Những người thầy 'thắp lửa' ước mơ nơi phên dậu Tổ quốc

(PLVN) - Ngày họ đến những điểm trường cheo leo miền biên viễn núi cao, vực sâu ở tuổi 20, dù rất sợ nhưng họ đã không chùn bước. “Đã không ít lần, cô phải mặc áo mưa, đội mũ bảo hiểm trong căn phòng cấp 4 tranh tre tạm bợ, vì sợ gió lớn cuốn sập. Những đêm mưa gió ấy, nỗi sợ hãi chỉ vơi đi khi mỗi sáng cô nhìn thấy ánh mắt háo hức của các em học sinh, để cô vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến” …
Cô Vương Thanh Hường và học trò của mình. (Ảnh: NVCC)

Gieo chữ nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

Hơn hai mươi năm công tác tại Bát Xát, Lào Cai - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, cô giáo Vương Thanh Hường, một người con của dân tộc Tày, đã trở thành biểu tượng của sự kiên trì, tận tụy và lòng yêu nghề giáo vô bờ bến.

Cô Hường kể: “Tôi may mắn khi được sinh ra trong thời bình, không còn chiến tranh, không còn loạn lạc, nhưng cuộc sống khi ấy vẫn còn bộn bề sự nghèo nàn và lạc hậu. Thế nhưng, với ý chí vươn lên vượt khó của bố mẹ tôi, thêm vào đó là hình ảnh những người thầy vẫn ngày đêm miệt mài không quản khó khăn “cõng” cái chữ lên bản in đậm trong tôi. Tôi còn nhớ mái trường tiểu học lợp mái tranh trên sườn núi, người thầy trên vai với chiếc túi vải chứa đựng đầy sách vở và chiếc xe đạp ba gác mộc mạc, vượt những con dốc dài ngày ngày mang cái chữ đến bản làng của tôi. Hình ảnh đó thật thiêng liêng. Nó như một nguồn động lực thôi thúc tôi không ngừng cố gắng. Tôi luôn ấp ủ ước mơ trở thành một cô giáo bản, trở thành một tấm gương sáng mang cái chữ về bản “thắp sáng” thêm nhiều ước mơ cho bản làng”...

Sau ba năm miệt mài học tập, cô tốt nghiệp Sư phạm vào năm 2000 và nhận công tác tại huyện Bát Xát, xã biên cương hẻo lánh của Lào Cai, nơi địa hình hiểm trở và đời sống còn nhiều khó khăn. Dù vậy, cô luôn tâm niệm sẽ hết mình vì vùng đất biên giới còn nghèo khó nhưng đầy tình người này.

Cô Nguyễn Thị Yên - Trường Tiểu học Can Hồ, huyện Mường Tè. (Ảnh: NVCC)

Điểm công tác đầu tiên của cô là Trường phổ thông cơ sở Sàng Ma Sáo - một ngôi trường nhỏ ẩn mình giữa thung lũng hẻo lánh của huyện Bát Xát. Ở đây, đa số dân cư là người dân tộc Mông, sống rải rác giữa địa hình chia cắt với những vực sâu, núi cao và triền đồi trập trùng. Việc vận động học sinh đến trường vì thế luôn là một thử thách lớn lao. Không có ánh đèn điện sáng rực rỡ, không có nhiều phương tiện giao thông, chỉ là những bóng đèn dầu và những con đường mòn trắc trở. Cô giáo trẻ Vương Thanh Hường từng bước băng qua khó khăn, học cách thích nghi và lắng nghe để hiểu được văn hóa, ngôn ngữ của học sinh - những điều xa lạ nhưng đầy yêu thương và gắn bó.

