Mỗi người một cách học Bác
Lò Trường Giang, sinh viên năm Nhất Trường Sư phạm - Đại học Vinh (Nghệ An), quê ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, là một trong số những sinh viên đang tập bước vào hành trình làm thầy với tất cả sự say mê và nỗ lực.
Giang chia sẻ: "Em chọn ngành sư phạm vì yêu thích việc dạy học, mong muốn được truyền đạt kiến thức và giúp các em học sinh có thêm động lực, định hướng tốt cho tương lai. Với em, lời Bác dạy: 'Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người' là kim chỉ nam rõ ràng nhất cho lựa chọn nghề nghiệp và cách sống của mình".
![]() |
Ngoài việc học, Giang còn đang làm trợ giảng cho một trung tâm dạy thêm tại Nghệ An. Ảnh: Thiên Ý |
Xa quê lần đầu lên thành phố học đại học, Giang gặp không ít bỡ ngỡ. Nhưng em chọn đối mặt với khó khăn bằng cách học theo phong cách sống của Bác: giản dị, tiết kiệm và kiên trì. Em duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày để mở rộng hiểu biết, giữ thái độ lễ phép, hòa nhã trong sinh hoạt hằng ngày. Ngoài việc học, Giang đang làm trợ giảng cho một trung tâm dạy thêm tại Nghệ An, một phần để kiếm thêm thu nhập, phần khác là để rèn kỹ năng nghề sư phạm từ sớm.
"Cuộc sống sinh viên có nhiều áp lực, nhất là khi vừa học vừa đi làm, nhưng em xem đó là cơ hội để trưởng thành, để học theo tấm gương cần cù, kiên nhẫn của Bác", Giang chia sẻ thêm.
Cũng đang theo học tại Trường Sư phạm - Đại học Vinh, Ngân Thế Vinh (sinh viên năm hai, quê Quan Sơn, Thanh Hóa) lại có một câu chuyện khác. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo ở một vùng quê còn khó khăn, Vinh thấm nhuần từ nhỏ tư tưởng "Muốn ấm no thì phải học". Con đường đến giảng đường đại học của em không trải hoa hồng, nhưng chưa bao giờ em cho phép mình bỏ cuộc.
“Bác từng nói: 'Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân'. Em luôn ghi nhớ lời dạy ấy để không ngừng rèn luyện, học tập và hoàn thiện bản thân”, Vinh tự hào nói.
![]() |
Ngân Thế Vinh (mang áo đoàn) mong muốn tương lai sẽ trở thành một người thầy đầy đủ tài, đức. Ảnh: Thiên Ý |
Vinh học Bác ở tinh thần tự học và ý chí vượt khó. Dù có những đêm phải thức khuya, nhiều lần cảm thấy mệt mỏi, nhưng em vẫn tiếp tục cố gắng. Không chỉ vậy, Vinh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Em cùng các câu lạc bộ sinh viên tổ chức các lớp học miễn phí cho trẻ em tại làng trẻ SOS.
"Có những hôm mưa gió, việc đi lại rất vất vả, nhưng chỉ cần thấy nụ cười của các em nhỏ là mọi mệt nhọc đều tan biến. Với em, giáo dục là ánh sáng, là hy vọng và người thầy chính là người mang ánh sáng ấy đến với học trò", Vinh kể.
Nguyễn Thị Trâm Anh, sinh viên năm Ba, khoa Toán, quê ở Quỳ Châu (Nghệ An) lại chọn cách học Bác bằng sự kiên trì và chuyên tâm trong học tập. Sinh ra trong gia đình làm nông, đường đến trường vừa xa vừa khó khăn, Trâm Anh đã phải ở trọ xa nhà từ rất sớm, nhưng em chưa bao giờ nản chí. Từ cấp một, em đã mơ ước trở thành giáo viên Toán để đem kiến thức về phục vụ quê hương.
![]() |
Dù sinh ra ở vùng quê khó khăn, nhưng Trâm Anh luôn nỗ lực, kiên trì để hiện thực hóa ước mơ làm cô giáo. Ảnh: Thiên Ý |
Trong suốt quá trình học tập, Trâm Anh luôn khắc ghi lời Bác: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Em chủ động rèn luyện kỹ năng sư phạm, tích cực tự học và luôn theo dõi các vấn đề giáo dục ở vùng khó khăn. Dù hiện tại chưa tham gia được nhiều hoạt động tình nguyện, nhưng em ấp ủ sau này khi có điều kiện sẽ tổ chức hoặc góp mặt trong những chương trình thiết thực mang “ánh sáng” tri thức về miền núi.
"Quê hương là nơi em luôn hướng về. Nếu có cơ hội, em muốn quay về dạy học, để truyền cảm hứng học tập và giúp các em học sinh có thêm động lực vươn lên như em từng được", Trâm Anh bày tỏ.
![]() |
Trâm Anh mong muốn được trở về quê hương để dạy và truyền cảm hứng học tập cho các thế hệ học sinh sau này. Ảnh: Thiên Ý |
Phan Thị Thu Hiền, sinh viên năm cuối ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Sư phạm - Đại học Vinh. Sinh ra ở thành phố Vinh, lớn lên trong môi trường đầy đủ, nhưng Hiền chọn cho mình một lối sống giản dị và lành mạnh. Từ thuở nhỏ, em đã ấp ủ tình yêu với nghề giáo, đặc biệt là mong muốn được đồng hành cùng các cháu nhỏ trong những năm tháng đầu đời.
