Hình ảnh ghi nhận tại trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Tà Xi Láng. Nguồn ảnh Mỵ Châu
Hình ảnh ghi nhận tại trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Tà Xi Láng. Nguồn ảnh Mỵ Châu

Những người thầy miệt mài “gieo chữ ” trên đỉnh Tà Xi Láng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tà Xi Láng là xã nằm ở vị trí cao nhất , khó khăn nhất, nơi thời tiết khắc nghiệt nhất của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái nhưng những thầy cô giáo ở đây vẫn vượt mọi khó khăn, thử thách để ngày đêm bám bản, miệt mài với hành trình “gieo chữ trên non, thắp sáng ước mơ” của biết bao thế hệ học trò nơi đây.

Để đến được với Tà Xi Láng trước tiên chúng tôi phải di chuyển từ Hà Nội đến Văn Chấn trên cung đường khoảng hơn 200km rồi đi bằng xe máy từ trung tâm huyện Văn Chấn - Cửa Nhì hơn 1,5 giờ đồng hồ cho gần 20 km đường núi. “Xe ôm” chở chúng tôi cũng chính là 4 thầy giáo của Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Tà Xi Láng.

Con đường đèo núi, dốc đá quanh co dẫn chúng tôi đến trường nằm cheo leo một bên là vực thẳm, một bên núi cao hiểm trở, nhiều đoạn dốc ngược, cua gấp. Từ trên cao nhìn xuống con đường mảnh như sợi chỉ, uốn cong từng đoạn xuyên qua núi rừng.

Phải vững tay lái, có sức khỏe và thạo đường lắm mới có thể vượt qua cung đường “khó nhằn” này. Ngồi sau xe nhưng chúng tôi lúc nào cũng phải căng người tay nắm chặt vào đuôi xe vì sợ ngã. Cả một đoạn đường dài vòng cua và dốc liên tục khiến ngay cả những người vững tinh thần cũng có cảm giác như mình bị đang ‘say xe máy”.

Vừa lái xe, thầy Đặng Đình Hoàng (Giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất) vừa tranh thủ trò chuyện về cuộc sống và công việc. Anh Hoàng cho biết, do nhà ở dưới thị xã nên ngày mưa rét cũng như ngày nắng, đều phải vượt hơn 60km đường núi cả đi cả về để đi làm. “Đi nhiều rồi cũng thành quen, cũng giống như đi phượt. Tôi dạy môn giáo dục thể chất, nên sức khỏe tốt có thể đi thường xuyên. Nhiều thầy giáo khác sức khỏe và tay lái yếu thì chỉ có cách ở lại trường, cuối tuần thì mới về dưới thị xã”, thầy Hoàng nói.

Cũng theo thầy Hoàng, vì thường xuyên phải leo dốc nên “con ngựa chiến” cứ khoảng 4 - 5 năm lại phải thay mới: “Thầy cô nào ở trường cũng vậy, xe máy cứ đi vài năm lại phải thay mới một lần vì leo dốc liên tục xe rất nhanh hỏng. Nhiều khi chúng tôi cũng hay trêu nhau lại có cơ hội được đi xe mới”.

Sau hơn 1 giờ ngồi xe xuyên qua các tán lá rừng, qua những bụi cỏ lau mọc ven đường, chân chúng tôi bắt đầu tê, tay mỏi, tai ù và nhiệt độ cũng bắt đầu giảm, răng thì lập cập, cơ thể đã cảm nhận cái lạnh xuyên qua khe áo, luồn vào từng thớ thịt - thật ngọt. Rồi cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân đến đích.

Cảnh tượng nơi đây đẹp như trong mơ, giữa núi rừng hùng vĩ, hoang sơ “mọc lên” bản làng nhỏ với những ngôi nhà sàn gỗ bên sườn núi, những thửa ruộng bậc thang đã qua mùa gặt và nơi ấy có một ngôi trường nhỏ, không gian vang lên rộn rã tiếng học sinh học bài. Vừa đưa chúng tôi đến nơi, các thầy giáo lại vội vã vào lớp để bắt đầu tiết dạy học của mình...

