Không để “xôi hỏng bỏng không”
Thầy Trần Văn Thành – GV Hóa học, Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai) cho hay: Trong quá trình ôn thi THPT quốc gia, HS thường mắc một số sai lầm: Quá chú trọng luyện tập các bài khó mà lơ là học lý thuyết và kiến thức cơ bản.
“Trong đề thi THPT quốc gia môn Hóa học, nếu làm 10 câu lý thuyết sẽ nhanh hơn nhiều so với làm 10 câu bài tập. Hơn nữa tổng điểm giữa câu hỏi lý thuyết với bài tập tương đương nhau. Giả sử đề thi có 40 câu hỏi, làm chắc chắn 30 câu gồm lý thuyết và vận dụng thấp, kết quả bài thi sẽ an toàn và có thể yên tâm về phổ điểm của mình. Trong khi đó, nếu không chuẩn bị tốt phần kiến thức cơ bản có khi dẫn đến tình huống: Câu hỏi dễ làm sai, câu hỏi khó không làm được. Cuối cùng là xôi hỏng bỏng không” – thầy Thành lưu ý.
Theo thầy Thành, về mặt logic, có học lý thuyết mới làm được bài tập. Nắm chắc lý thuyết và làm nhuần nhuyễn các dạng bài tập thì không khó để đạt điểm cao trong Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Cũng cần lưu ý, trên mạng xuất hiện rất nhiều dạng đề thi hoặc các dạng câu hỏi, các em nên tỉnh táo lựa chọn trang ôn thi trực tuyến phù hợp với năng lực của mình và không nên sa đà vào “ma trận” đó, dẫn đến loạn thông tin. “Ôn thi trên mạng cũng cần sàng lọc để không bị “mua bực vào mình” – thầy Thành nhắn nhủ.
Từng đoạt giải Nhất hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh Thanh Hóa, thầy Lê Duy Dũng – GV Vật lý, Trường THPT Hàm Rồng chia sẻ: Sai lầm đầu tiên các em cần tránh là, không tập trung học lý thuyết Vật lý. Khi đi học ở các lớp học thêm, thầy cô thường dạy theo chuyên đề hoặc các dạng bài tập, không đi sâu vào lý thuyết dẫn đến tình trạng: Những bài tập đơn giản, áp dụng công thức trong sách giáo khoa thì làm được, nhưng câu hỏi khác đi một chút là “bó tay”. Nguyên nhân chính là do các em không nắm chắc lý thuyết nên không có sự suy luận.
Cũng từ việc không nắm chắc lý thuyết, khi gặp các câu hỏi với nhiều phương án lựa chọn, các em sẽ gặp khó khăn để loại trừ những phương án nhiễu và vất vả để lựa chọn được đáp án đúng. “Qua nghiên cứu đề thi THPT quốc gia môn Vật lý của một vài năm gần đây cho thấy, có khoảng 4 câu hỏi khó ở mức độ vận dụng cao. Tỷ lệ này rất nhỏ và không đáng kể so với toàn bộ đề thi. Vì thế, nếu các em không học chắc lý thuyết sẽ khó để “ăn” điểm ở những câu hỏi thông hiểu và vận dụng thấp” – thầy Dũng trao đổi.
Tránh nước đến chân mới nhảy
Theo thầy Dũng, trước mỗi Kỳ thi THPT quốc gia, hàng loạt trang mạng ôn thi và sách tham khảo được bày bán. Bản chất các câu hỏi là như nhau vì có sự cóp nhặt, kế thừa. Vì thế, thí sinh không nên ôm đồm quá nhiều sách tham khảo, trang ôn thi dẫn đến loạn thông tin. “Khi chọn sách và trang ôn thi trực tuyến nên tham khảo ý kiến GV bộ môn. Khi đã chọn được sách tham khảo và trang ôn thi trực tuyến ưng ý và phù hợp, các em nên tập trung vào học tập, không nên “đứng núi này trông núi nọ” – thầy Dũng nhấn mạnh.
Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và ôn tập môn Giáo dục công dân (GDCD) cho học sinh lớp 12, thầy Nguyễn Hồng Sơn – giáo viên Trường THPT Mê Linh (Hà Nội) nhận thấy: Học sinh vẫn chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch ôn tập. Nhiều em vẫn “nước đến chân mới nhảy”.
Thầy Sơn dẫn giải: Không ít học sinh quan niệm, khối lượng kiến thức môn GDCD ít hơn so với môn học khác, nên không dành nhiều thời gian ôn tập cho môn học này. Khi lên lớp, có em học trong vô thức, tiếp thu kiến thức thụ động. Tâm lý sợ “học trước quên sau” dẫn đến việc khi nào gần thi thì ôn luyện một thể cho nhớ.
“Khi học kỳ I kết thúc và quỹ thời gian của học kỳ II vơi dần đi, nhiều học sinh vội vàng trông cậy vào việc đi học thêm, vì cho rằng, học thêm càng nhiều, càng được điểm cao. Cũng do không chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập nên nhiều em đã lựa chọn cho mình cách học tủ, học vẹt, học mẹo, nhưng với những môn thi theo hình thức trắc nghiệm như GDCD, cách học như vậy dễ gặp rủi ro khi làm bài thi” – thầy Sơn nêu thực trạng.
Cũng theo thầy Sơn, một sai lầm mà nữa mà các em dễ mắc phải: Mất phương hướng trong việc lựa chọn, tra cứu tài liệu khi ôn tập. “Trên thị trường có vô vàn sách luyện thi với nhiều tác giả khác nhau. Điều quan trọng, mỗi học sinh cần biết mình hổng kiến thức ở đâu để kịp thời bổ sung, lấp đầy chỗ trống. Tuy nhiên, không vì thế mà các em ngồi đọc hết tất cả các đầu sách và càng không thể chọn đại khái một cuốn sách bất kỳ để tham khảo. Tất cả cần được tính toán và sàng lọc để có sự lựa chọn phù hợp và hiệu quả nhất” – thầy Sơn chia sẻ.
Hiện có nhiều học sinh sắp xếp thời gian biểu học tập thiếu khoa học: Ngày chơi, đêm học. Cách học này vừa không hiệu quả, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe. Ở thời điểm này, các em nên hệ thống lại kiến thức đã học; Học theo nhóm chủ đề. Nếu đã nắm chắc kiến thức, có thể vừa ôn tập theo chuyên đề và luyện giải đề thi tổng hợp. - thầy Lê Duy Dũng