“Em yêu sự hồn nhiên, trong trẻo của trẻ nhỏ và luôn mong muốn được đồng hành, dạy dỗ các bé. Vì thế, em chọn học ngành Giáo dục Tiểu học để thực hiện ước mơ ấy”, Hiền chia sẻ.
![]() |
Phan Thị Thu Hiền luôn tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao để rèn luyện thể chất. Ảnh: Thiên Ý. |
Không chỉ chăm chỉ học tập, Hiền còn có niềm đam mê lớn với thể thao, đặc biệt là chạy bộ và đạp xe. Với cô sinh viên trẻ này, rèn luyện thể chất không chỉ giúp bản thân khỏe mạnh mà còn là cách để giữ tinh thần tích cực, bền bỉ trên hành trình trở thành một cô giáo tốt.
“Một người thầy không chỉ cần kiến thức mà còn phải là tấm gương về sức khỏe và lối sống. Em luôn ghi nhớ lời Bác Hồ trong Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục năm 1946: 'Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công'”, Hiền nói.
![]() |
Thu Hiền đã có thời gian thực tập tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập (thành phố Vinh). Ảnh: Thiên Ý |
Suốt những năm đại học, Hiền duy trì thói quen chạy bộ và đạp xe mỗi ngày, đồng thời tích cực tham gia các phong trào thể thao của trường. Em mong muốn sẽ có thêm nhiều hoạt động ngoài trời dành cho sinh viên như giải chạy mini, thử thách đi bộ mỗi ngày hay các trò chơi dân gian, những điều nhỏ bé nhưng giúp rèn luyện thể chất, lan tỏa tinh thần gắn kết, lạc quan trong cộng đồng sinh viên.
“Em mong mình sau này không chỉ là người dạy chữ mà còn là người truyền cảm hứng, gieo yêu thương và khích lệ học trò sống lành mạnh. Một người giáo viên tốt cần đủ sức khỏe, nghị lực và tinh thần tích cực để làm được điều đó”, Hiền nói.
“Trồng người” bắt đầu từ chính mình
Bốn sinh viên, bốn hoàn cảnh, bốn hành trình riêng, nhưng đều chung một tâm nguyện: học và làm theo lời Bác từ những điều bình dị nhất. Họ không rập khuôn, không phô trương, mà âm thầm biến lời dạy của Người thành hành động cụ thể trong học tập và cuộc sống. Dù đến từ miền núi hay thành phố, gia đình khá giả hay còn khó khăn, mỗi người họ đều đang miệt mài trau dồi tri thức, rèn luyện đạo đức, nhân cách, đúng như điều Bác Hồ từng căn dặn: “Nhiệm vụ của nhà giáo là vừa dạy chữ, vừa dạy người. Có tài mà không có đức là người vô dụng”.
Ý thức trách nhiệm ấy khiến các bạn sinh viên ngành sư phạm hôm nay không chờ đợi đến khi tốt nghiệp mới "trồng người". Họ bắt đầu từ chính bản thân mình, từ việc tập rèn tính giản dị, tiết kiệm, giữ thái độ lễ phép, đến nuôi dưỡng đam mê đọc sách, nâng cao thể chất, bền bỉ học tập và luôn sống tử tế. Có người miệt mài đi gia sư để rèn kỹ năng giảng dạy, có người tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện dạy học miễn phí cho trẻ em thiệt thòi, có người chăm chỉ rèn luyện thể thao, tin rằng một người thầy tốt không chỉ cần trí tuệ mà còn cần sức khỏe và tinh thần tích cực để truyền cảm hứng cho học trò.
![]() |
Một buổi học tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập (thành phố Vinh). Ảnh: Thiên Ý |
Câu chuyện của Giang, Vinh, Trâm Anh và Thu Hiền chỉ là một vài trong vô vàn tấm gương tiêu biểu giữa lớp lớp sinh viên sư phạm và thanh niên Việt Nam hôm nay. Ở khắp mọi miền đất nước, vẫn còn biết bao bạn trẻ đang lặng lẽ học theo gương Bác bằng chính hành động nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, từ việc tử tế với bạn bè, chăm ngoan học tập, đến sự sẻ chia với những mảnh đời còn khó khăn. Mỗi hành động tích cực ấy, dù nhỏ bé nhưng lại là viên gạch nền góp phần vun đắp cho tương lai giáo dục nước nhà.
135 năm kể từ ngày Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời ở làng Sen, những lời dạy của Người vẫn tiếp tục soi sáng con đường giáo dục nước nhà. Trong mỗi trái tim sinh viên sư phạm hôm nay, những người “gieo chữ” của tương lai, ánh sáng từ tấm gương đạo đức, phong cách, tư tưởng của Bác đang âm thầm lan tỏa, từ lời nói, hành động đến những dự định tương lai.
“Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, lời dạy năm xưa của Bác giờ đây đang được thế hệ trẻ hiện thực hóa từng ngày, bằng chính cách sống, niềm tin và sự kiên trì theo đuổi lý tưởng cao đẹp, trở thành người thầy có cả tài và đức, đủ tâm huyết để gieo mầm cho tương lai.