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Tà Xi Láng được thành lập từ những năm 1960, trước tên là Trường Tiểu học Tà Xi Láng đến năm 2011 được đổi tên như hiện nay.

Nhà trường hiện có 2 cấp học với quy mô 14 lớp, 10 lớp Tiểu học, 4 lớp THCS với 449 học sinh. Hiện có 378/449 học sinh đang theo học bán trú tại nhà trường. Bởi địa hình vùng núi đi lại khó khăn nên nhiều học sinh phải 1 – 2 tháng mới về nhà một lần. Cuối tuần đều các thầy cô giáo, nhân viên nhà trường đều ở lại để chăm sóc các em học sinh.

Chia sẻ về những khó khăn, thầy Nguyễn Ngọc Trọng, Phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Tà Xi Láng cho biết, đặc thù là trường bán trú nên công tác nuôi dạy học sinh gặp nhiều trở ngại. Hiện nhà trường không có người phụ trách quản sinh nên mọi việc đều do các thầy cô giáo kiêm nhiệm.

“Bên cạnh đó chúng tôi còn muôn vàn khó khăn, do đường xa cả vài tháng mới về nhà một lần, các con học sinh lớp 1 (mới 6 tuổi) chưa có nhiều kỹ năng sống nên các thầy cô giáo ngoài công tác giảng dạy còn phụ trách công tác bán trú giống như bố mẹ, phải chăm lo chỗ ăn, chỗ nghỉ ngơi hàng ngày, dạy các con sinh hoạt cá nhân tự lập”.

Trong khi đó, theo thầy Trọng, đội ngũ giáo viên nhà trường cũng đang còn thiếu như khối Tiểu học còn thiếu 3 và khối THCS thiếu 2 giáo viên, chỉ có 2/6 nhân viên gồm nhân viên y tế và nhân viên kế toán. Cạnh đó, cơ sở vật chất, nhà trường hiện vẫn chưa có nhà đa năng, phòng học âm nhạc, mỹ thuật... để đáp ứng chương trình GDPT mới.

“Những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm nên địa phương đã cùng nhà trường vận động các em học sinh đến trường. Trước đây, Trường Tà Xi Láng luôn gặp khó khăn vận động học sinh đi học. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ chuyên cần của nhà trường luôn đạt trên 97%”, thầy Trọng thông tin.

Nằm biệt lập trên núi cao, bốn bề là núi rừng, giao thông đi lại khó khăn nên đa số các thầy cô giáo Trường Tà Xi Láng đều phải ở lại nhà công vụ của trường, 2-3 tuần hay thậm chí 1 đến 2 tháng mới có điều kiện về thăm nhà một lần. Mặc dù vậy, đội ngũ giáo viên nơi đây vẫn luôn yêu nghề, tâm huyết và yêu học sinh như con. “Tất cả thầy cô giáo tại đây đều luôn tâm huyết, tận tụy với nghề. Ngoài ra, các thầy cô còn rất yêu thương, chăm lo cho học sinh rất chu đáo. Nhờ đó mà trong những năm qua, nhà trường đã đạt được những kết quả cao trong công tác giảng dạy”, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Tà Xi Láng nhận định.

Quan niệm tuổi trẻ là phải dấn thân, phải cống hiến, thạc sĩ – thầy giáo Phạm Quang Sơn (sinh năm 1997, giáo viên môn Khoa học tự nhiên khối THCS) là một trong những thầy giáo trẻ nhất hiện đang công tác tại Trường Tà Xi Láng.

Trong khi mọi người khi nhắc đến Tà Xi Láng đều phải thốt lên vì xa, vì đi lại khó khăn thì thầy Sơn cùng những đồng nghiệp nơi đây chia sẻ với chúng tôi lại là tình yêu nghề, yêu học sinh và nguyện cống hiến tuổi thanh xuân vì những mầm non tương lai của đất nước.

Chia sẻ về quyết định, thầy Sơn nói: “Là một người con của Yên Bái, sau khi học xong tôi mong muốn trở về quê hương để đóng góp cho sự phát triển của sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Sau đó tôi quyết định chọn Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tà Xi Láng là nơi để gắn bó. Tất nhiên bất cứ ai cũng mong muốn chọn một công việc thuận lợi, nhưng lý tưởng sống của tôi đó là tuổi trẻ phải sống và cống hiến hết mình, dám dấn thân nên tôi đã chọn lên Tà Xi Láng để cống hiến tuổi thanh xuân”.

