Khi được hỏi “cắc cớ” vì sao lại chọn công việc này, các chị đều chép miệng, thở dài mà rằng: “Công việc mà, phải làm tới bến; kiếm cơm mà, việc gì cũng chơi”…
Vượt qua tất cả những cái nhìn ái ngại, những ánh mắt thương cảm, thậm chí cả những lời gạ gẫm của những gã khách hàng bệnh hoạn, những nữ xe ôm ở Bến xe Lương Yên đã can trường, gắn bó với nghề cả 6-7 năm trời. Và trong quá trình ấy, những câu chuyện về tình người càng khiến họ thấy thêm yêu nghề nghiệp của mình.
“Một là đến nơi, hai là đo đường”…
Chị Phạm Vũ Hương (48 tuổi, nhà ở Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); chị Tạ Kim Dung (44 tuổi, ở Thanh Trì) và chị Đỗ Ngọc Minh (36 tuổi, ở Trương Định, Hoàng Mai) đều bắt đầu công việc với những bỡ ngỡ như nhau.
Lý do chọn nghề với chị Hương là do không còn sự lựa chọn nào khác; chị Dung thì vì lý do sức khỏe, buộc phải chọn nghề này dù sao cũng nhẹ nhàng hơn nghề cửu vạn trước kia; còn với chị Minh thì lại có lý do rất bất ngờ: “Theo nghề để giám sát người chồng ham chơi”.
Các chị đều đã gắn bó với nghề được trên 5 năm, đều coi công việc như một phần của cuộc đời mình, nếu phải nghỉ ở nhà một ngày là bứt rứt không yên, dù đó đang là những ngày vắng khách.
Chị Hương cho biết, làm xe ôm rất thoải mái, dẫu có vất vả hơn nghề buôn bán chợ đêm trước đây của chị nhưng không lo bị âm vốn. Thậm chí họ còn AQ, không có khách thì xăng vẫn còn đấy, không bị bốc hơi đi đâu nhưng nếu đi chợ, nghỉ một buổi chợ là nỗi lo âm vốn ngay lập tức xuất hiện.
Chị Dung lại bảo: “Làm xe ôm còn nhẹ nhàng hơn công việc trước đây của chị là lấy hàng, vận chuyển hàng đến bến xe cho khách”. Nghĩ đến những ngày còng lưng bốc vác chị lại ớn lạnh, lắc đầu, không hiểu tại sao ngày ấy sức mình lại khỏe thế.
Dù con đường vào nghề mỗi người mỗi khác nhưng họ đều gặp một… nguy cơ chung: bị khách hàng gạ gẫm, sàm sỡ. Bài học đầu tiên mà ba người phụ nữ này nhận được từ các đồng nghiệp trong tổ xe ôm chính là cách đối phó với khách hàng bệnh hoạn. Dựa vào đó, mỗi người ứng phó một cách khác nhau mà mỗi lúc nhàn rỗi ngồi đợi khách, họ lại kể cho nhau nghe để thêm kinh nghiệm.
Chị Hương kể, một buổi sáng trời mưa, chị chở một thanh niên đến Bệnh viện Việt Đức và được hẹn quay lại đón vào lúc 3h chiều. Theo hẹn, chị quay lại đón thì người thanh niên bảo chị chở đến nhà bạn ở Ngọc Hà. Đến ngang Bách Thảo, chị nhắc khách gọi điện cho bạn để biết địa chỉ cụ thể thì người thanh niên nói: “Nhà bạn em trong núi Nùng, chị đi xe thẳng vào đấy”.
Vừa nghe xong lời nói ấy, chị phanh kít xe lại, dựng chân chống xe, hất mặt lên chửi: “Mày nhìn lại mặt tao đi, tao đi làm kiếm cơm nuôi con nhé. Khôn hồn thì trả tiền rồi biến không thì 15 phút sau, anh em nhà tao đến đây chặt chân mày”. Người thanh niên này sợ quá, vội vàng xin lỗi rồi bỏ chạy một mạch.
Tương tự, chị Dung cũng gặp phải một khách hàng thuê chở vào lúc 6h sáng. Hôm ấy, bắt được một khách sang Ninh Hiệp, trên đường đi, người khách trẻ cứ đặt tay lên đùi chị rồi sờ soạng. Chị phanh xe đột ngột rồi quay lại bảo: “Một là mày ngồi yên tao chở mày đến nơi, không thì xuống xe trả tiền cho tao”.
