Tìm về âm thanh mộc mạc thuở ban đầu
Quán cà phê nhỏ tại đường Giải Phóng (Hà Nội) chỉ chừng 20m2, nhưng sở hữu đến 30 bộ đài cối và loa cổ, một chiếc ti vi cửa lùa. Đặc biệt là chiếc đài tiếng nói bằng gỗ đã sờn màu có niên đại khoảng 50-60 thế kỷ trước. Những món đồ cổ ấy được ông chủ có tên Trịnh Tuấn nâng niu như những báu vật, tất cả được ông phục hồi và sử dụng, cùng chia sẻ đến mọi người bấy lâu nay.
Nhạc Trịnh qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly phát ra từ đĩa than du dương, mộc mạc, trầm lắng khiến thời gian như lắng đọng, được quay về những năm 70-80 thế kỷ trước. Khi nghe nhạc trên những chất liệu như vậy, nhiều người không khỏi quyến rũ, mê hoặc và có cảm giác như người nghệ sĩ đang chơi nhạc trước mặt mình.
Ở đây, mỗi người có một suy nghĩ, sự liên tưởng và cảm nhận riêng, nhất là khi khách được nhâm nhi ly cà phê, ngắm nghía những món đồ cao niên.
Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, không ít bộ đài cối bị đem bán cho đồng nát, những dải băng bị tháo bỏ còn mô tơ được tận dụng đổi lấy vài đồng lẻ. Đĩa than thậm chí còn biến thành thứ đồ lót lồng chim, băng cối bị dỡ ra làm mành sáo… Nhưng khi nhận ra giá trị của những âm thanh cổ thì người yêu nhạc mới thấy được giá trị đích thực của băng cối.
Theo ông Trịnh Tuấn, băng cối là đại diện cho một thời kỳ vàng son của công nghệ analog. Chất analog nhẹ nhàng, trung thực, gần với âm thanh tự nhiên. Chơi băng cối là hướng về âm thanh mộc mạc của thuở ban đầu, khi giọng hát bao trùm lên nhạc đệm.
Giọng hát được tôn vinh. Người ta có thể vừa nói chuyện vừa nghe nhạc mà không bị chói tai. Còn loại âm thanh số hiện nay chỉ nghe được một lúc là thấy chói tai hoặc mệt đầu. Những người mê chơi âm thanh cổ không chỉ có tâm hồn hoài cổ lưu luyến ngày xa xưa mà quan trọng hơn, họ không nghe nổi thứ âm thanh “hỗn độn” của kỹ thuật số.
Âm thanh cổ nghe tiếng hát rất tròn tiếng, chỉ có 0,01 tạp âm mà thôi. Đó là lý do vì sao những người mê âm thanh cổ lại khao khát tìm kiếm những bộ âm thanh “có tuổi”.
Thú chơi lắm công phu
Thú chơi và sưu tầm các thiết bị âm thanh cổ của những người yêu nhạc xưa trải dài ở các tỉnh, thành. Có thể kể tới các “ông trùm” âm thanh cổ: ông Hùng (Hà Nội), ông Trịnh Tuấn (Hà Nội), ông Quốc Chỉ (Nam Định), ông Tiến Hưng (Thanh Hóa), ông Phương Chánh Hùng (Khánh Hòa), Tiến Đạt (Gia Lai), ông Nguyễn Thi (Đà Lạt)… Họ sở hữu đài cối với số lượng lớn và thiết bị thuộc loại độc - hiếm, giá trị hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng/ chiếc.
Bộ sưu tập âm thanh cổ lỗ nhất có lẽ thuộc sở hữu của một người chơi đồ cổ có tiếng ở Hà Nội - đó là ông Hùng với một đôi loa thùng to của Nhật, chiếc âm li hiệu Pioneer mà chỉ có chiếc âm li này mới đủ công suất tải được đôi loa thùng. Chiếc đầu băng cối hiệu Jec của Nhật và đầu quay đĩa than mà hàng chục năm trước ông phải lặn lội vào tận Sài Gòn mới lùng mua được bằng khoản tiền đủ mua cả căn nhà lúc đó.
