Những ’nút thắt khủng’ trên ’huyết mạch’

                                                                                             
Theo tiến độ dự kiến giai đoạn 2 tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ được hoàn thành vào 2010. Tuy nhiên, dự án đang gặp vô vàn  khó khăn. Đặc biệt, vốn đầu tư cho dự án đang thiếu đến 80%.
Huyết mạch… chờ xe.

 Theo tiến độ dự kiến giai đoạn 2 tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ được hoàn thành vào 2010. Tuy nhiên, dự án đang gặp vô vàn  khó khăn. Đặc biệt, vốn đầu tư cho dự án đang thiếu đến 80%.
Huyết mạch… chờ xe.

Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh, ông Phạm Hồng Sơn cho biết, việc hoàn thành và đưa vào khai thác đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) với tổng chiều dài khoảng 1.350 km, quy mô 2 làn xe bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc; mở ra điều kiện phát triển kinh tế phía Tây đất nước…

Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Sơn cũng đánh giá, những thành quả mà đường Hồ Chí Minh mang lại chưa tương xứng, nhất là cơ hội để khai thác tiềm năng trên nhiều lĩnh vực như thuỷ lợi, năng lượng và đặc biệt là về du lịch. 

Những ’nút thắt khủng’ trên ’huyết mạch’ ảnh 1

Nguyên nhân được chỉ ra là do các đường ngang kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 1  hiện nay đang trong quá trình đầu tư, cải tạo, làm hạn chế sự phân bố lưu lượng phương tiện; các quy hoạch liên quan như hệ thống cung cấp xăng dầu, dịch vụ, sửa chữa, thông tin liên lạc,… chưa được đầu tư đồng bộ. Đặc biệt, đường Hồ Chí Minh là tuyến đường mới, do vậy việc sụt, lún dưới tác động của tự nhiên là khó thể tránh khỏi, người tham gia giao thông vì vậy vẫn có cảm giác chưa yên tâm khi lưu thông trên tuyến đường.

Giai đoạn 1 Đường Hồ Chí Minh (2000- 2007) đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, khai thác và được nghiệm thu cấp nhà nước từ tháng 3/2008. Giai đoạn 2 (2007- 2010) sẽ nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), tổng chiều dài xây dựng khoảng 1.400 km.
Để phát huy năng lực khai thác của đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, tháng 7/2008, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc khai thác, sử dụng đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) – Tân Cảnh (Kon Tum). Sau hơn 2 năm triển khai hiệu quả khai thác của đường Hồ Chí Minh đã từng bước được nâng lên, bước đầu đã hỗ trợ một phần cho Quốc lộ 1 đặc biệt là đoạn Hà Nội – Thanh Hóa.

Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên toàn tuyến cơ bản đều tăng; đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng như các mục tiêu của dự án; đời sống của nhân dân hai bên đường ngày một phát triển….

Những “nút thắt khủng”

Đến thời điểm này có thể khẳng định giai đoạn 2 chậm tiến độ ít nhất là 3 năm. Theo Tổng Giám đốc Phạm Hồng Sơn, các dự án thành phần thuộc giai đoạn 2 (2007 - 2010) cơ bản từ quý IV/2008 trở đi mới triển khai thi công đồng loạt. Nguyên nhân, theo ông Sơn, “nút thắt” đầu tiên vẫn là vốn. Vốn đầu tư cho dự án thiếu đến 80%. Giai đoạn 2 của dự án cần khoảng 32.169 tỷ đồng, nhưng mới bố trí được 5.486 tỷ đồng, còn thiếu 26.683 tỷ đồng (82,9%).

"Nếu Chính phủ không chỉ đạo quyết liệt trong việc giải quyết nguồn vốn và giải phóng mặt bằng thì dự án đường Hồ Chí Minh khó có thể hoàn thành toàn tuyến vào năm 2013, thậm chí cả năm 2015" – mối lo ngại này đã được Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh tại Báo cáo giám sát về một số dự án, công trình quan trọng quốc gia năm 2010.

“Nút thắt” thứ 2 là việc giải phóng mặt bằng (GPMB). Có thể nêu ra một số trường hợp điển hình: đoạn qua thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông) khởi công từ tháng 2/2007 nhưng mãi đến tháng 12/2009 mới bàn giao toàn bộ tuyến chính (chậm 34 tháng) và hiện vẫn còn vướng rải rác một số vị trí, đến nay đã phải gia hạn tiến độ 3 lần; đoạn qua TX. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) khởi công từ tháng 11/2006 nhưng đến tháng 7/2009 mới bàn giao xong tuyến chính và đến tháng 3/2010 mới bàn giao toàn bộ mặt bằng (chậm 40 tháng so với thời điểm khởi công), phải gia hạn tiến độ 4 lần; đoạn qua TP.Buôn Mê Thuột (phía Nam) khởi công từ tháng 9/2009 nhưng đến nay mới bàn giao mặt bằng 1/4 gói thầu (chậm 13 tháng); Cầu Đầm Cùng (Cà Mau) khởi công từ tháng 1/2009 nhưng đến tháng 11/2009 mới cơ bản bàn bàn giao mặt bằng… Chưa nói đến giai đoạn 2, giai đoạn 1 hiện vẫn còn một số vị trí GPMB như nút Xuân Mai (Hà Nội) và khoảng 2km đoạn đường ngang Nghi Sơn - Bãi Trành (Thanh Hoá)…

Trước thực tế này, Bộ GTVT đã đề nghị các tỉnh có đường Hồ Chí Minh đi qua quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB; đề nghị Chính phủ bố trí đủ vốn cho các dự án thành đã được phê duyệt và đang triển khai để có thể hoàn thành vào năm 2013; một số dự án khác buộc phải chuyển sang đầu tư tiếp trong giai đoạn 2010 - 2015.

 Ngô Đức Hành

Đọc thêm