Ứng dụng những phương pháp tiên tiến vào dự báo tiêu thụ điện
Quy hoạch (QH) điện VIII đã chính thức được đưa ra lấy ý kiến giới chuyên gia và các Bộ, ngành sau 2 hội thảo tổ chức lấy ý kiến về các vấn đề liên quan đến nội dung QH. QH gồm 19 chương, bao trùm các vấn đề trong phát triển của ngành điện trong hiện tại và tương lai.
Nội dung QH tập trung vào tính toán, phân tích, đánh giá sự phát triển của ngành điện lực trong kỳ QH trước, chỉ ra các tồn tại và bài học kinh nghiệm; tính toán, phân tích khả năng phát triển kinh tế - xã hội và dự báo phụ tải điện; tính toán khả năng sử dụng năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; tính toán chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện; tính toán vốn đầu tư và phân tích kinh tế của chương trình phát triển điện lực; đề xuất các giải pháp và cơ chế để thực hiện QH.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Báo cáo đánh giá Môi trường chiến lược của QH Điện VIII cũng được lập song song và tương tác chặt chẽ với quá trình lập QH điện lực. Tuy nhiên, QH này được thực hiện trong bối cảnh một số QH nền tảng của quốc gia quy định tại Luật QH năm 2017 chưa được lập như QH tổng thể quốc gia; QH không gian biển quốc gia; QH sử dụng đất quốc gia... nên có một số yếu tố bất định gây khó khăn trong quá trình dự báo. Do đó, để đảm bảo chuẩn xác trong công tác dự báo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã phối hợp cùng với Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong công tác dự báo phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và dự báo phụ tải điện.
Trong QH điện VIII, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện đã tính toán, phân tích, đánh giá đến các yếu tố tác động đến nhu cầu sử dụng điện như khả năng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong tương lai; Khả năng thâm nhập của các phương tiện giao thông sử dụng điện năng; Tác động của các chương trình Quản lý nhu cầu điện và Điều chỉnh phụ tải...
Dự báo nhu cầu tiêu thụ điện cũng đã cập nhật, đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và qua đó tác động đến nhu cầu sử dụng điện. Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, với sự cộng tác của Viện Chiến lược Phát triển và ứng dụng, những phương pháp dự báo tiên tiến trên thế giới như mô hình TIMES, phương pháp Đa hồi quy, nhiệm vụ dự báo nhu cầu tiêu thụ điện đã được thực hiện khoa học và chuẩn xác.
Đề xuất sửa đổi Luật Điện lực
Chương trình phát triển nguồn điện của QH Điện VIII được thực hiện với mục tiêu tối thiểu hóa chi phí sản xuất điện, có xét tới các ràng buộc về truyền tải, về cung cấp nhiên liệu sơ cấp, về phân bố tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời), về khả năng liên kết hệ thống điện với các nước láng giềng.
Có 11 kịch bản đã được đưa vào tính toán, xem xét, phân tích để lựa chọn kịch bản tối ưu trong phát triển nguồn điện. Kịch bản phát triển nguồn điện tối ưu đã thỏa mãn các tiêu chí cơ bản như đảm bảo an ninh cung cấp điện; Đáp ứng được các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế trong giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất điện; Có chi phí sản xuất điện thấp, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.
Chương trình phát triển lưới điện truyền tải của QH Điện được thiết kế để đảm bảo truyền tải an toàn, liên tục công suất của các nhà máy điện tới trung tâm phụ tải. Hệ thống truyền tải điện 500kV vẫn tiếp tục được xây dựng để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Hồng.
Vấn đề truyền tải điện bằng đường dây một chiều cũng đã được đặt ra và nghiên cứu, xem xét trong QH Điện. Việc áp dụng lưới điện thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tải điện cũng được nghiên cứu, tính toán và đề xuất trong QH điện VIII.
Dựa trên những mục tiêu về lưới và nguồn điện, dự kiến, hàng năm Việt Nam cần đầu tư cho ngành điện khoảng 13 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2021-2030 và trên 12 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2031-2045. Để thực hiện, QH điện VIII đã đề xuất các giải pháp, cơ chế thực hiện QH như: đề xuất sửa đổi Luật Điện lực theo hướng linh hoạt hơn đối với yêu cầu đầu tư các công trình điện, đảm bảo thu hút mọi nguồn lực xã hội trong phát triển ngành điện; Đề xuất cơ chế xây dựng Kế hoạch phát triển Điện lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; Cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện; Cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải...
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, các đề xuất này sẽ từng bước được nghiên cứu, hoàn thiện để đảm bảo thực hiện xây dựng, quản lý và vận hành các công trình điện theo đúng QH, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư từ các nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn nước ngoài chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư phát triển điện lực.