Gợi giấc mơ xưa
Trường Ca Kịch Viện được thành lập với những người rất trẻ với mong muốn đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống đến gần hơn với mọi người thông qua ứng dụng nhân văn số (một lĩnh vực học thuật nằm ở vùng giao thoa của kỹ thuật số và các ngành nhân văn). Cụ thể dự án ứng dụng sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật trong thời đại số vào việc bảo tồn, lưu giữ và tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống.
Bùi Yến Linh, trưởng Ban tổ chức của dự án Trường Ca Kịch Viện cho biết hành trình và tham vọng lớn lao của dự án này. Cô chia sẻ thông tin về dự án:
Sáng lập ra dự án Trường Ca Kịch Viện là bạn Nguyễn Hữu Dương, cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Dương có niềm yêu thích với nghệ thuật sân khấu nước ngoài, đặc biệt là nhạc kịch.
Khi du học cấp ba tại Úc, Dương nhận ra là hiểu biết về nghệ thuật nước nhà là rất ít. Từ đó, bạn đã tò mò tìm hiểu và nhận ra là biểu diễn truyền thống Việt Nam vô cùng hay. Là học sinh yêu thích công nghệ, Dương đã tìm hiểu về nhân văn số và nhận thấy đây là một phương tiện vô cùng hữu ích trong việc quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hoá và nghệ thuật.
Vào tháng 12 năm 2019, Trường Ca Kịch Viện ra đời với khởi đẩu khoảng 30 thành viên trải rộng khắp cả nước, chủ yếu là các bạn học sinh Trung học phổ thông.
“Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, bản thân mỗi thành viên dự án cũng được học hỏi và biết thêm kiến thức về các loại hình biểu diễn truyền thống, trong đó có em, hiện tại là Trưởng BTC của Trường Ca Kịch Viện.
Khi tham gia dự án, khởi đầu là một bạn trẻ có nền tảng về thiết kế, tuy nhiên em lựa chọn vào phân ban Nội dung nghiên cứu, một lựa chọn giúp em tiến gần tới sự yêu mến nghệ thuật biểu diễn dân gian của nước nhà.
Việc được tìm hiểu và nghiên cứu giúp em nhận thấy những giá trị hiện thực và nhân văn bên cạnh những giá trị nghệ thuật hiện hữu của các loại hình biểu diễn truyền thống: ví dụ như Xẩm xưa là những trải lòng về cuộc đời lận đận của những người hát rong mù, hay Chèo dùng đồng thời tiếng cười và bi kịch để châm biếm, phản kháng chế độ phong kiến bất công…” Yên Linh bộc bạch.
Yến Linh, Trưởng BTC của dự án Trường Ca Kịch Viện |
Yến Linh cho rằng khi những hình ảnh, âm thanh cũ được gợi lại, được nghe, nhìn thấy khiến em xúc động và đó là động lực lớn để em và nhóm quyết tâm thực hiện dự án.
“Để cảm nhận hết được các giá trị của mỗi loại hình biểu diễn truyền thống, không chỉ dừng ở việc nghe nhìn, em nghĩ mỗi người, đặc biệt là người trẻ sẽ cần thời gian cũng như hiểu biết về chúng, từ đó là chiêm nghiệm, trân quý về những giá trị sâu sắc. Hay có thể hiểu sự yêu thích này đơn giản xuất phát từ những đồng cảm, nể phục, trân trọng giữa người với người, giữa thế hệ trẻ với những người đi trước.
Những giá trị đó thực sự đã chạm tới cảm xúc của em và em nghĩ mọi người cũng sẽ có cảm nhận như vậy nếu họ được tiếp xúc với các loại hình biểu diễn truyền thống”, theo Yến Linh.
Những người trẻ sẽ tìm về điều đẹp đẽ của cha ông
Nghệ thuật kịch nghệ truyền thống như Chèo, Cải Lương, Tuồng hầu như không có sân khấu, và khi bắt tay thực hiện dự án này nhóm của Yến Linh tin tưởng sẽ làm bừng sáng lại ánh sáng năm nào.
“Hiện tại chúng em chưa đủ tự tin để khẳng định dự án sẽ thành công và thu hút cộng đồng. “Giới trẻ xem nghệ thuật sân khấu mặc dù là một điều rất xa lạ, tuy nhiên hiện nay thực trạng này đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực: Các bạn trẻ dần quan tâm tới các giá trị truyền thống hơn, xuất hiện nhiều nghệ sĩ trẻ lấy cảm hứng từ chất liệu truyền thống, nhiều dự án bảo tồn và tuyên truyền nét đẹp truyền thống ra đời…
Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật hiện nay, em tin rằng nghệ thuật sân khấu sẽ dần trở nên gần gũi với tất cả mọi người, xa hơn là có thể phát triển song hành với sự tiến bộ của xã hội.
Em mong những nỗ lực của Trường Ca Kịch Viện nói chung và bộ phận giới trẻ quan tâm tới nghệ thuật biểu diễn truyền thống nói chung sẽ phần nào chạm tới cảm xúc của các độc giả, như cách nghệ thuật biểu diễn truyền thống đã chạm tới em”. Yến Linh tin tưởng.
Yến Linh cũng cho biết, khó khăn lớn nhất đối với dự án chính là việc tìm kiếm tư liệu, thông tin. Nguồn tài liệu, thông tin về các chủ đề này rất hạn hẹp. Ngoài ra độ chính xác của các thông tin cần phải được đảm bảo.
Đây là một yếu tố quan trọng đối với một dự án hướng tới phổ cập, tuyên truyền kiến thức tới cộng đồng.Không những thế, có các loại hình gần như không có ghi chép, có loại hình liên quan tới các vấn đề nhạy cảm như tín ngưỡng, tôn giáo...
“Các thông tin chúng em chủ yếu tổng hợp từ trên mạng, các bài báo, các video phóng sự… Ngoài ra, chúng em còn tìm tư liệu ở Thư viện Quốc gia, Thư Viện Viện hàn lâm KHXH Việt Nam….
Mặc dù khó khăn là vậy nhưng thật may mắn dự án nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều các anh chị, cô bác. Dự án chúng em rất vui mừng nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhiều nghệ sĩ, các học giả, và các anh/chị đã có kinh nghiệm làm trong các dự án văn hoá khác như Chèo 48h, Cổ Động, XPlus Studio, Sáng kiến văn hóa Việt Nam,…
Dự án còn có cơ hội được làm việc với các nghệ sĩ gạo cội như: NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Thanh Thanh Hiền, NSƯT Chu Lượng, nghệ nhân Nguyễn Đăng Dung… Các bạn độc giả theo dõi cũng là những người góp ý trực tiếp về các nội dung mà dự án thực hiện”, Yến Linh cho biết.
Dự án đã xây dựng một kho thông tin có nội dung đa dạng, mang tính chất từ thông tin đến phân tích. Bên cạnh đó, Trường Ca Kịch Viện còn hợp tác với dự án gây quỹ trẻ em Espelune tổ chức một triển lãm nhỏ kết hợp chiếu phim tại Hà Nội. Mới đây nhất, nhóm tham gia đồng tổ chức chuỗi tọa đàm “Sống với văn hóa dân gian” trong khuôn khổ Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam 2021.
Tại sự kiện lần này, Ban tổ chức hứa hẹn sẽ có sự góp mặt của các nghệ nhân đã có kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật trong nhiều năm. Các nghệ sĩ trẻ cũng đóng góp một số lượng không nhỏ các tác phẩm tại triển lãm, lấy cảm hứng từ đa dạng các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống.
Các tác phẩm tham dự sự kiện không những có chất lượng nghệ thuật cao mà còn truyền tải những thông tin, thông điệp phong phú, đa chiều. Không chỉ dừng lại ở việc tham quan triển lãm, khách tham dự còn được trải nghiệm những hoạt động khác nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện như:
Chuỗi sự kiện “Bắc Nhịp Tang Bồng,” sẽ được diễn ra vào ngày 15/4 kéo dài đến ngày 15/5 năm 2022 tại Toong Tràng Thi (Số 8, Tràng Thi, Hà Nội) hướng tới tôn vinh sự trường tồn của nghệ thuật biểu diễn truyền thống thông qua các tác phẩm mang “hơi thở” hiện đại.