Sau hai năm gắn bó với Sàng Ma Sáo, năm 2003, cô Hường chuyển công tác đến Trường Tiểu học Phìn Ngan, một xã đặc biệt khó khăn với những phong tục lâu đời của người Dao Đỏ và người Phù Lá. Ở đây, gần 98% học sinh là người dân tộc Dao Đỏ, còn hạn chế về tiếng Việt, khiến việc giảng dạy càng thêm thử thách. Để giúp học sinh hiểu bài, cô thường phải sử dụng cả tiếng phổ thông lẫn ngôn ngữ địa phương. Không chỉ dừng lại ở giảng dạy, cô cùng đồng nghiệp đến tận nhà thăm hỏi, động viên và vận động phụ huynh cho con em đi học. Những chuyến đi dài qua đồi núi, những lần thăm nhà giữa trời mưa rét, là tấm lòng kiên nhẫn và yêu thương của người thầy tận tụy.

Trong những năm tháng miệt mài với nghề, chồng cô luôn động viên và ủng hộ mọi quyết định của vợ, đặc biệt là trong những ngày tháng đầu tiên khi họ phải gồng gánh kinh tế cho gia đình. Và cô Hường không ngừng học hỏi, tham gia các cuộc thi, viết sáng kiến kinh nghiệm, tìm tòi các phương pháp giảng dạy mới mẻ. Những trò chơi thú vị do cô tự sáng tạo giúp học sinh hào hứng học tập, biết cách làm việc nhóm và tự tin phát biểu. Kết quả của sự nỗ lực ấy là 100% học sinh lớp cô giảng dạy được lên lớp.

23 năm gắn bó với Trường PTDTBT TH Phìn Ngan, cô Hường vẫn ngày ngày âm thầm cống hiến, không ngừng học hỏi và tự trau dồi để trở thành tấm gương sáng cho học sinh. Đối với cô, mỗi học sinh đều mang theo trong mình một giấc mơ và cô chính là người sẽ tiếp sức cho những giấc mơ đó. Từng ngày, từng giờ, cô vẫn tiếp tục bước đi trên hành trình “trồng người”, hành trình đầy gian khó nhưng chứa chan niềm vui và hạnh phúc…

Và có một hành trình nơi cuối trời Tây Bắc

Cô Nguyễn Thị Yên, người Thanh Oai, Hà Nội - vốn từ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng trù phú, từ năm 2009, vì tình yêu nghề và mong muốn cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” nơi vùng sâu, vùng xa, cô Nguyễn Thị Yên cùng chồng đã quyết định rời xa quê hương để đến với vùng núi cao Lai Châu.

Khi vừa đến Lai Châu, cô Yên nhận công tác tại Trường Tiểu học Can Hồ, huyện Mường Tè. Đây là nơi có điều kiện cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Trường học chỉ là những dãy nhà cấp 4 đơn sơ, sân trường lấm lem đất đá. Cuộc sống hàng ngày của cô diễn ra trong một căn phòng tạm bợ dựng bằng tre nứa, mái tôn, nền đất. Mùa hè thì nóng nực, mùa đông lại lạnh buốt, không điện lưới quốc gia, cô phải soạn bài dưới ánh đèn dầu leo lét. Đã không ít lần, cô phải mặc áo mưa, đội mũ bảo hiểm trong căn phòng vì sợ gió lớn cuốn sập. Những đêm mưa gió ấy, nỗi sợ hãi chỉ vơi đi khi mỗi sáng cô nhìn thấy ánh mắt háo hức của các em học sinh, để cô vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến.

Năm 2011, khi đón đứa con thứ hai, gia đình cô lại thêm thử thách vì vợ chồng vẫn phải làm việc ở hai trường cách xa nhau 60km nơi rẻo cao trùng điệp. Cô và chồng chỉ có thể gặp nhau vào cuối tuần, để lại con nhỏ cho ông bà chăm sóc. Thời gian trôi đi, cô đã về Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn. Tại đây, cô tiếp tục hành trình dạy học tại các điểm trường xa xôi như Huổi Pết, Nậm Ty, nơi đường sá đi lại vô cùng gian nan, đặc biệt khi trời mưa lớn, đường bị sạt lở. Nhiều hôm, cô phải để xe máy lại và đi bộ gần 2km đường trơn tuột, lội qua suối nước chảy xiết để đến được lớp học. Sự tận tâm ấy không chỉ vì trách nhiệm, mà còn bởi tự đáy lòng yêu thương học sinh vô bờ bến.

