Cây nắp ấm Attenborough
Cây nắp ấm Attenborough (tên khoa học: Nepenthes attenboroughii) chỉ sống ở núi Victoria, tỉnh Palawan, Philippines. Số lượng cây được cho là chỉ còn vài trăm. Cây nắp ấm là loài cây ăn thịt, bẫy mồi bằng phần chất lỏng trong bộ phận giống chiếc ấm. Attenborough là một trong những loài nắp ấm lớn nhất, với phần "ấm" cao khoảng 30 cm. Nó được phát hiện năm 2007 và đặt tên theo nhà tự nhiên học David Attenborough. Ảnh: Alastair Robinson |
Cây cọ "tự tử"
Cọ tự tử (tên khoa học: Tahina spectabilis) là giống cọ lớn chỉ được tìm thấy ở các khu vực hoang vắng ở tây bắc Madagascar. Chúng sống khoảng 50 năm, chỉ nở hoa một lần và chết sau đó. Loài cây này được phát hiện năm 2005 và chính thức mô tả năm 2008. Cây có thân cao 18 m, tán lá hình quạt rộng tới 5 m, do đó có thể nhìn thấy chúng từ ảnh vệ tinh của Google Earth. Theo con số thống kê, hiện chỉ còn khoảng 90 cây sống trong tự nhiên. Ảnh: John Dransfield |
Lan sống dưới đất
Rhizanthella gardneri là tên khoa học của loài cây thuộc họ Lan, có đặc điểm là chỉ sống dưới mặt đất. Chúng thậm chí còn nở hoa trong lòng đất, thường vào khoảng cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Hoa lan có màu từ trắng sữa đến đỏ, mùi thơm nồng. Cây hoa lan chỉ sống trong các vùng đất mọc cây bụi ở phía tây Australia. Vì thiếu chất diệp lục nên chúng không thể thu năng lượng từ Mặt Trời, mà thay vào đó ký sinh trên nấm mọc trên rễ một loại cây. Theo các nhà khoa học, hiện chỉ còn chưa đầy 50 cây hoa lan này. Ảnh: Andrew Brown |
Xương rồng "bóng golf"
Loài xương rồng có tên khoa học Mammillaria herrerae chỉ sống ở các vùng núi của Queretaro, Mexico. Chúng có màu trắng và hình dạng giống quả bóng golf và hoa màu hồng. Tình trạng thu thập cây bất hợp pháp là nguyên nhân khiến số lượng cây giảm hơn 95% trong 20 năm qua. Ảnh: Petar43/ Wikimedia |
Vạn tuế Venda cycad
Vạn tuế Venda cycad (tên khoa học: Encephalartos hirsutus) là loài chỉ sống ở tỉnh Limpopo của Nam Phi. Chúng được mô tả lần đầu tiên và được coi là sinh vật mới năm 1996. Giống như xương rồng "bóng golf", số lượng loài cây này giảm mạnh khi con người có xu hướng sử dụng chúng cho các mục đích trang trí. TheoBBC, các báo cáo chưa được xác nhận cho hay cây vạn tuế Venda cycad đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Ảnh: Hannes Mostert |
Cây sứa
Cây sứa (tên khoac học: Medusagyne oppositifolia) từng bị cho là tuyệt chủng cho đến khi nó được tái phát hiện vào những năm 1970. Tên của loài cây này xuất phát từ hình dạng quả giống con sứa khi nở bung. Cây sứa sống trên đảo Mahe, Cộng hòa Seychelles ở Ấn Độ Dương. Hiện chỉ còn khoảng 86 cây trưởng thành trong thế giới tự nhiên. Ảnh: Royal Botanic Gardens |
Cây poke-me-boy
Poke-me-boy, tên khoa học là Acacia anegadensis, là loài cây bụi nhiều gai, chỉ được tìm thấy trên các đảo thuộc quần đảo Virgin thuộc Anh ở Caribe. Đây là vùng đất thấp nên cây cối có thể bị ngập khi nước biển dâng. Giới chuyên gia hiện chưa thể xác định tình trạng số lượng, tuy nhiên cây chỉ xuất hiện ở khu vực có diện tích nhỏ hơn 10 km2. Để tạo cơ hội tồn tại cho loài này, các nhà nghiên cứu trồng một số cây trưởng thành trong vườn bách thảo JR O'Neal ở Tortola và vườn bách thảo Hoàng gia ở Anh. |
Dương xỉ đảo Ascension
Dương xỉ đảo Ascension (tên khoa học: Anogramma ascensionis) có hình dáng giống những cây mùi tây nhỏ, sống ở đảo Ascension, phía nam Đại Tây Dương. Cây mọc trên vách đá chênh vênh, trong điều kiện khô và khắc nghiệt. Trong hơn 50 năm, loài cây này bị cho là tuyệt chủng nhưng được phát hiện trở lại vào năm 2009. Hiện chỉ còn khoảng 40 cây trưởng thành trong tự nhiên. Ảnh:Viswambharan Sarasan |
Cây san hô
Cây san hô (tên khoa học: Erythrina schliebenii) có hoa màu đỏ sáng và thân gai, chỉ sống trong các cánh rừng hẻo lánh ở đông nam Tanzania. Chúng từng được tuyên bố là tuyệt chủng vào năm 1998 và xuất hiện trở lại năm 2001 trong một vạt rừng nhỏ. Nhiều người từng lo ngại chúng đã tuyệt chủng do khu rừng bị phá để phát triển nhiên liệu sinh học, cho tới khi họ phát hiện chúng vẫn tồn tại vào năm 2011. Hiện còn chưa đầy 50 cây sống ở một địa điểm duy nhất và không được bảo vệ. Ảnh: University of Dar es Salaam |