Theo đó, đội ngũ hòa giải ở cơ sở luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn. Công tác bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở luôn được sự quan tâm. Do vậy mà hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện từng bước nâng cao chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng đi vào nền nếp.
Ở một số xã, Luật hòa giải ở cơ sở thật sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này, cùng với đó sự linh hoạt, sáng tạo của các hòa giải viên trong việc hòa giải, để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
|
Một buổi hòa giải ở cơ sở |
Nói về vấn đề này anh Giàng A Phừ, Chủ tịch UBND xã Quan Hồ Thẩn cho biết: Vai trò của hòa giải viên cơ sở hết sức là quan trọng, nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc ở thôn bản, từ đó đã giải tải việc chuyển lên cấp trên, đảm bảo tình hình an ninh chính trị ở địa phương, trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục duy trì tổ hòa giải cơ sở ở các thôn bản.
Hàng năm UBND các xã, thị trấn đều tổ chức bồi dưỡng kĩ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên nhằm giúp cho các hòa giải viên ở cơ sở nắm bắt kịp thời các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Ông Giàng Seo Chư, Trưởng phòng tư pháp huyện Si Ma Cai cho biết: Trong quá trình tham mưu triển khai luật hòa giải cơ sở, trong 10 năm qua phòng tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các kế hoạch phối hợp với mặt trận tổ quốc huyện, chỉ đạo công chức tư pháp xã phối hợp với mặt trận tổ quốc xã, chất lượng đội ngũ hòa giải viên đã được nâng lên trong thời gian qua, trong 10 năm triển khai thì các tổ hòa giải đã tiếp nhận 344 vụ việc, đã hòa giải thành 322 vụ đạt trên 94%.
Phòng Tư pháp thường xuyên kiểm tra công tác hòa giải như một nội dung trong kiểm tra toàn diện công tác tư pháp theo định kỳ. Việc kiểm tra được thực hiện thông qua hoạt động kiểm tra lồng ghép trong công tác kiểm tra của Phòng Tư pháp và tự kiểm tra của các của các xã, thị trấn. Qua đó đã kịp thời hướng dẫn và chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động Hòa giải cơ sở tại địa phương.
UBND huyện luôn kịp thời khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong việc thi hành Luật hòa giải ở cơ sở cũng như trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Công tác xây dựng củng cố, kiện toàn số lượng hòa giải viên được thực hiện hàng năm, Đến nay trên địa bàn huyện có 62 thôn, tổ dân phố với 62 tổ hòa giải có 285 hòa giải viên. Mỗi tổ hoà giải có từ 03 đến 05 hoà giải viên do Trưởng thôn hoặc Trưởng ban MTTQ làm tổ trưởng, đa số các hòa giải viên là những người có trình độ văn hóa từ trung học cơ sở trở lên là những người có uy tín, có trách nhiệm với công việc hòa giải ở cơ sở.
|
Hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện SiMaCai từng bước nâng cao chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng đi vào nền nếp. |
Chất lượng của đội ngũ hòa giải viên ngày càng được nâng cao. Hòa giải viên có trình độ chuyên môn từ Trung cấp trở lên, chiếm tỷ lệ 32%. Các hòa giải viên được bầu đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, được bầu chọn công khai, dân chủ trong cộng đồng và có quyết định công nhận của chính quyền cơ sở..
Các vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn được tổ hòa giải tiếp nhận và giải quyết kịp thời, hạn chế đơn thư lên cấp trên. Khi tiếp nhận vụ việc, các thành viên tổ hòa giải nắm rõ nội dung tranh chấp, nguyên nhân phát sinh, đến tận nơi tìm hiểu, xác minh để có hướng giải quyết "thấu tình, đạt lý". Tỷ lệ tham gia hòa giải thành các vụ việc phát sinh hằng năm từ 80% trở lên, nhiều xã trên 90% về tỷ lệ hòa giải thành.
Nhìn chung, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả nhất định, tỷ lệ hòa giải thành cao. Có được kết quả này, trước hết là nhờ sự đóng góp của đội ngũ hòa giải viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tận tâm, nhiệt tình trong việc hàn gắn những rạn nứt về tình cảm, sự hòa thuận trong từng gia đình, làng xóm, cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội tại địa phương./.