Những người tiêu dùng “thụ động”!

(PLO) - Có lẽ không sai khi dùng cụm từ "thụ động" để chỉ trạng thái, tâm thế khi chọn mua thực phẩm của đa phần người tiêu dùng Việt hiện nay.
Người tiêu dùng đa phần “bị động”, mua thực phẩm hoàn toàn dựa vào thông tin một chiều trên nhãn mác từ phía nhà sản xuất/ phân phối hoặc cảm quan (Ảnh minh họa nguồn  CAND)
Người tiêu dùng đa phần “bị động”, mua thực phẩm hoàn toàn dựa vào thông tin một chiều trên nhãn mác từ phía nhà sản xuất/ phân phối hoặc cảm quan (Ảnh minh họa nguồn CAND)

Không tin vào nhãn mác thì biết tin vào đâu?

Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại nhức nhối như hiện nay. Hàng loạt vụ buôn bán, phù phép thực phẩm bẩn đã bốc mùi ôi thiu, thịt chứa chất tạo nạc, rau củ quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… bị phanh phui gần đây đã trở thành nỗi ám ảnh chung của cả cộng đồng. Bị bủa vây giữa “mê cung” thực phẩm mất an toàn nhưng người tiêu dùng Việt đa phần vẫn bị động/ thụ động khi đi chợ.

Có thể ai đó sẽ nghĩ, đã là "lựa chọn" mua thực phẩm sao lại gắn với "thụ động" (vì “lựa chọn” vốn hàm ý chỉ trạng thái chủ động)? Nhưng khoan, hãy nhìn vào thực tế. Giữa ma trận thực phẩm bẩn - sạch lẫn lộn, người tiêu dùng chỉ biết khỏa lấp phần nào nỗi lo sợ bằng việc tin vào nhãn mác, chứng chỉ dán trên bao bì. Và, gọi là niềm tin nhưng quả thực còn lắm mơ hồ. Người mua hoàn toàn chỉ biết dựa vào những dòng giới thiệu/ thông tin một chiều từ phía nhà sản xuất/ phân phối thực phẩm.

Không thể kiểm chứng độ an toàn của thực phẩm bằng mắt thường, các bà nội trợ cẩn thận hơn trong việc đọc thông tin về nguồn gốc xuất xứ trước khi quyết định mua. Đã lâu rồi người Việt rất ngại dùng rau củ quả, thịt cá từ Trung Quốc vì lo sợ bị nhiễm độc. Thế nên các gian thương hay đơn vị phân phối nảy ra cách bán thực phẩm Trung Quốc “đội lốt” mác Việt Nam, mác Pháp, mác Hoa Kỳ, mác Nhật Bản… Người chào bán cũng gán những xuất xứ mỹ miều cho rau, củ, thịt để chào mời khách.

Chọn thực phẩm bằng cảm quan

Thực chất số lượng rau an toàn sản xuất ở Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng hiện nay trên thị trường, ngoài các siêu thị thì các cửa hàng bán rau đều trưng biển bán rau an toàn, thực phẩm sạch.

Ngoài đọc thông tin giới thiệu, người tiêu dùng Việt xưa nay phần đông lựa chọn thực phẩm dựa vào cảm quan, kinh nghiệm về hình dáng, màu sắc rau, củ, thịt. Chẳng hạn, để có thể nhận biết rau sạch một cách tương đối, các chuyên gia nên chọn những loại rau có màu sắc đậm, lá không quá non và sản phẩm “mùa nào thức nấy”.

Tuy nhiên, người tiêu dùng và người bán đều rất khó để phân biệt được rau sạch hay rau không an toàn. Ngay cả người trồng rau tại các vùng trồng rau truyền thống, những người đã gắn bó nhiều năm với nghề này, cũng phải thừa nhận là rất khó để phân biệt rau sạch hay không sạch.

Năm 2016, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khảo sát cách phân biệt rau an toàn và không an toàn bằng mắt thường. Kết quả cho thấy, hơn 90% số người được hỏi cho biết họ không thể phân biệt. Chưa kể, sự phân biệt này làm sao đảm bảo vì hàm lượng các chất hóa học trong rau có độc hại hay không chỉ có thể chắc chắn bằng các biện pháp kiểm tra định lượng chứ không phải định tính.  

Nền thực phẩm bẩn được nuôi sống từ sự “tiếp tay” của người dùng

Thời buổi kinh tế thị trường, có cung ắt có cầu. Khách hàng luôn đòi hỏi thực phẩm phải nhìn tươi ngon, rau phải non xanh, thịt phải ít mỡ, màu sắc đẹp... Vì tâm lý đó cho nên hóa chất mới có cơ hội để có chỗ đứng trong sự lựa chọn của tiểu thương, nhà sản xuất và phân phối. Không quan tâm sức khỏe người dùng, họ chỉ cần biết bán được hàng, lãi cao... giá bán đến tay người tiêu dùng vẫn rẻ. 

Các cơ quan có thẩm quyền, quản lý thị trường không đủ lực lượng và kỹ thuật để kiểm soát các nguồn hàng cũng như các tiểu thương, nhà phân phối.

Khi mà tại các chợ nguồn gốc các loại thực phẩm không được chứng minh cũng chẳng ai kiểm tra, giám sát thì việc người tiêu dùng đổ vào các siêu thị là việc dễ hiểu. Tuy vậy, nguồn gốc của những thực phẩm trong siêu thị có sạch thật hay không hay lại cũng thuộc hàng trà trộn, tráo mác thì không dễ khẳng định. Bằng nhiều cách, rau kém chuẩn vẫn xuất hiện ở các siêu thị cũng như các cửa hàng bán rau sạch. Vụ rau Ba Chữ gần đây là một ví dụ. 

Một loạt các siêu thị ở Hà Nội trong một thời gian dài đã nhập rau, củ, quả từ Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm (địa chỉ tại xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) nhưng công ty này lại mua rau từ chợ đầu mối sau đó mang về đóng gói, dán tem giả làm rau củ quả được trồng tại xã Vân Nội. Nhiều người tiêu dùng đã bị “lừa” một cách ngoạn mục vì cứ ngỡ siêu thị chỉ luôn luôn bán những sản phẩm đảm bảo an toàn.

Mất niềm tin vào thực phẩm sạch, tôi hay bạn quá dễ dàng để buông câu oán trách các cơ quan giám  sát, quản lý, các đơn vị buôn bán phân phối… trong khi thực chất cả một nền thực phẩm bẩn được nuôi sống, bành trướng bởi chính sự “tiếp tay” của người tiêu dùng chúng ta.

Cuộc chiến với thực phẩm bẩn vô cùng nan giải và mất nhiều thời gian! Sẽ không có một phép màu nào để chúng ta được ăn ngon, ăn sạch; sẽ không có những ông bụt, bà tiên nào để thay đổi lương tâm của những người cung cấp thực phẩm bẩn nếu như chính người tiêu dùng chúng ta không tự thay đổi, không chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình mình.

Đọc thêm