Những quy định mà người nghèo vùng miền núi cần biết để vay vốn sản xuất và học nghề

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 28/2022/NĐ-CP quy định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những đối tượng nào được vay vốn?

Theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, khách hàng thuộc đối tượng được vay vốn bao gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định; Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định.

Địa bàn thực hiện được xác định là cấp xã, cấp thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong từng thời kỳ.

Đáng chú ý, về nguyên tắc cho vay vốn và vay vốn, Nghị định 28/2022/NĐ-CP quy định: Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCS) cho vay đúng đối tượng, đủ điều kiện, rõ ràng, công khai, minh bạch; rà soát để hướng dẫn nguyên tắc lựa chọn áp dụng chính sách vay vốn hoặc lựa chọn áp dụng chính sách vay vốn có mức ưu đãi cao nhất đối với khách hàng đủ điều kiện vay vốn của nhiều chương trình tín dụng tại NHCS để thực hiện mục đích về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chi phí học nghề;

Khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng vay vốn tại Nghị định này và đủ điều kiện vay vốn của nhiều chương trình tín dụng tại NHCS để thực hiện mục đích sản xuất kinh doanh thì được lựa chọn vay vốn tại một hoặc nhiều chương trình tín dụng nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ.

Nghị định 28/2022/NĐ-CP cũng quy định về nguồn vốn cho vay và cơ chế cấp bù lãi suất. Cụ thể, về nguồn vốn cho vay của NHCS, giai đoạn 2022 – 2023 là số tiến 9.000 tỷ đồng từ nguồn vốn phát hành trái phiếu NHCS được Chính phủ bảo lãnh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; Đối với giai đoạn 2024 – 2025, trên cơ sở bảo cáo của NHCS, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí nguồn vốn thực hiện chính sách giai đoạn 2024 - 2025.

Đối với việc cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý NHCS, Nghị định 28/2022/NĐ-CP quy định: Ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý cho NHCS để thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 theo cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý khi cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác quy định tại quy chế quản lý tài chính của NHCS.

Nguồn vốn cấp bù lãi suất và phí quản lý để thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2023 là nguồn 2 nghìn tỷ đồng quy định tại tiết b điểm 1.2 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15; Còn giai đoạn sau năm 2023 được bố trí từ nguồn chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu công và các văn bản hướng dẫn (nếu có).

Người vay phải sử dụng vốn vay đúng mục đích

Về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Nghị định 28/2022/NĐ-CP quy định:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong việc triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định này; đề xuất biện pháp xử lý và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động cho vay của NHCS phát sinh trong quá trình thực hiện, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trong khi đó, Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm ban hành hướng dẫn các địa phương xác nhận hợp, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách trong quý II năm 2022 làm cơ sở để NHCS cho vay theo thẩm quyền.

Bộ Y tế ban được giao ban hành hướng dẫn các địa phương hoàn thiện phương án phát triển dược liệu, phê duyệt dự án và Danh sách đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách, tổng mức đầu tư dự án, mức đầu tư của cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia vào dự án, phương án vay của từng dự án và cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia vào dự án trong quý II năm 2022 làm cơ sở để NHCS cho vay theo thẩm quyền.

Đối với Bộ Tài chính, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, ra soát, đề xuất báo cáo Chính phủ trước ngày 31/8/2023 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bỏ trí nguồn vốn thực hiện chính sách trong giai đoạn 2024 – 2025.

Đáng chú ý, với UBND các cấp, Nghị định quy định có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và NHCS tuyên truyền chính sách, tổ chức, triển khai; Phê duyệt dự án dược liệu quý và danh sách đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi theo quy định; Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai minh bạch, tránh chồng chéo, lợi dụng, trục lợi chính sách.

Đối với NHCS, Nghị định quy định: Có trách nhiệm hướng dẫn hồ sơ vay vốn, quy trình và thủ tục cho vay đối với các đối tượng vay vốn theo quy định, đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, công khai, minh bạch; Thực hiện cho vay các chính sách tín dụng đảm bảo đúng đối tượng, đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng mục đích; Thực hiện việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ của đối tượng vay vốn, bảo đảm vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay; Báo cáo Bộ Tài chính, NHNN và Ủy ban Dân tộc trước ngày 31/7/2023 về tình hinh, kết quả thực hiện chính sách trong giai đoạn 2022 - 2023 và đề xuất nhu cầu triển khai giai đoạn 2024 - 2025.

Với khách hàng vay vốn, Nghị định yêu cầu phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn theo quy định, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ gốc và lãi vốn vay đầy đủ, đúng thời hạn theo thoả thuận trong Hợp đồng tín dụng; Không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, quyền sử dụng đất sản xuất, nhà ở trong thời gian còn dư nợ tại NHCS.

Nghị định 28/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 26/4/2022.

Đọc thêm