Những người thầy “đặc biệt” hết mình vì học trò

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù ở những nơi có hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn nhưng tình yêu trẻ, mong muốn mang kiến thức đến cho học sinh nghèo luôn là động lực để các thầy giáo kiên trì với nghề.

Thầy giáo kiêm “tuyên truyền viên” chống dịch

Cả huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) chỉ có thầy Bàng Văn Đức (giáo viên mầm non Nậm Kè, Mường Nhé) là giáo viên nam. Cũng từng được bố khuyên nghề mầm non không phù hợp với đàn ông nhưng với tình yêu nghề, yêu trẻ, thầy Đức đã gắn bó với sự nghiệp trồng người 10 năm.

Học sinh của thầy đa số là người dân tộc thiểu số, năm 2019 có tới gần 57 cháu, 1 mình thầy vừa lên lớp, vừa nấu ăn, chăm sóc học sinh. “Dạy mầm non với tôi thì rất khó khăn bởi tôi là một người đàn ông, múa không được dẻo, hát không hay nhưng vẫn tự tin dạy các con, thầy Đức cho hay.

Thời điểm có dịch COVID-19, thầy Đức cùng các cô giáo đã chủ động cập nhật thông tin từ trang báo chính thống, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống Covid tỉnh rồi trao đổi với phụ huynh trước mỗi buổi đón trẻ hoặc cuối ngày khi phụ huynh đón trẻ về nhà. Với học sinh, hằng ngày giáo viên ở đây đều dạy các cháu cách rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, nhắc các cháu không tiếp xúc người lạ, người từ nơi khác về. Mỗi ngày dạy một điều, mỗi ngày đều nhắc lại điều hôm trước để học sinh nhớ lại kiểu “ôn bài”.

Hàng ngày thầy Bàng Văn Đức vừa dạy học, vừa chăm sóc các bé mầm non.

Hàng ngày thầy Bàng Văn Đức vừa dạy học, vừa chăm sóc các bé mầm non.

Thầy Đức nói thêm "Cũng cách đó, chúng tôi thường xuyên trao đổi với phụ huynh dần dần họ đã hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh cho nên họ rất hạn chế tiếp xúc người ngoài bản; có việc cần lắm phải đi trung tâm xã mua sắm thực phẩm thì ngay khi về bản bà con đều khai báo lịch trình tiếp xúc với trưởng bản để trưởng bản cập nhật thông tin hằng ngày".

Hay ở trường Mần non Kỳ Tân (Bá Thước, Thanh Hoá) cũng có 3 thầy giáo là Hà Văn Anh, Hà Văn Đức, Lữ Văn Kế. Hàng ngày các thầy vẫn lặng lẽ dành tình yêu thương chăm sóc, dạy dỗ trẻ.

Cô Phạm Thị Mầu, Hiệu trưởng Trường Mần non Kỳ Tân cho biết: “Các thầy đã nỗ lực vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Việc các thầy giáo tham gia đảm nhiều phần việc của người giáo viên mầm non đã xoá đi khoảng cách và suy nghĩ lâu nay của nhiều người khi cho rằng chỉ có nữ giới mới làm được những công việc chăm sóc, dạy dỗ thế hệ măng non”.

Người thầy mặc áo cà sa, 5 năm gieo chữ cho trẻ em nghèo

Lớp học thiện nguyện Bát Nhã của đại đức Thích Thiện Đăng là nơi trẻ em lang thang, trẻ mồ côi tại khu vực huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) yêu thích.

Ý tưởng mở lớp học, Đại đức Thích Thiên Đăng cho biết hay: “Năm 2016, trong một lần đi làm thiện nguyện và thăm trẻ em nghèo, tình cờ tôi thấy được cuộc sống nay đây mai đó, không có điều kiện đến trường, không được học chữ của các em. Lúc ấy, tôi biết rằng, mình nhất định phải làm điều gì đó”.

Sử dụng chính nơi nghỉ ngơi của mình làm phòng học – tịnh thất Phước Quang, thầy gửi gắm niềm hi vọng vào lớp học ngay từ cái tên “Bát Nhã”. Theo quan niệm nhà Phật, Bát Nhã nghĩa là trí tuệ.

Tận dụng tối đa không gian, thầy dành ra được khoảng 450m từ trong tịnh thất để làm phòng học. Thầy cũng tự tay chuẩn bị từng bộ bàn ghế ngay ngắn để các em có không gian học tập thoải mái nhất.

Đại đức Thích Thiên Đăng bên các học trò.

Đại đức Thích Thiên Đăng bên các học trò.

Từ những ngày đầu chỉ với có 17 em học sinh, đến nay, lớp học tình thương Bát Nhã của Đại đức Thích Thiên Đăng đã có hơn 100 em học sinh, chủ yếu trong độ tuổi từ 5 -15. Từng cây bút viết, từng cuốn tập cho đến quần áo và cả đồ dùng thường ngày của các em đều được thầy tự thân vận động các mạnh thường quân chuẩn bị. Thậm chí, có những em từ khu Vàm Cỏ Đông xa xôi, thầy cũng nhờ được phương tiện di chuyển, đưa đón các em đến lớp an toàn.

Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, người thầy mặc áo cà sa sẽ dành ra 2 tiếng để dạy học cho các em nhỏ. Chia sẻ cách dạy đối với lớp học có nhiều độ tuổi và trình độ chênh nhau, thầy kể rằng: "Tôi tự phân nhóm học sinh và dạy theo năng lực, cố gắng không dạy chung chung cho tất cả các độ tuổi. Quan trọng là khả năng hòa nhập và tiếp thu của các bé rất tốt".

Không chỉ xóa mù chữ, lớp học của Đại đức Thích Thiên Đăng còn là nơi các em được học kỹ năng sống, học cách bảo vệ bản thân, được tham gia các hoạt động ngoại khóa. Thầy đích thân hướng dẫn các em tham quan, tìm hiểu về các ngôi chùa, kể cho các em về lịch sử, văn hóa dân tộc.

Sau 5 năm, hầu hết các bé đều ổn về đọc, viết, tính toán cơ bản cùng kỹ năng sống. "Khi thông thạo con chữ, tính toán rồi, em nào lớn lên muốn đi làm thì đi, còn muốn học thì tiếp tục học".

Thầy giáo là “người vận chuyển” F0

Ngay từ khi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) phát hiện ca mắc SASR-CoV-2 đầu tiên rồi không ngừng tăng lên trong đó có nhiều học sinh.

Được CLB Bạn thương nhau TP Đà Nẵng hỗ trợ phương tiện, thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My) liền đăng ký làm tài xế miễn phí chở các F0 đi điều trị.

Chuyến xe đầu tiên thầy Phương chở 13 học sinh là F0. Hôm đó địa bàn mưa lớn, nhiều đoạn đường sạt lở. Nỗi canh cánh làm sao đưa học trò về bệnh viện tỉnh sớm nhất, an toàn nhất để điều trị kịp thời khiến thầy quên đi cả chặng đường hơn 100 km đường núi. Thầy Phương vẫn nhớ cái cảm giác nghèn nghẹn khi nhìn các học trò vẫy tay chào rồi lặng lẽ đi vào trong bệnh viện để điều trị.

"Người vận chuyển" F0 - thầy Lê Huy Phương.

"Người vận chuyển" F0 - thầy Lê Huy Phương.

Có ngày số bệnh nhân tăng nhiều, thầy Phương phải đi 2 chuyến, hơn 400 cây số, về đến nhà thì đã 1-2 giờ sáng. Để an toàn, hai đứa con của thầy được gửi xuống ở cùng ông bà nội dưới huyện Bắc Trà My, trong nhà chỉ có hai vợ chồng.

Người vợ dù có lo lắng nhưng vẫn luôn động viên chồng. Ở nhà, cô luôn chuẩn bị chu đáo những bữa cơm ngon mỗi khi chồng về, cùng nồi nước xông, sát khuẩn. Hai vợ chồng thầy cũng tuân thủ các quy định cách ly, những bữa ăn được bố trí lệch múi giờ để hạn chế tiếp xúc.

Khi dịch COVID-19 ập đến Bình Dương, thầy giáo Dương Thành Kiên (SN 1992) cũng nghỉ dạy ở một trung tâm tiếng Anh TP Thủ Dầu Một.

Là con trai duy nhất trong gia đình nhưng anh Dương Thành Kiên vẫn đăng ký đội xe cấp cứu nhanh của Sở giao thông vận tải Bình Dương để chạy xe cấp cứu chở bệnh nhân F0. "Vì sợ ba mẹ lo lắng, tôi phải giấu họ. Ngày 13/8, tôi chính thức nhận lệnh điều động đến Trung tâm y tế thị xã Tân Uyên để nhận xe và phân công nhiệm vụ”, anh Kiên cho biết.

Anh Kiên chuẩn bị di chuyển F0.

Anh Kiên chuẩn bị di chuyển F0.

Nhiệm vụ đầu tiên, của anh là chở một F0 là cụ già từ nhà đến khu cách ly tập trung tại phường Uyên Hưng (TX Tân Uyên). “Lúc đầu tim đập mạnh, tay vừa cầm vô lăng vừa run vì biết F0 ngồi sau lưng mình nhưng rồi cũng đã chiến thắng bản thân trong nhiệm vụ đầu tiên và dần quen với việc chở 5 đến 6 F0 trên cùng một chuyến xe”, anh Kiên nói.

Anh Dương Thành Kiên cho biết, tính đến ngày 9/9, anh đã vận chuyển hơn 1.000 F0 tại TX Tân Uyên, TP Dĩ An và TP Thủ Dầu Một. Phương tiện anh Kiên di chuyển F0 được cơ quan chức năng trưng dụng là taxi. Do F0 những ngày qua ở Bình Dương ghi nhận nhiều nên anh Kiên phải làm việc suốt ngày lẫn đêm.

Đọc thêm