Cánh cửa bước ra thế giới
Tại buổi tọa đàm với Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo, lần đầu tiên đến thăm Việt Nam hồi trung tuần tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS. Vũ Tiến Lộc đã nhắc đến 2 mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại của Việt Nam, đó là: Việt Nam gia nhập WTO cách đây 10 năm (năm 2007) và thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đàm phán, ký kết 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác thương mại lớn nhất – Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
“WTO đã làm thay đổi diện mạo khung khổ pháp luật, thể chế chính sách về kinh tế thương mại đầu tư cũng như phương thức quản lý kinh tế của Việt Nam…”, TS Lộc nhận định. Theo ông, gia nhập WTO là sức ép để Việt Nam sửa đổi, điều chỉnh khung khổ pháp luật, chính sách thương mại, đầu tư từ “theo nhu cầu quản lý” của Việt Nam sang “tuân thủ các tiêu chuẩn” của thế giới (thể hiện trong các hiệp định của WTO).
“Trong 2 năm liền trước và liền sau thời điểm gia nhập WTO (2006 - 2007), Quốc hội Việt Nam đã sửa trên 60 luật để thực thi cam kết WTO, hàng trăm nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đã được sửa đổi. Kết quả là pháp luật kinh doanh ở Việt Nam đã có một diện mạo mới cùng với những thay đổi về chất nhờ WTO…”, ông Lộc dẫn chứng.
Không những thế, gia nhập WTO là động lực để Việt Nam chuyển dần từ phương thức quản lý nhà nước can thiệp hành chính sang phương thức quản lý nhà nước kiến tạo - tôn trọng quyền tự do kinh doanh, theo quy luật thị trường.
Gia nhập WTO và nhu cầu cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư, tận dụng cơ hội từ WTO là động lực thúc đẩy Việt Nam thực hiện các cải cách theo hướng minh bạch hóa, thuận lợi hóa và nhấn mạnh yếu tố hiệu quả trong vận hành bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế.
Bỏ lỡ cơ hội hay quá kỳ vọng?
Mặc dù vậy, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng có rất nhiều kỳ vọng đã bị bỏ lỡ trên “chuyến tàu” WTO của Việt Nam.
Trước hết, cơ hội tăng trưởng không đạt được kỳ vọng. Tăng trưởng GDP 5 năm 2006 - 2010 đạt 7%, 2011 - 2015 là 5,88%, dù vẫn là cao so với thế giới nhưng rõ ràng là thấp hơn so với chính Việt Nam thời kỳ hội nhập hạn chế hơn trước đó (thấp so với 7,51% của giai đoạn 2001 - 2005, thậm chí thấp so với 7% của giai đoạn 1996-2000). Vậy phải chăng, thể chế kinh tế và công tác điều hành vĩ mô của Việt Nam chưa theo kịp yêu cầu hội nhập (khi nền kinh tế trở nên mỏng manh hơn trước các tác động của kinh tế toàn cầu)?
Thứ hai, nền nông nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực. Tăng trưởng bình quân của khu vực nông nghiệp năm 2007-2011 là 3,4%/năm, 2011-2015 là 3,1% (thậm chí năm 2015 mức tăng trưởng là thấp nhất, chỉ 2,21%) – trong khi đó tăng trưởng của ngành này giai đoạn 2001-2006 trước WTO là 4%. Vậy phải chăng, nhóm đối tượng thu nhập thấp, dễ bị tổn thương nhất trong xã hội dường như đã không được lợi hoặc đang chịu áp lực lớn từ hội nhập ?
Thứ ba, cơ cấu xuất nhập khẩu có vấn đề. Mũi nhọn xuất khẩu là các ngành sử dụng tài nguyên, nông nghiệp, gia công thâm dụng lao động; nhập siêu lớn và tăng mạnh trong thời kỳ sau WTO. Vậy phải chăng, xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng thấp, dựa trên các lợi thế không bền vững, không tạo động lực cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã cho thấy các DN sản xuất của Việt Nam đã không tận dụng được cơ hội của WTO?
“Đó là những điều mà chúng tôi nuối tiếc!”- Chủ tịch VCCI bộc bạch.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WTO Azevêdo lại thẳng thắn: “Tôi không thấy cơ hội nào bị mất đi khi Việt Nam tham gia WTO. Ngược lại, Việt Nam là thành viên được hưởng lợi nhiều nhất, với khoảng 3,6 tỷ USD từ các hoạt động hỗ trợ của WTO”. Theo ông Azevêdo, thông thường mọi người dự kiến những gì có thể đạt được khi tham gia vào những hiệp định như vậy, và thường thì kỳ vọng sẽ cao, sau đó sẽ có đôi chút thất vọng nếu không đạt được.
Quốc gia thành công nhất
Theo báo cáo về thương mại toàn cầu của WTO, hiện Việt Nam là một trong 35 nước xuất khẩu tốt nhất thế giới. Sau một thập kỷ tham gia WTO, giá trị thương mại của Việt Nam đã tăng gấp ba lần, từ mức dưới 50 tỷ USD năm 2006 đã lên tới 162 tỷ USD năm 2015. “Việt Nam đã thích ứng tốt những cú sốc của kinh tế thế giới, là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới” – ông Azevêdo đánh giá.