Đôi loa Akai có xuất xứ từ Nhật Bản trong bộ sưu tập của ông Hùng gần như là hàng độc, hiếm có bộ thứ 2 ở Việt Nam. Đây là loại loa thùng lớn với 6 loa nhỏ ở trong với hình dáng, họa tiết đẹp. Khung và cửa loa được làm bằng gỗ, họa tiết ô nan hình bầu dục trông rất thanh thoát. Đôi loa Akai này du nhập vào Việt Nam từ những năm 1920 của thế kỷ trước.
Năm 1978, lặn lội vào tận Sài Gòn lùng, ông Hùng mới tìm mua được với giá hơn 1.800 đồng, mà thời ấy giá một căn nhà thường chỉ 2.000 đồng.
Ngoài những người đã say mê và sưu tầm từ hàng chục năm trước thì bây giờ giới mê chơi thường phải đi tìm tại các cửa hàng chuyên bán đồ cũ ở bên Nhật Bản hoặc tìm mua lại của người có với giá khá cao.
Có được đầu đọc rồi nhưng việc tìm mua băng cối cũng đòi hỏi cả một sự kỳ công. Các băng cối chủ yếu là những bài hát cũ được thu âm trước năm 1975 được bán với giá khá đắt đỏ. Ví như một bộ băng cối gốc thu nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được phát hành từ những năm 1970 sẽ lên tới hàng triệu đồng/băng nhạc.
Nội dung băng cối trên thị trường chủ yếu chia làm hai thể loại chính: nhạc vàng và nhạc cổ điển. Băng cối thể loại nhạc vàng thường được thu âm từ những năm trước giải phóng tại nhiều phòng thu trong nước. Nhạc cổ điển là dòng nhạc phổ biến và cũng đa dạng hơn cả. Nguồn tư liệu này thường có xuất xứ từ các phòng thu châu Âu, châu Mỹ. Ngoài ra còn một số ít nhạc pop, jazz nước ngoài từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Theo các “tay chơi” âm thanh cổ, trên thị trường có hai nguồn máy chính: máy chất lượng tốt thường được thanh lý từ các studio, đài phát thanh ở nước ngoài; trong nước thì chủ yếu từ các đầu mối buôn hàng điện tử cũ, hay phổ biến nhất là người chơi tự trao đổi với nhau. Chủng loại máy cũng khá đa dạng, từ châu Âu như các hãng Studer, Revox, Tandberg... hoặc Nhật Bản như Otari, Teac, Akai...
Ông Hùng cho hay, bây giờ mà chơi âm thanh cổ hoàn thiện thì lên đến tiền tỉ mới đủ cả bộ lọc âm thanh (bao dề), chỉ tính riêng rắc CD cắm nối tín hiệu cũng có giá hàng trăm USD một sợi. Hay chỉ tính riêng tiền vận chuyển để mua một bộ loa cổ từ nước ngoài về cũng phải ngốn ít nhất vài trăm triệu đồng.
Việc bảo quản mới là kỳ công. Đối với người yêu âm thanh cổ, việc gìn giữ, chăm sóc những bộ âm thanh ấy chẳng khác nào chăm con mọn. Vì thời tiết Việt nóng ẩm nên để tránh đài, đĩa mốc là điều rất khó. Họ thường cắm điện để khỏi ẩm. Nghe không được lâu vì máy nóng sẽ méo tiếng. Chỉ tính việc lau chùi một 1 chiếc đài cũng ngốn mất 5- 6 tiếng.
Họ phải tháo hàng trăm chi tiết rồi ngâm trong dầu hỏa hoặc lau chùi bằng dầu máy khâu. Bên cạnh nhiều thông số cần nắm chắc như độ dày, độ rộng, tốc độ... người chơi còn phải kiểm tra kỹ để tránh hiện tượng có tiếng xì, rè, mất lớp âm. Sửa chữa máy hát quan trọng là phải biết nó hay hư cái gì để sửa cho nhanh nhất. Họ tự mày mò nghiên cứu những kỹ thuật mới, tự phát hiện rồi độ chế thêm đồ nghề.
Càng nghe càng nghiện, càng chơi càng say. Thú vị nhất là được thưởng thức ly cafe nghe nhạc, ngắm nhìn đôi cuộn băng xoay và chiếc kim đèn điện tử giật theo điệu nhạc... Những người yêu âm thanh cổ không chỉ có tâm hồn hoài niệm, lưu luyến xa xưa mà quan trọng hơn họ “sống chậm” với những bản nhạc, ca khúc vàng son qua chiếc đài vốn bị coi là cổ lỗ sĩ ấy…