Người khách cũng vội vàng xin lỗi rồi ngồi yên trên xe nhưng đến nơi, người này lại buông lời gạ gẫm: “Chị cứ vào nhà nghỉ chờ em, tiền nong không thành vấn đề, em không tiếc chị”. Chị quắc mắt lên chửi: “Tao đi chở khách kiếm cơm chứ không bán thân nuôi miệng. Mày nhớ mặt tao, từ sau đừng để tao gặp mày lần nữa” rồi chị phóng xe đi thẳng.
Trẻ nhất, cũng thuộc diện trắng trẻo nhất trong đội xe ôm là chị Minh nên những lo lắng về quấy rối dọc đường mưu sinh luôn được anh chị em trong nghề nhắc nhở kỹ lưỡng. Chị Minh kể, một lần chở khách đi xa, ngay khi thấy khách hàng đang chuẩn bị có “triệu chứng”, chị chạy chầm chậm lại rồi quay mặt lại đằng sau… bỏ nhỏ: “Anh muốn đi đến nơi về đến chốn hay muốn đo đường (cho ngã)? Chỉ 5 phút sau thôi, anh em trong đội tôi sẽ có mặt ở đây đấy”.
Tuy nhiên, chị Minh chia sẻ cũng phải phòng trừ trường hợp gặp phải khách hàng liều mạng, quyết tâm thực hiện hành vi, lúc đấy lại phải lo đối phó, tìm cách để đưa khách đến đồn công an rồi nhờ giải cứu.
Các nữ xe ôm cùng các nam đồng nghiệp trong tổ xe ôm |
Những câu chuyện cảm động…
Các nữ xe ôm đều xác định làm nghề này như đi câu và tần suất “cả buổi về không” có thể thường xuyên diễn ra, nhất là vào những ngày giữa tuần. Tuy nhiên, cũng có những hôm quay vòng xe mệt “phờ râu”. Xe chưa kịp vào bến “xếp lốt” thì bắt được khách ngay ngoài bến xe nên chạy luôn.
Chạy đường dài (trên 15km) thì 5.000đ/km, đường càng gần thì thu nhập của các chị càng cao. Nhờ gắn bó với nghề mà các chị đã chứng kiến những câu chuyện thương tâm xảy ra với khách hàng của mình, để thấy được ít nhất mình còn may mắn hơn họ và có thể giúp đỡ được họ ít nhiều.
Nhắc đến những câu chuyện này, chị Dung và chị Hương đều bất ngờ nhẹ giọng, quay ra nhìn nhau và… lục từng khách hàng trong trí nhớ của mình để hỏi han.
Chị Hương kể, đã từng chở những đứa bé từ khi nó 3 tuổi, giờ nó đã học lớp 6 rồi, cứ ba tháng một lần, người bố đưa con lên Hà Nội khám mắt định kỳ. Hôm nào thấy cháu bé liến thoắng chuyện trò chị cũng vui lây, hôm nào thấy hai bố con gương mặt trĩu nặng chị cũng thấy nặng lòng, lúc ấy lại ngỏ lời bớt tiền xe cho hai bố con nhưng họ cũng không đồng ý.
Cũng có trường hợp khách hàng của chị Minh là một bé trai kháu khỉnh, khoảng 3 tuổi, được bà đưa từ quê lên Hà Nội khám bệnh. Hai bà cháu họ thuê xe ôm từ bến xe đến thẳng Viện Huyết học để khám, xạ trị. Chứng kiến cảnh từ một đứa bé trắng trẻo đến khi thằng bé mặt đen sạm lại vì xạ trị, chị bỗng thấy lòng đau thắt.
Chị chia sẻ: “Mình là người ngoài nhìn thấy còn đau như thế, bố mẹ, ông bà đứa bé ấy chắc khó mà nguôi. Thi thoảng mình vẫn có ý ngóng trông bà cháu họ để hỏi han, chia sẻ nhưng lâu rồi không gặp lại. Không biết bệnh tình cậu bé giờ ra sao?”- giọng chị Minh nghèn nghẹn…
Câu chuyện của chúng tôi đột nhiên chùng lại, lạc đi giữa bến xe xô bồ, ồn ã với tiếng còi xe, tiếng loa phát thanh… Nhìn gương mặt đã sạm đi vì nắng gió nhưng vẫn đầy cảm xúc của các chị, chúng tôi tin rằng các chị cũng đã có những niềm vui trong nghề, dù chỉ là những cuốc xe ngắn ngủi, kiếm được vài chục nghìn đồng nhưng các chị vẫn có thể chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh…