Khởi hành từ Bến Nhà Rồng
Bầu trời Sài Gòn ngày 5/6/1911 chứng kiến một khoảnh khắc lịch sử đang lặng lẽ hình thành. Tại Bến Nhà Rồng, một thanh niên 21 tuổi mang tên Văn Ba đứng trên boong tàu Latouche-Tréville, ánh mắt đầy quyết tâm nhìn về phía chân trời. Chẳng ai ngờ rằng, giây phút ấy đã khắc dấu một bước ngoặt không chỉ trong đời người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, mà còn mở ra trang sử mới cho cả dân tộc Việt Nam.
Trái tim trẻ ấy nung nấu một hoài bão lớn lao. “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”, Người đã thổ lộ như vậy. Lời nói giản dị mà chứa đựng cả một khát vọng vĩ đại của một dân tộc đang mòn mỏi trong xiềng xích nô lệ.
Trong bối cảnh đất nước chìm trong đêm dài đô hộ, đâu đây vẫn âm vang tiếng thở dài tuyệt vọng từ những phong trào yêu nước thất bại, người thanh niên ấy đã chọn một hướng đi khác biệt. Không hướng về phương Đông như Phan Bội Châu với phong trào Đông Du hay cầu viện các nước châu Á, Nguyễn Tất Thành quyết định đi ngược dòng lịch sử - đến tận “sào huyệt” của chế độ thực dân để tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” mà đế quốc vẫn thường rêu rao.
“Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy... Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”. Lịch sử sau này đã chứng minh, quyết định táo bạo ấy đã thay đổi vận mệnh cả một dân tộc.
Hành trình khám phá thế giới
Bằng đôi bàn tay trắng và một trái tim rực lửa, người thanh niên Văn Ba ấy đã làm phụ bếp trên con tàu Latouche Tréville, lênh đênh trên mênh mông sóng nước. Singapore, Colombo, Djibouti, Port Said, Marseille - những địa danh xa lạ dần hiện ra trước mắt người thanh niên An Nam. Mỗi điểm dừng chân là một cơ hội để Người quan sát, học hỏi và nhận thức sâu sắc hơn về thế giới bên ngoài.
Tháng 7/1911, khi cập bến Le Havre (Pháp), một chương mới trong cuộc đời của Nguyễn Ái Quốc đã mở ra. Trên mảnh đất được mệnh danh là quê hương của “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, mỗi công việc là một lát cắt đời sống, giúp Người thấu hiểu nỗi cơ cực của tầng lớp lao động nghèo và bóc trần bản chất thật của xã hội tư bản - nơi khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” chỉ là vỏ bọc che đậy sự bất công, áp bức.
Hành trình khám phá không dừng lại ở nước Pháp. Từ những con phố nhộn nhịp của New York, Boston (Hoa Kỳ) đến những xưởng máy khói lửa ở London (Vương quốc Anh), dấu chân của Người in lại trên khắp các châu lục. Ba đại dương, bốn châu lục, gần 30 quốc gia và hàng trăm thành phố - con số thống kê không thể nào lột tả hết những gian truân, thử thách mà Người đã trải qua. Mỗi chuyến đi là một lần Người chìm đắm trong suy tư, tìm kiếm lời giải cho bài toán cứu nước. Và ở bất cứ quốc gia nào, Người cũng hòa mình vào cuộc sống của những người lao động, làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động: phụ bếp trong khách sạn, phụ việc cho hiệu ảnh, xúc tuyết trong những đêm đông giá rét, thợ sơn tàu giữa cái nắng oi ả, cào tuyết, đốt lò,...
![]() |
Từng trang sách, từng cuộc đối thoại, từng phong trào đấu tranh mà Người chứng kiến đã dần hình thành nên một nhận thức sâu sắc: các cuộc cách mạng tư sản như Cách mạng Mỹ hay Cách mạng Pháp, dù hô hào “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, nhưng thực chất chỉ là sự thay đổi về hình thức thống trị. Tiếng là cộng hòa, dân chủ, nhưng thực chất vẫn bóc lột tầng lớp lao động trong nước và áp bức các dân tộc thuộc địa. Con đường cứu nước, giải phóng dân tộc phải là con đường khác!
Ánh sáng từ chủ nghĩa Mác-Lênin
Trong hành trình dài miệt mài tìm kiếm, có những khoảnh khắc định mệnh mà một thoáng bừng ngộ có thể thay đổi cả cuộc đời một con người, thậm chí vận mệnh cả một dân tộc. Với Nguyễn Ái Quốc, khoảnh khắc ấy đến vào mùa hè Paris năm 1920.
Cuối năm 1917, khi làn gió Cách mạng Tháng Mười Nga thổi đến châu Âu, Nguyễn Ái Quốc đã trở lại Paris, hòa mình vào không khí sôi động của các phong trào công nhân và tiến bộ. Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp với niềm tin: "Đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái". Cũng trong năm đó, tiếng nói của một dân tộc bị áp bức đã vang lên giữa Thủ đô Paris khi Người gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị Versailles, đòi quyền tự do, dân chủ cho đồng bào mình.
Nhưng ánh sáng thực sự bừng lên trong tâm trí Người vào tháng 7/1920, khi trên trang báo L’Humanite (Nhân đạo) của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đọc được "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa" của V.I.Lênin. Những dòng chữ ấy như tia chớp xé toang bầu trời đêm tăm tối, khiến Người xúc động thốt lên: "Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!".
Trong giây phút ấy, những mảnh ghép rời rạc của bức tranh cứu nước bỗng kết nối lại với nhau, hiện ra rõ ràng, mạch lạc. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã cung cấp cho người thanh niên An Nam ấy chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa dẫn đến con đường giải phóng dân tộc.
![]() |
Thẻ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) |
Với ngọn lửa niềm tin bùng cháy trong tim, tháng 12/1920, tại thành phố Tours (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp. Sau bài phát biểu, Người đã bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Một người cộng sản Việt Nam đầu tiên đã ra đời, đánh dấu bước ngoặt lịch sử không chỉ trong cuộc đời Người mà còn của cả dân tộc Việt Nam.
Từ ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra kết luận quan trọng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Tư tưởng này đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt dẫn dắt cách mạng Việt Nam.
Nhìn lại 30 năm Bác đi tìm dáng hình mùa xuân cho dân tộc
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước khắp bốn bể năm châu, ngày 28/1/1941 (mùng 2 Tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc đã bước qua cột mốc 108 biên giới Việt - Trung, đặt chân lên mảnh đất quê hương yêu dấu. Đó là Pác Bó, một làng nhỏ heo hút nằm giữa núi rừng Cao Bằng hoang sơ. Giờ phút thiêng liêng ấy, Người xúc động nghẹn ngào: “Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao nhiêu thời giờ và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”.
Ba mươi năm là quãng thời gian đủ dài để một đứa trẻ trưởng thành và già đi, là quãng thời gian mà một dân tộc có thể trải qua bao thăng trầm lịch sử. Đó cũng chính là độ dài của cuộc hành trình mà Nguyễn Ái Quốc đã kiên trì theo đuổi để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Từ một thanh niên ôm hoài bão lớn đến vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Người đã vẽ nên một chân dung đẹp đẽ về tinh thần Việt Nam bất khuất, kiên cường và giàu trí tuệ. Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc là một bản anh hùng ca về ý chí, nghị lực và tầm nhìn - những phẩm chất cao quý đã giúp dân tộc ta vượt qua bao nỗi đau, thất bại để đi đến vinh quang.
Giờ đây, khi mùa xuân lại về trên mọi miền Tổ quốc, khi đất nước đang vững bước trên con đường đổi mới, hành trình đi tìm dáng hình mùa xuân cho dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây hơn 1 thế kỷ lại càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Từ Bến Nhà Rồng đến Pác Bó, từ những ngày lênh đênh trên biển cả đến những đêm miệt mài bên chiếc bàn đá, từ “tìm đường” đến “cứu nước” - đó không chỉ là hành trình của một cá nhân mà là hành trình của cả dân tộc Việt Nam vươn mình tìm đến độc lập, tự do và hạnh phúc.
Hành trình ấy vẫn tiếp tục ngày nay. Mỗi người Việt Nam hôm nay, bằng sức lực, trí tuệ và tâm huyết của mình, đang góp phần viết tiếp hành trình vĩ đại mà Người đã khởi xướng - hành trình xây dựng một đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, một đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện giản dị mà thiêng liêng Người đã gửi gắm.