Ngay từ những ngày đầu nhận công tác nơi bản làng, cũng giống như bao thầy cô khác, thầy Sơn gặp khá nhiều khó khăn. Song với một người trẻ năng động, nhiệt huyết, thầy đã nhanh chóng vượt qua những điều ấy.

Đường sá đi lại khó khăn, thầy quyết định ở lại nhà công vụ của nhà trường. Trong quá trình giảng dạy, học sinh 100% là người dân tộc Mông, chưa thành thạo tiếng phổ thông, chưa hiểu hết về các thuật ngữ trong học tập, thầy Sơn lại cùng các thầy cô lại tìm tòi, nghiên cứu những bài giảng để giúp học sinh có thể tiếp thu một cách dễ dàng nhất... Chính nhờ sự tận tâm, nhiệt huyết của thầy cô giáo, học sinh tại trường đi học rất đều, đam mê học tập.

“Thực sự yêu nơi này. Quyết định lên đây làm việc là một sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn và tôi chưa từng hối hận. Nếu có những quyết định luân chuyển thì tôi rất mong muốn được ở lại công tác tại trường. Và mong muốn gắn bó lâu dài, với Trường Tà Xi Láng cũng như sự nghiệp giáo dục của huyện Trạm Tấu”, thầy Sơn bày tỏ.

Còn với thầy giáo Hà Đình Vũ (Chủ nhiệm lớp 1A) năm nay tròn 10 năm về công tác tại Trường Tà Xi Láng nên anh coi những khó khăn cũng là chuyện thường: “Đã xác định công tác tại vùng cao thì khó khăn, thử thách là điều không thể tránh khỏi. Đến thời điểm hiện tại, khi đã trải qua tất cả, tôi cảm thấy những khó khăn đó không đáng là bao. Là một người thầy giáo, tôi luôn muốn gắn bó với bản làng, với trường lớp, với các em học sinh”.

Xa gia đình, xa vợ, xa con đến công tác tại một nơi xa xôi, hẻo lánh, thầy Vũ không nguôi nhớ nhà, mong ngóng được gặp con từng ngày. Thế nhưng điều kiện không cho phép, cả tháng thầy chỉ về nhà được 1 đến 2 lần. May mắn thay, tại đây, được chăm lo cho các em học sinh từ bữa ăn đến giấc ngủ, được học trò yêu quý, coi như gia đình thầy cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà. “Được thấy các em học sinh học tập tiến bộ, hàng ngày được ăn no, ngủ ngon là tôi yên tâm, tự nhủ phải vượt qua khó khăn để tiếp tục đồng hành cùng các em”, thầy Vũ bày tỏ.

Và để có thể gắn bó với một xã vùng cao, nghèo nhất của huyện Trạm Tấu suốt nhiều năm, không riêng gì thầy Hà Đình Vũ, mà tất cả các thầy cô giáo tại đây đều cần phải yêu nghề và yêu quý học sinh của mình.

“Nguyện vọng là lớn nhất của của tôi luôn giữ được tư tưởng vững vàng và luôn giữ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với nghề để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trẻ em ở đây thiệt thòi hơn dưới xuôi rất nhiều, vì vậy giáo viên như chúng tôi mong muốn dùng tuổi trẻ của mình để giúp đỡ các em. Sẵn sàng ở lại trường cống hiến đến lúc nghỉ hưu vì sự nghiệp giáo dục của quê hương”.

Dẫu cái nghèo, cái khổ, cái lạc hậu vẫn còn hiện hữu nơi đây, nhưng những thầy cô giáo tại trường Tà Xi Láng vẫn sẵn sàng cống hiến, giữ mãi ngọn lửa đam mê với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Chính nhờ những nghị lực phi thường, những tấm lòng đáng quý ấy mà tại nơi này những mầm non vẫn đang nảy nở từng ngày....

Đọc thêm