Những quyết sách đi vào lòng dân trong đại dịch COVID-19

(PLVN) -  Trước những khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 gây ra, Đảng, Nhà nước đã kịp thời có những gói chính sách hỗ trợ khẩn cấp giúp người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đó là những quyết sách hợp lòng dân, có sức lan tỏa vô cùng lớn lao…
Những quyết sách đi vào lòng dân trong đại dịch COVID-19

Năm 2021 tiếp tục là năm cả nước “lao đao” vì đại dịch COVID-19. Đặc biệt làn sóng dịch thứ 4 để lại những hậu quả nặng nề đến đời sống của người dân, doanh nghiệp… Trong bối cảnh đó, Chính phủ tiếp tục có nhiều gói chính sách hỗ trợ khẩn cấp giúp người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vượt qua khó khăn trước mắt.

Cụ thể, tiếp nối Nghị quyết 42/NQ-CP (ngày 9/4/2020, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ lên đến 62.000 tỉ đồng và đã có hơn 13,19 triệu người được thụ hưởng), tại Nghị quyết 68/NQ-CP (ngày 1-7-2021), Chính phủ quyết định tung ra gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, với 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, tập trung chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp.

Nghị quyết 68 của Chính phủ được các chuyên gia đánh giá là một quyết sách kịp thời, đúng lúc. So với gói hỗ trợ lần 1 (năm 2020), gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 được mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ.

Không dừng lại ở đó, đến ngày 24/9/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, mở rộng thêm đối tượng được giúp đỡ, đảm bảo cuộc sống cơ bản và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, với gói hỗ trợ lên đến 38.000 tỉ đồng. Ngoài việc hỗ trợ bằng tiền cho người lao động từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Nghị quyết 116 còn quy định giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đến hết ngày 30/9/2022.

Không chỉ hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vượt qua khó khăn trước mắt, các quyết sách của Chính phủ và các bộ, ngành còn hướng tới phục hồi và phát triển thị trường lao động trong thời gian tới.

Đơn cử mới đây nhất, Bộ Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) đã ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Trong đó, nổi bật là chính sách “Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động”. Đây là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm để phục hồi và phát triển thị trường lao động.

Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH còn hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động bằng cách tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Đánh giá về các gói hỗ trợ cho người lao động, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ngày càng kịp thời, thiết thực và thuận tiện hơn. Đặc biệt là gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116. Những quyết sách này không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính, kinh tế cho người lao động và người sử dụng lao động mà còn tiếp thêm niềm tin của người lao động và người sử dụng lao động đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong lúc khó khăn nhất.

Theo PGS.TS. Nguyễn Chí Hải, Trưởng Khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh): Việc mở rộng phạm vi, đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 không chỉ thể hiện sự bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ, mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch. Đây là một quyết sách hợp lòng dân, có sức mạnh lan tỏa, tạo thêm động lực cho công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ và giúp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Chính phủ.

Đọc thêm