Những “rung động”... ngọt ngào của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý

(PLO) - Trong gia tài âm nhạc đồ sộ với trên 100 tác phẩm, có rất nhiều ca khúc nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh người phụ nữ với sức sống mãnh liệt, tinh thần bất khuất, lòng quả cảm, giỏi việc nước, đảm việc nhà được nhạc sĩ đưa vào các tác phẩm của mình, được công chúng yêu thích.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Từ cái nôi của... ả đào

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5/3/1925 tại Vinh, Nghệ An (quê gốc ở xã Phú Cuờng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Xuất thân trong gia đình truyền thống âm nhạc, cha ông là “trùm một phường bát âm của miền quê Vĩnh Phú thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào”. Trưởng thành lên từ vùng đất ví dặm nhưng từ trong sâu thẳm, ông lại thấm đẫm vào máu thịt những làn điệu hát xoan. Thế nên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rất thành công với các ca khúc thấm đượm chất dân ca. Và những ca khúc của ông bao giờ cũng để lại ấn tượng đẹp tuyệt vời.

Trong gia tài âm nhạc đồ sộ với trên 100 tác phẩm, có rất nhiều ca khúc nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh người phụ nữ với thiên chức trời phú trong quan hệ tình mẫu tử được nhạc sĩ ca ngợi trong nhiều bài hát, được công chúng rất yêu thích. Một số ca khúc khai thác từ chất liệu hát ru vốn đã trở thành truyền thống của dân tộc, được bảo tồn, phát huy qua nhiều thế hệ. Nhạc sĩ khai thác từ vốn ca dao dân ca, từ các âm tiết tiếng Việt vốn mang đặc trưng khá đặc biệt: thanh điệu phân chia một cách hài hòa trong hai nhóm bằng trắc, tạo nên tiết tấu nhịp nhàng, uyển chuyển phù hợp với lối hát ru.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chia sẻ, nếu trong “Dư âm” là người thiếu nữ nhẹ nhàng, lãng mạn thì “Dáng đứng Bến Tre” lại là người con gái anh hùng vô cùng nữ tính nhưng rất gan dạ, kiên cường: “năm xưa đi trong đạn lửa, đi như nước lũ tràn về,... Nhớ tóc ai dài, còn mang dáng đứng Bến Tre...”. Người con gái đó chính là biểu tượng sức sống mãnh liệt, tinh thần bất khuất, lòng quả cảm cho sự trường tồn vĩnh cửu và tương lai rạng ngời của đất nước.

Tình cảm thiêng liêng của mẹ luôn là nguồn cảm xúc để nhạc sĩ khai thác. Và ca khúc “Mẹ yêu con” ra đời. Công lao dưỡng dục, sinh thành của mẹ với đứa con yêu được nhạc sĩ thể hiện qua những âm hưởng đậm chất dân ca lời ru vùng châu thổ Bắc bộ đã khái quát hóa, nghe như nỗi niềm của mẹ hằng mong mỏi cho con lớn lên từng phút, từng giờ,... “Mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng,... Mấy nắng sớm rồi mưa chiều, chín tháng so chín năm...”. 

Trong các ca khúc viết về người phụ nữ, nhạc sĩ đều có những tìm tòi, sáng tạo riêng để xây dựng hình tượng âm nhạc sao cho phù hợp với nội dung cần phản ánh. Tuy mỗi ca khúc khai thác một khía cạnh nhưng tất cả đều chung một mục đích là làm nổi bật lên phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới: anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Nhìn chung, có thể nhận thấy các nhạc sĩ đã xây dựng được hình tượng người phụ nữ ở hai mảng chủ yếu: trong chiến đấu, lao động sản xuất và người mẹ, người vợ, người yêu nơi hậu phương.

Ca khúc viết về người phụ nữ trong chiến đấu và lao động được khắc họa một cách chân thực, xúc động. Ông kể: “Tỉnh Hà Bắc họ mời tôi đi sáng tác. Tôi về đó mới biết có những vùng giặc Mỹ ném bom ác liệt, bộ đội chiến đấu suốt ngày, áo quần rách bươm không có mà mặc. Các mẹ phải tổ chức vá, xong cái nào, mặc cái đó, ra công sự đánh tiếp”.

Với tính chất âm nhạc nhẹ nhàng, tha thiết, ca khúc “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” đã toát lên hình ảnh một tấm áo từng theo người chiến sĩ trên khắp các nẻo đường chiến trận. Tấm áo ấy là một vật vô giá, được người chiến sĩ nâng niu, trân trọng “bấy lâu nay con thường vẫn mặc”. Tấm áo chứa chất bao tình cảm thân thương về người mẹ, đó là sợi dây nối tình cảm người mẹ với người chiến sĩ ngày một gắn bó keo sơn. Hình ảnh của các mẹ thức thâu đêm vá áo chân thực và gây xúc động mạnh đến mức “chúng con ra đi đã mấy chiến trường” vẫn “mang theo cả tình thương của mẹ”. 

Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến “Bài ca phụ nữ Việt Nam” rất nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. “Bài ca phụ nữ Việt Nam” đã tôn vinh hình tượng người phụ nữ từ hàng ngàn năm tới nay: “Dòng dõi Bà Trưng vốn xưa nay anh hùng/ Giáp mặt kẻ thù chẳng một giây nao núng/ Như cánh lúa hiến cho đời muôn sức sống/ Xứng danh người trung hậu đảm đang/ Yêu biết mấy những đôi bàn tay khéo léo/ Đã thêu gấm hoa vào non nước Việt Nam”…

Dạt dào niềm yêu thương

Cùng với giai đoạn của lịch sử, chân dung của họ qua âm thanh ngày càng được phong phú và hoàn thiện. Giai điệu âm thanh ngày càng có ý nghĩa hơn, giàu sức thuyết phục hơn khi họ đã và đang luôn luôn là đề tài hấp dẫn cho văn nghệ bởi chính cái đẹp tiềm ẩn. Người phụ nữ trong ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng hết sức đa dạng, phong phú qua các ngành nghề, các địa phương và cả quốc tế: “Người chăn nuôi giỏi” đến “Em đi làm tín dụng”, “Cô nuôi dạy trẻ”, “Tiễn anh lên đường” và “Tiếng hát Dôi-a”, “Nữ du kích anh hùng của Liên Xô”. Sao có thể kìm được xúc động khi nghĩ về những người phụ nữ có tấm lòng bao dung làm những công việc tưởng như bình dị, đơn giản nhưng lại thật thanh cao.

Năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: “Mẹ yêu con”, “Vượt trùng dương”, “Bài ca năm tấn”, “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Dáng đứng Bến Tre”…

Với nhạc sĩ, người mẹ Việt Nam luôn sống bằng tình yêu, tình thương nhiều hơn bằng lý trí. Người mẹ Việt Nam vừa chu toàn việc nước vừa đảm đang việc nhà, là chỗ dựa tinh thần cho những người con thân yêu. Chính điều này khiến nhạc sĩ vô cùng yêu mến và trân trọng tấm lòng của những người phụ nữ, những bà mẹ Việt Nam.