Những sai lầm khiến nhà ống thành “hỏa ngục”

(PLO) -Hiện nay, đặc biệt ở các đô thị… đang tồn tại rất nhiều căn nhà dạng ống (hình hộp, có nhiều tầng) vừa ở, vừa kinh doanh, không có lối thoát hiểm và thường lắp cửa tự động nên rất khó thoát khi xảy ra cháy nổ. 
4 người chết trong căn nhà cháy ở Hà Nội mới đây
4 người chết trong căn nhà cháy ở Hà Nội mới đây

Những cái chết đầy thương tâm

Nói về các vụ cháy nhà dân gây thương vong cho nhiều người trong cùng một gia đình phải nói đến vụ hỏa hoạn chiều ngày 29/7/2011 tại xưởng may ở xã Tân Dân, An Lão, Hải Phòng khiến 13 người thiệt mạng và 25 người khác bị thương do bị đám cháy chặn cửa ra vào duy nhất; vụ cháy xảy ra rạng sáng ngày 16/9/2014 tại nhà trong hẻm thuộc phường 8, quận 5, TP Hồ Chí minh làm 07 người trong cùng một gia đình chết cháy; vụ cháy chết 06 người bốn thế hệ trong một gia đình thầy giáo ở đường Phan Bội Châu, phường 7, TP Cà Mau...

Gần đây nhất, ngày 13/7/2017, vụ hỏa hoạn kinh hoàng đã xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng, ngõ 205 đường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến 4 người trong ngôi nhà này tử vong do ngạt khói khí độc.

“Trên phương tiện thông tin đại chúng còn đưa tin rất nhiều vụ hỏa hoạn gây chết người đau lòng khác. Chỉ sau một đêm ngủ mà sáng hôm sau không còn ai trong gia đình, nhà cửa thì thành tro bụi là điều kinh khủng không ai muốn nghĩ tới”, Thượng tá Nguyễn Viết Nội chia sẻ.

Nên lắp cửa chống cháy lối ra ban công

Qua nhiều vụ cháy nghiêm trọng từ những nhà dạng ống, Thượng tá Nội đúc rút, dạng nhà ống không có cửa sau, cửa hông để thoát hiểm vì diện tích nhà nhỏ, nhiều khi lại được tận dụng làm nơi kinh doanh. 

Về kiến trúc khi thiết kế nhà, Thượng tá Nội khuyến cáo, nhà ở hay cửa hàng đều phải có cửa thoát nạn, nếu có điều kiện thì có cửa ở cả hai đầu nhà là tốt nhất, còn lại đa số các nhà chỉ có một phía trước thì cửa phải thiết kế thế nào để người trong nhà có thể mở thoát ra nhanh nhất.

Nhà ống nên có ban công thoát hiểm (lớn hay nhỏ tùy theo điều kiện của mỗi nhà) và lắp cửa chống cháy lối ra ban công để ngăn lửa và khói từ trong nhà ra ban công, có thể cả cửa từ cầu thang vào các phòng cũng lắp cửa chống cháy. 

Đa số nhà ở phố thường sử dụng “lồng sắt” hàn kín để chống trộm. Bởi vậy khi hỏa hoạn xảy ra, những người trong nhà như bị nhốt kín trong lồng sắt, khó thoát. Thượng tá Nội đưa ra lời khuyên, không nên làm lồng sắt bao kín nhà, nếu phải làm lồng sắt chống trộm thì hãy làm thế nào để trộm không vào được nhưng người trong nhà thoát ra dễ dàng (làm khung giả hoặc cánh cửa có khóa). Các nhà liền kề thì thống nhất với nhau cách chống trộm, nhưng có thể thoát sang nhà nhau khi có bất trắc. 

Các cửa thoát nạn thiết kế sao cho trộm khó phát hiện, khó phá và khó đột nhập nhưng người trong nhà phải thoát ra nhanh nhất khi cần. Nhà có người ở bên trong không nên lắp cửa cuốn (khi có cháy khó thoát).

Nếu nhà cao tầng có điều kiện nên lắp hệ thống tự chữa cháy bằng nước ở các phòng, những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy. Nước chữa cháy nên lấy luôn từ két nước sinh hoạt hàng ngày (đảm bảo khi nào cần cũng có nước).

Hệ thống điện được lắp đặt phải có thiết kế phù hợp công suất cho từng tầng, từng khu vực, từng cụm thiết bị riêng biệt, khi không dùng là tắt điện. Không để các thiết bị nạp điện qua đêm. Thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng hệ thống điện, nếu thiết bị điện nào thấy không bình thường thì phải kiểm tra, sửa chữa thay thế ngay.

Tuyệt đối không dùng nến cốc (nến lỏng) thắp sáng hoặc thờ cúng trong nhà (cốc nến rất dễ bị vỡ do nhiệt, nến tràn ra gây cháy); nếu dùng nến thì chỉ dùng nến cây (cắm trong bát), nến dạng rắn, khi đốt nến hay cúng bái phải có người trông. Không để đèn điện thờ, đèn dầu, nến khi không thờ cúng qua đêm. 

Trên ban thờ không để nhiều vàng mã, không để chân hương quá nhiều trong bát hương, nếu nhiều chân hương khi cắm hương mà phần thuốc hương của que hương đang cháy tiếp xúc với chân hương cũ, khi cháy đến vị trí tiếp xúc sẽ bén cháy vào chân hương cũ gây cháy (Hải Phòng đã xảy ra nhiều vụ cháy bát hương do chân hương cắm nhiều dạng hình tháp cho đẹp). 

Những sai lầm chết người

Về hệ thống bếp gas, Thượng tá Nội khuyến cáo, cần mua gas của các đại lý có pháp nhân tin cậy và thái độ nhân viên đưa gas phục vụ tốt, có uy tín, có trách nhiệm. 

“Đã có nhiều trường hợp cháy nổ khí gas gây chết người do nhân viên đưa gas vì muốn kiếm lời phi pháp đã cố tình chọc thủng ống dẫn gas, van điều áp đang còn tốt thì báo hỏng để thay thế đồ dởm vào hoặc vô trách nhiệm khi phát hiện gioăng, kẹp ống bị hỏng không tư vấn thay thế, lắp ẩu không kiểm tra độ kín… gây ra”, anh Nội nhấn mạnh.

Bếp gas và các phụ kiện gas như van điều áp, ống dẫn, gioăng khớp nối… phải dùng đồ chính hãng và thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng, thay thế khi thấy không an toàn. Nhớ tắt hết bếp và khóa van cổ bình gas mỗi khi đun xong. 

Nếu chẳng may bị dò khí gas (nhận biết bằng mùi đặc trưng) ra không gian nhà và bếp thì tuyệt đối không bật, tắt các thiết bị điện, không bật lửa, không mang đèn, nến vào (có thể dùng đèn pin), nhẹ nhàng khóa cổ bình gas trước, sau đó mở hết các cửa rồi hô mọi người nhẹ nhàng ra khỏi nhà, tránh xa khu vực nhà, khi nào hết mùi gas thì mới vào kiểm tra sửa chữa hệ thống gas, bếp.

Vụ nổ sập nát ngôi nhà 3 tầng 1 tum ở phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội) làm chết hai cháu bé, hai bố mẹ thì bị thương phải vào bệnh viện cấp cứu, hư hại nhiều nhà xung quanh là một vụ việc đau xót, đồng thời là bài học điển hình để mọi người cùng suy ngẫm. 

Nguyên nhân vụ nổ này là sáng sớm hai bố mẹ xuống tầng 1 để đi tập thể dục buổi sáng khi hai con đang ngủ, phát hiện tầng 1 có mùi gas, người mẹ vào bếp kiểm tra đã ấn tay vào công tắc bếp (bếp bật bằng pin) gây nổ, dẫn tới vụ việc đầy thương tâm nói trên. Tiếng gào đầu tiên của người mẹ khi tỉnh lại ở bệnh viện là: “Tôi đã giết cả nhà tôi, giết các con tôi rồi”… thật sự là điều ám ảnh.

Theo Thượng tá Nguyễn Viết Nội, các nhà không nên để ô tô, xe máy trong nhà; nếu để trong nhà thì buồng để xe nên xây kín độc lập, có cửa chống cháy và có hệ thống tự chữa cháy (nhiều trường hợp xe để trong nhà bị chập điện cháy xe ô tô, xe máy và cháy nhà).

Nếu trong nhà chẳng may bị cháy, mọi người phải hết sức bình tĩnh tìm cách thoát hiểm; không nên hoảng loạn dễ bị hít phải khói khí độc dẫn đến ngất xỉu và tử vong vì ngạt khí. Nếu đang cháy ở tầng dưới, khói đang bốc mạnh ở cầu thang thì không được chạy xuống qua cầu thang, không chạy vào buồng kín, vào nhà vệ sinh (đặc biệt là nhà vệ sinh ở cạnh cầu thang) mà phải ra ban công nơi có dưỡng khí, đóng chặt cửa chống cháy ngăn với ban công.

 “Vụ đối tượng Thuận đốt chết cả nhà anh Nguyễn Trí Hưng ở Mỹ Đình, Từ Liêm, nếu Chị Hà và cháu Thảo Hiền (vợ và con gái anh Hưng) chỉ bước thêm vài bước nữa ra buồng phía trước tầng 2 có cửa thoáng (cạnh buồng vệ sinh) thì chắc chắn không bị chết oan uổng. 

Vụ hai thợ hàn sửa nhà 55 Mã Mây (Hà Nội) khi thấy cháy không chạy ra ngoài mà chạy vào nhà vệ sinh tầng 2 nên bị chết. 

Vụ cháy nhà 4 tầng tại 336 Cầu Giấy (Hà Nội), trong khi đang cháy ở phòng tầng 1 phía Bắc cầu thang, 1 nạn nhân nữ chạy xuống qua cầu thang bị bỏng nặng và tử vong còn 7 người khác bị thương là những người ở phòng tầng 1 phía Nam cầu thang (trong đó có 1 nạn nhân do hoảng loạn đã nhẩy từ tầng 2 ra cây phượng và bị ngã chấn thương). Trong vụ cháy này nếu các nạn nhân từ tầng 2 đến tầng 4 chạy hết ra ban công ở phía Nam của các tầng sẽ không dẫn đến hậu quả đáng tiếc như vậy”, Thượng tá Nội dẫn chứng.

Đọc thêm