Những người lính áo trắng tỏa sáng giữa tâm dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày tâm dịch tại phía Nam, hình ảnh những thầy thuốc quân y không ngại vất vả, hiểm nguy, dịch bệnh, mưa nắng, ngày đêm sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân tại bệnh viện, tại nhà đã tô đẹp thêm truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ”.
Sáng kiến tách ECMO cho 2 bệnh nhân đã cứu sống nhiều sản phụ nguy kịch.
Sáng kiến tách ECMO cho 2 bệnh nhân đã cứu sống nhiều sản phụ nguy kịch.

Tình người giữa sự sống và cái chết

Năm 2021 tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trong đó, TP HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam là tâm dịch. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, nhiều bệnh viện dã chiến truyền nhiễm (BVDCTN) được thành lập. Các bệnh viện quân đội đều tăng cường lực lượng phòng chống dịch COVID-19 cho các tỉnh phía Nam.

Đặc biệt, trưa 23/8/2021, năm chuyến bay chở 1.100 bác sĩ, học viên, điều dưỡng của Học viện Quân y hỗ trợ TP HCM và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch COVID-19 đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là đợt xuất quân lớn nhất của Học viện Quân y khi dịch bùng phát tại nước ta. Sau những ngày thực hiện nhiệm vụ với vô vàn khó khăn, vất vả, thiếu thốn và nguy hiểm, các y, bác sĩ quân y đã chia sẻ những câu chuyện xúc động, ấm áp tình người nơi tâm dịch.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Quang, bác sĩ chuyên khoa 1, Ban Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Quân y 110, Quân khu 1 được phân công trực tiếp phụ trách 30 cán bộ y, bác sĩ tham gia chống dịch tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Có những ngày khu cách ly, điều trị của huyện tiếp nhận gần 2.000 ca F0 vào điều trị tập trung, trong khi chỉ có 6 cán bộ y tế địa phương và 9 y, bác sĩ của Bệnh viện 110.

Khó để thấu hiểu hết những gian nan, vất vả mà các y, bác sĩ đã đương đầu khi cường độ làm việc quá tải, liên tục mặc bộ đồ bảo hộ cấp 4 nhiều giờ đồng hồ dưới thời tiết nóng bức, áp lực công việc và môi trường F0 dày đặc, bệnh nhân tử vong rất nhiều. Vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bản thân các bác sĩ quân y cũng bị ngất xỉu vì bị sốc nhiệt, nhiều người bị ốm sốt, thậm chí mắc COVID-19 nhưng khi khỏi bệnh lại tiếp tục cùng đồng đội chống dịch.

Điều đọng lại đối với các bác sĩ quân y là trong tâm dịch, giữa sự sống và cái chết, giữa thầy thuốc và bệnh nhân luôn ấm áp, đầy ắp tình người. Thiếu tá Quang nhớ mãi câu chuyện xúc động của một cụ bà tuổi ngoài 80. Sau khi nhận quà cứu trợ, bà đã gửi lại và nói: “Nghe tin các chú bộ đội ngoài Bắc vào giúp dân chống dịch, tôi muốn được nhận quà này từ chính tay các chú bộ đội, nhưng tôi nhờ các chú chuyển phần quà này tới những bà con còn khó khăn hơn...”.

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, Đại úy QNCN Nguyễn Thị Mai Dung, Điều dưỡng trưởng, Khoa Nội tim thận khớp, Bệnh viện Quân y 91, Cục Hậu cần Quân khu 1 đã gửi lại con thơ ở nhà cho ông bà chăm sóc, khoác ba lô, cùng trang thiết bị y tế xung phong lên đường, tăng cường chống dịch COVID-19 cho các tỉnh phía Nam.

Một lần, chị Dung đưa F0 là cháu bé 6 tuổi đã khỏi bệnh từ nơi điều trị cách ly về nhà. Khi đó, bố mẹ và chị gái của cháu đều nhiễm COVID-19 đang được điều trị, chưa khỏi bệnh nên nhà chẳng có ai. Chị trao cháu bé cho các chiến sĩ dân quân phường và các tình nguyện viên mà trào nước mắt.

Dù gia cảnh neo đơn, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thuần, nhân viên điều dưỡng Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác vẫn chủ động gặp lãnh đạo khoa đề xuất nguyện vọng được tham gia lực lượng phòng chống dịch của đơn vị. Chị Thuần được phân công tham gia điều trị và chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 mức độ nặng và rất nặng tại Khoa Hồi sức cấp cứu, BVDCTN số 5G. Dù tỷ lệ bệnh nhân nặng rất cao, một người mới gặp, vài tiếng sau đã lìa đời nhưng “còn nước còn tát”, tinh thần người lính sẵn sàng dấn thân, hết mình vì nhiệm vụ luôn được phát huy cao nhất.

