Sau 8 năm gia nhập WTO: “Sức khỏe” nền kinh tế vẫn yếu

(PLO) - Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua (18/9) cho ý kiến về Báo cáo Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Sau 8 năm gia nhập WTO, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam có chuyển biến tích cực
Sau 8 năm gia nhập WTO, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam có chuyển biến tích cực
Nền kinh tế vẫn chưa bền vững
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giầu báo cáo, ngay sau khi là thành viên WTO, Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao năm 2007. 
Tuy nhiên, đến năm 2008, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã dẫn đến sụt giảm tăng trưởng kinh tế kéo dài trong 4 năm (từ năm 2008-2011). Tín hiệu hồi phục trở nên rõ nét hơn khi tăng trưởng kinh tế tăng dần qua các quý, đạt 5,98% vào năm 2014 và 6,28% trong 6 tháng đầu năm 2015.
Tình hình thương mại của Việt Nam được đánh giá khá tốt so với các nước thành viên, xếp hạng của WTO về xuất, nhập khẩu của Việt Nam tăng so với thời điểm gia nhập WTO. Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 230 nước, vùng lãnh thổ.
Tuy vậy, 3 năm gần đây (2012-2014) Việt Nam có thặng dư cán cân thương mại, các năm trước đều có thâm hụt cán cân thương mại lớn. So sánh mức bình quân năm thì thương mại giai đoạn 2007-2014 vẫn ở tình trạng nhập siêu (8,07 tỷ USD) cao hơn mức nhập siêu bình quân giai đoạn 2001-2006 (4,05 tỷ USD) riêng năm 2008 nhập siêu hàng hóa là 18,02 tỷ USD. 
Cùng với đó, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài được đánh giá, các doanh nghiệp FDI chủ yếu là gia công chế biến, tác động của FDI trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho Việt Nam chưa rõ nét. Các chuyên gia quan ngại nếu nguồn vốn FDI rút khỏi thị trường sẽ tác động xấu đến sự phát triển bền vững nền kinh tế nước ta . 
Đánh giá “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam, ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng, kinh tế của nước ta có tăng trưởng nhưng mới chỉ tăng theo chiều rộng, hạn chế chiều sâu. Theo ông Phước, nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế chưa đầy đủ, nền công nghiệp khi tham gia chưa đủ sức cạnh tranh. Ông Phước than thở: “Chúng ta thường nói rất nhiều “lỗi hệ thống”. Vậy lỗi ở đâu?”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng thắc mắc về nguyên nhân khiến càng hội nhập quy mô doanh nghiệp càng nhỏ đi, người nông dân đã phải là chủ thể của hội nhập được chưa?
Hệ thống luật pháp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế
Một trong những nguyên nhân kéo nền kinh tế xuống là hệ thống pháp luật của nước ta vẫn chưa đáp ứng được thực tế của quá trình hội nhập. Mặc dù, khi gia nhập và sau khi gia nhập WTO, nhiều văn bản pháp luật đã được chúng ta ban hành mới, sửa đổi, bổ sung góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, bình đẳng, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết WTO. 
Bộ Tư pháp cho biết hiện có 438 văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương có liên quan đến cam kết WTO của Việt Nam. Ông Ksor Phước chỉ rõ: “Đầu tiên phải nói đến chính sách, luật. Quá trình hoàn thiện pháp luật của ta rất chậm; cơ chế điều hành, tư duy quy hoạch vùng miền còn hạn chế”. 
Đánh giá về hạn chế hệ thống luật pháp nước ta đang gặp phải, Đoàn Giám sát của UBTVQH cho biết, chúng ta vẫn còn thiếu các giải pháp cụ thể triển khai thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững; hệ thống chính sách thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân trong nước chưa đủ mạnh; một số dự án luật chậm được ban hành, phải chuyển từ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII sang Quốc hội khóa XIII... 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định việc gia nhập WTO là một cơ hội lớn, nhưng cũng đi kèm những thách thức lớn. Điều quan trọng là cần phải vượt qua thách thức để chuyển thành cơ hội. 
Theo Chủ tịch, báo cáo cần đi vào chiều sâu hơn nữa. Các vấn đề cần đánh giá kỹ như sức phát triển của nền kinh tế nước ta có tiến bộ hơn không? Có co bớt khoảng cách nước ta với các nước hay không? Tám năm qua, nước ta có gần lại với các nước đi trước hay không? Từ đó đi sâu hơn, tăng trưởng kinh tế đã tốt chưa, các yếu tố cấu thành kinh tế, sức cạnh tranh tốt chưa? Chất lượng tăng trưởng kinh tế, công nghiệp đã tốt chưa, dẫn đến sản xuất nội địa, xuất khẩu kém...

Đọc thêm