với nhà tôi, họ tính chưa tới 2.000 đồng là xúc phạm đến danh dự. Mang tiếng là được đền bù nhưng chỉ đủ mua 1 cây kẹo. Chưa nói suốt thời gian qua đơn vị thi công nổ mìn vô tội vạ, tổn hại đến tinh thần, sức khỏe. Tội nhất người già và trẻ nhỏ, đêm ngủ không được, đau ốm quấy khóc”, ông Ba nói.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức JICA Chính phủ Nhật, vốn vay Ngân hàng Thế giới, một số gói thầu sử dụng vốn đối ứng của địa phương.
Có 886 hộ thuộc diện TĐC với 1.280 lô đất nhưng hiện mới bố trí được 700 lô. Trong số 19 khu TĐC để bố trí, đến nay mới xây dựng được 11 khu TĐC. Một số nơi hoàn thiện, nhưng người dân không muốn đến ở vì xa nơi sản xuất, không đảm bảo hạ tầng tối thiểu./.