Những câu chuyện chị kể khiến mọi người hiểu rõ hơn tính chất khó khăn, phức tạp của cuộc chiến với đại dịch COVID-19, đồng thời thêm cảm phục tấm gương những người thầy thuốc quân y hết lòng vì người bệnh, vì hạnh phúc nhân dân.

Ở Viện Y học Dự phòng Quân đội khu vực phía Nam, tấm gương giàu nghị lực của Thiếu tá, bác sĩ Hồ Thị Thu Hiền, phụ trách Khoa Tuyên truyền chỉ đạo tuyến Dân số - Kế hoạch hóa gia đình luôn được mọi người khâm phục.

Chồng chị Hiền là bác sĩ công tác tại Bệnh viện Quân y 175, tham gia BVDCTN số 7. Kể từ khi có dịch, hai vợ chồng chị ở hai “mặt trận” khốc liệt. Ở nhà, 2 con nhỏ tự bảo ban, chăm sóc nhau hàng ngày. Rồi chồng chị Hiền bị lây nhiễm COVID-19. Bằng ý chí và nghị lực kiên cường, chị đã vượt mọi khó khăn, cùng các đồng nghiệp ở Viện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng chống dịch và các nhiệm vụ chuyên ngành khác.

Thực sự là một “thành trì” chống dịch COVID-19

Trung tâm điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 thành lập ngày 19/7/2021 với công suất 500 giường, thuộc tầng 3 trong hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và vừa đã tiếp nhận, điều trị và chữa khỏi cho hàng nghìn bệnh nhân, góp phần quan trọng vào công cuộc chống dịch của TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 rời tâm dịch TP Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 rời tâm dịch TP Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Dấu ấn đặc biệt của Trung tâm là đã cứu sống nhiều sản phụ nguy kịch. Với nhiều bệnh nhân rất nặng, phải mổ bắt con sớm, các bác sĩ vừa can thiệp kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) vừa lọc máu, thời gian nằm viện dài, chi phí điều trị cao, có trường hợp viện phí hơn 2,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ chi phí điều trị COVID-19 được miễn phí, bệnh nhân chỉ trả các khoản điều trị ngoài COVID-19 (bệnh nền, những can thiệp y khoa...).

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, việc tổ chức phương án làm việc phù hợp với từng cấp độ dịch đã giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng vào bệnh viện, góp phần đảm bảo quân số khỏe cao để thực hiện nhiệm vụ kép.

Trong hoàn cảnh tính mạng người bệnh như treo trên đầu sợi tóc, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực của Trung tâm đã phát huy sáng kiến, thực hiện kỹ thuật ECMO cho 2 bệnh nhân trên cùng một máy trong điều kiện không đủ máy thở cho các bệnh nhân nguy kịch. Kỹ thuật chưa từng có tiền lệ này đã góp phần cứu sống ngoạn mục những bệnh nhân cận kề tử vong. Trung tâm còn triển khai ECMO ngay tại cơ sở y tế khác để cấp cứu bệnh nhân sau đó chuyển về Trung tâm điều trị tiếp (ECMO Mobile), thực hiện nhiều sáng kiến như chia tách đường dẫn khí, lọc máu luân phiên…

Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Giám đốc Trung tâm điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 kể, ngày 11/8/2021, sản phụ T.H (28 tuổi) nhập viện điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Trưng Vương khi đang mang thai 27 tuần. Do tình trạng nặng dần nên một tuần sau, chị được mổ bắt con. Bé trai đầu lòng của chị sinh non lúc 28 tuần tuổi, chỉ nặng 1kg. Tuy nhiên, sau đó, chị H. suy hô hấp, không đáp ứng thở máy, ôxy máu giảm thấp, suy đa cơ quan. Các bác sĩ tại Bệnh viện Trưng Vương đã hội chẩn cùng Bệnh viện 175, các chuyên gia đầu ngành về hồi sức và nhận định phải thực hiện ECMO. Chị H. được cứu sống và điều trị gần 2 tháng thì xuất viện.

Những ngày TP HCM là tâm dịch, Bệnh viện 175 thực sự là một “thành trì” chống dịch COVID-19 của TP HCM và các tỉnh phía Nam, tạo động lực, hiệu ứng mạnh mẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Năm 2021, Cục Quân y Tổng cục Hậu cần đã tham mưu, đề xuất các cấp điều động, tăng cường gần 11.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, trong đó có gần 7.000 lượt cán bộ, nhân viên quân y và gần 4.000 người phục vụ trong các cơ sở y tế; tham gia triển khai 12 BVDCTN Bộ Quốc phòng với tổng quy mô hơn 6.500 giường bệnh, 1 bệnh viện chuyển đổi công năng 500 giường bệnh và Trung tâm điều trị COVID-19 mức độ nặng và vừa quy mô 500 giường thuộc Bệnh viện Quân y 175.

Đọc thêm