Đến năm 2017, sau gần một thập kỷ cống hiến tại các vùng xa xôi, cô Yên may mắn được chuyển về Trường PTDTBT Tiểu học Trung Chải, nơi chồng cô đang công tác. Sau bao nhiêu năm xa cách và những lần chuyển trường, cuối cùng hai vợ chồng đã có cơ hội đoàn tụ dưới một mái nhà. Đây không chỉ là niềm vui gia đình, mà còn là nguồn động viên lớn lao để cô tiếp tục vững bước trên hành trình giáo dục đầy chông gai.

Chia sẻ cùng thầy cô tôn vinh các thầy cô xuất sắc tiêu biểu tại những vùng khó khăn trên cả nước. (Ảnh: T.U Đoàn)

Hiện nay, huyện Nậm Nhùn thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh. Cô Yên là một trong hai giáo viên hiếm hoi đang đứng lớp giảng dạy tại bậc Tiểu học. Số lượng học sinh đông, điều kiện cơ sở vật chất vẫn còn hạn chế, khiến cho công việc của cô thêm phần vất vả. Với các lớp học ghép lên đến 90 học sinh, không gian học chật chội, nhất là tại Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pì, nơi mà cô và học sinh thậm chí phải chuyển ra nhà ăn để học vì thiếu phòng học. Mùa đông, gió lạnh lùa vào từng kẽ tôn, mùa hè thì nóng bức. Nhưng trong khó khăn ấy, cô vẫn tận tụy đứng lớp, từng ngày, từng giờ truyền dạy kiến thức cho các em.

Trước những thách thức lớn lao của thầy cô thời số hóa, cô Yên không ngừng tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy và học. Cô đã tranh thủ buổi tối tham gia các khóa học ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm như ClassDojo, Class123 để quản lý học sinh, hay các ứng dụng như Online Stopwatch, Brain gym để khởi động giờ học sinh động hơn. Cô đã thành công áp dụng những sáng kiến này vào thực tế giảng dạy và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Sáng kiến “Một số giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng nói tiếng Anh đối với học sinh khối 3” và “Một số giải pháp nâng cao chất lượng môn tiếng Anh đối với các lớp đông học sinh” đã được UBND huyện công nhận về phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả trong công tác giảng dạy tại cơ sở.

Trong những năm gần đây, dù cả hai vợ chồng cô đều phải nhận nhiệm vụ dạy tăng cường ở các trường xa nhà, song gia đình cô vẫn giữ được truyền thống mẫu mực và được vinh danh là “Gia đình văn hóa” ở Nậm Nhùn. Với cô, niềm vui và hạnh phúc không chỉ đến từ những thành tích cá nhân, mà còn từ sự ghi nhận của xã hội và tình yêu thương của các thế hệ học trò.

Có thể nói, hành trình “vượt ngàn chông gai” bám trường, bám lớp của các thầy cô nơi phên dậu Tổ quốc, miền biên viễn, hải đảo xa xôi của các thầy cô như cô Hường, cô Yên không phải là lựa chọn của số đông trong cuộc sống hôm nay. Song, hành trình miệt mài ấy khiến chúng ta tin vào những điều đẹp đẽ trong cuộc đời. Hai chữ thầy cô, tình thầy trò vẹn nguyên giá trị thiêng liêng, trân trọng! Và như thế, họ đã chọn nghề giáo như một hành trình cống hiến: “Con đường phía trước dù còn nhiều gian nan, nhưng tôi tin rằng với sự đồng hành và hỗ trợ của tất cả mọi người, tôi sẽ tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp, vì một tương lai tươi sáng cho các em học sinh vùng cao”…

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”… Những thầy cô nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, nơi cuối trời Tây Bắc đã đến và ở lại như thế. Họ lặng lẽ dệt nên những câu chuyện đẹp đẽ về tình thầy trò nơi biên cương Tổ quốc…

Dịp 20/11 này, cô Vương Thanh Hường và cô Nguyễn Thị Yên vinh dự là 2 trong 60 thầy, cô giáo xuất sắc được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2024 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Lễ tuyên dương sẽ diễn ra vào tháng 11/2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Đọc thêm