Những nguy cơ đe dọa lưu vực sông Mê Công

(PLVN) - Theo Bộ TN&MT, tình trạng suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn và nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới… đang là những vấn nạn lớn đe dọa đối với hoạt động bình thường của lưu vực sông Mê Công (LVSMC).
Tình trạng xâm nhập mặn, suy giảm nguồn nước diễn biến ngày càng nghiêm trọng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (nguồn Internet)

Chất lượng nước ngày càng suy giảm

Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2019, chất lượng nước ở LVSMC có sự biến động đáng kể ở một số khu vực. Trên sông Tiền và sông Hậu, chất lượng nước được cải thiện từ năm 2015 – 2016 nhưng đến năm 2017 - 2018, lại có sự suy giảm đáng kể khi giá trị của hầu hết các thông số trên các sông thuộc LVSMC đều nhỏ hơn giới hạn QCVN 08 (ngưỡng A2). 

Cục bộ một số đoạn sông của sông Tiền, sông Hậu và một số nhánh sông đã ghi nhận hiện tượng ô nhiễm chất hữu cơ với mức độ khác nhau do nước thải từ các khu công nghiệp (KCN) và hoạt động khai thác cát, nuôi trồng thuỷ sản không qua xử lý xả thẳng ra môi trường. Điển hình như đoạn sông Tiền qua khu vực cảng cá Mỹ Tho, KCN Mỹ Tho đã có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ và vi sinh.

Kết quả quan trắc và tính toán WQI (kỹ thuật tính toán chỉ số chất lượng nước) trên sông Tiền năm 2019 cho thấy chất lượng nước được duy trì ổn định, còn khá tốt. Thành phần ô nhiễm chủ yếu trong nước mặt trên sông Tiền là chất rắn lơ lửng và sắt do tác động của lượng phù sa lớn trong nước và đặc điểm địa chất chua phèn. 

Kết quả quan trắc qua các năm ghi nhận hàm lượng TSS và Fe (chỉ số kỹ thuật đánh giá chất lượng nước) trong nước các đợt quan trắc trong mùa mưa cao hơn trong mùa khô, các điểm ở thượng nguồn có giá trị cao hơn các điểm ở hạ nguồn và có xu hướng giảm dần qua các năm.

Trong những năm gần đây, dòng chảy các hệ thống sông, suối ở Việt Nam được ghi nhận đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, có nơi suy giảm tới 60 - 90%. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mực nước nhiều nơi đạt mức thấp nhất lịch sử, mặn xâm nhập sâu vào vùng cửa sông đã gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp. 

Năm 2019, do đỉnh lũ trên sông Cửu Long (tại trạm Tân Châu 2,5m và Châu Đốc 2,2m) ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công về khu vực ĐBSCL thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm nên lượng phù sa trong nước cũng giảm mạnh so với 2018, mực nước sông xuống thấp làm hạn mặn xâm nhập sâu vào vùng cửa sông. 

Lo ngại tình trạng xâm nhập mặn

Theo Bộ quản lý nhà nước về môi trường, từ năm 2016 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hạn mặn diễn biến rất phức tạp, mặn từ biển Tây và biển Đông đã xâm nhập vào tỉnh Hậu Giang, ảnh hưởng nặng nề đến thị xã Long Mỹ, TP Vị Thanh, huyện Vị Thủy và huyện Long Mỹ, với độ mặn từ 3,1‰ đến 19,8‰. 

Trong khi tại Vĩnh Long, cũng trong giai đoạn này, diễn biến mặn trên địa bàn tỉnh bất thường, độ mặn lên cao, đạt 6‰ tại cống Cái Hóp (xã Đức Mỹ, Càng Long), đạt 3‰ tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm);  độ mặn trên sông Cổ Chiên, sông Hậu cũng đạt mức kỷ lục tại các điểm đo, cụ thể sông Cổ Chiên tại huyện Vũng Liêm độ mặn đạt từ 8 - 10‰, trên sông Hậu tại vàm Tân Dinh (xã Tích Thiện, Trà Ôn) xấp xỉ 4,5‰ (số liệu 2016, 2017).

Báo cáo của Bộ TN&MT cũng cho thấy, từ tháng 11/2019 đến nay, hạn mặn đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực ĐBSCL, tăng cao trong thời kỳ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4. Ranh mặn 4‰ trên sông Vàm Cỏ Tây (có thời điểm trên 125 km), Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông đã xâm nhập sâu hơn năm 2016 từ 3 - 7 km, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tình hình xâm nhập mặn tại tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng đo được trong năm 2020 đều cao hơn so với năm 2016 . Tính đến tháng 4/2020, mùa khô hạn tại ĐBSCL đã kéo dài gần 6 tháng, khiến khoảng 96.000 hộ dân trong vùng bị thiếu nước sinh hoạt, 5 tỉnh phải công bố thiên tai. 

Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp được kéo giảm do đã có biện pháp thích ứng thay đổi thời vụ nhưng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước tưới cho các vườn cây ăn quả lại trở thành nỗi lo lớn nhất của mùa hạn mặn này. Đặc biệt, nước ngọt cho sinh hoạt đang thiếu hụt nghiêm trọng và cả xã hội đang chung tay hỗ trợ để người dân khu vực này hàng ngày có vài chục lít nước phục vụ tối thiểu cho nhu cầu ăn uống.

Khu vực đầu nguồn sông Hậu cũng được xác định là khu vực cần tập trung theo dõi bởi vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới, kết quả quan trắc trong giai đoạn 2015 - 2019 cho thấy, giá trị các thông số đặc trưng cho ô nhiễm hữu cơ có xu hướng tăng nhẹ theo từng năm.

Bộ TN&MT cảnh báo, trên LVSMC do hoạt động công nghiệp nên một số điểm cần quan tâm về vấn đề môi trường, như: sông Mái Dấm, Hậu Giang, nơi có cống xả thải của Cty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam; sông Cái Vừng, An Giang, nơi thường có hiện tượng cá chết do tiếp nhận nước thải từ nhiều hộ sản xuất ven sông; sông Cái Lớn, Hậu Giang, nơi có cống xả thải của Cty TNHH Mía đường Long Mỹ Phát.

Đọc thêm