Theo ông Azevêdo, nếu không có WTO, khả năng thu hút vốn FDI, tạo dựng lòng tin với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ kém hơn rất nhiều. Thêm nữa, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường sẽ khó khăn hơn do không được các quy tắc của WTO bảo vệ.
Tổng Giám đốc WTO Azevêdo cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ sau khi tham gia WTO cũng như đã có những thay đổi đáng kể do những cải cách thực hiện cả từ trước và sau khi gia nhập WTO. Thương mại được tự do hóa đáng kể, mức thuế nói chung được hạ xuống, nhiều cải cách tích cực trong lĩnh vực dịch vụ.Vấn đề thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ đang tăng lên, cùng với đó là các rào cản phi thương mại ngày càng nhiều.
“Việt Nam là thành viên của WTO sẽ tránh được tác động xấu từ xu thế này. Đây là những điểm mà mọi người không nhận ra khi đánh giá về kết quả tham gia WTO…”- ông Roberto Azevêdo chia sẻ.
Ấn tượng trước sự phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam kể từ sau khi là thành viên của WTO, song Tổng Giám đốc WTO lưu ý câu chuyện thành công của Việt Nam này mới chỉ bắt đầu, bởi Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển thương mại, dịch vụ và đầu tư.
Hành trang cho “làn sóng” thứ hai
Nếu việc ký kết và thực hiện WTO đã tạo nên làn sóng hội nhập lần thứ nhất của nền kinh tế Việt Nam thì việc ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có thể coi như làn sóng hội nhập lần thứ hai với “độ khó” cao hơn. Theo Chủ tịch VCCI, những kỳ vọng chưa đạt được trong thực thi WTO chắc chắn sẽ còn lớn hơn nữa trong bối cảnh TPP, EVFTA và các FTA (do mức độ mở cửa của nền kinh tế, độ sâu của tự do hóa lớn hơn nhiều so với WTO).
Và vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội từ lần hội nhập thứ hai này, đồng thời góp phần thực thi tốt các cam kết trong WTO, để không một lần nữa bỏ lỡ các kỳ vọng trên “chuyến tàu” FTAs sắp tới?
Giải đáp băn khoăn của Chủ tịch VCCI, Tổng Giám đốc WTO Azevêdo cho rằng các hiệp định mà Việt Nam đã và sẽ ký kết như TPP hay Việt Nam – EU FTA mới… không phải loại trừ lẫn nhau mà ngược lại, nó giúp cho Việt Nam có hệ thống minh bạch hơn và hỗ trợ cho nhau. Những sáng kiến khu vực này sẽ giúp mang lại lợi ích về thương mại đến nhiều đối tượng.
“Chúng tôi đã nghiên cứu và thấy tất cả những hiệp định thương mại đó đều có sự tương đồng với WTO, đôi khi trùng lặp với WTO. Ngoài ra, các hiệp định này có thể đề cập đến một số lĩnh vực mà chưa được WTO đề cập tới…”- ông Azevêdo nhận xét.
Vị Tổng Giám đốc WTO cũng chia sẻ rằng, trước khi là Tổng Giám đốc WTO, ông là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách về kinh tế của Brazil. “Chúng tôi cũng phải đưa ra những quyết định đi theo nhóm như thế nào. Chúng ta phải thực dụng, thực tế tìm ra cơ hội. Nếu ta là nhà xuất khẩu có tính cạnh tranh, muốn tìm ra thị trường mới nhưng lại thấy lợi nhuận bị bào mòn đi thì hiệp định như thế không nên tham gia. Nếu ta không muốn chậm lại trong quá trình hội nhập thì phải tìm kiếm cơ hội để hội nhập…”, ông chia sẻ kinh nghiệm và nhấn mạnh: “Sẽ có nhiều việc phải làm, song điều quan trọng là các bạn đang đi đúng hướng trong tiến trình hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại…”.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp nội?
Vấn đề được các DN đặt ra trong buổi tọa đàm với Tổng Giám đốc WTO là chính các DN nước ngoài mới là những đối tượng hưởng lợi chính từ những lợi thế mà WTO mang lại. Điều này được chứng minh nếu nhìn vào tỷ trọng xuất nhẩu khá chênh lệch giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Hiện tại, các DN nước ngoài đang chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Có nghĩa rằng những DN này được hưởng lợi từ những cam kết thuế quan sau khi Việt Nam gia nhập WTO nhiều hơn DN nội địa.
Vậy làm sao để các DN Việt tận dụng được những lợi thế thương mại mà WTO mang lại, khi hầu hết lại là các DN nhỏ và vừa. Theo ông Azevêdo, đây sẽ là một thách thức với các DN Việt vì các DN có quy mô nhỏ sẽ khó có khả năng trụ vững trước sự cạnh tranh quyết liệt khi tham gia vào chuỗi thương mại toàn cầu. Hơn nữa, quy mô nhỏ và tiềm lực tài chính yếu cũng khiến các DN này gặp khó trong việc huy động vốn, đáp ứng chi phí vận chuyển, hậu cần và chi phí thuê lao động. Cách tốt nhất, theo ông Azevêdo, là tạo ra những nguồn tín dụng cho các DN này. Nguồn tín dụng có thể đến từ hoạt động bảo lãnh ngân hàng, thư tín dụng, hay kể cả bảo hiểm. Ông lưu ý, khi nói về thương mại toàn cầu, 20% liên quan đến tài chính, rất ít là tiền mặt, còn 80% là tài trợ vốn…