Những Tập đoàn “nhà đông con” vượt “bão” Covid-19 thế nào?

(PLVN) - Đây được xem là thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử các Tập đoàn kinh tế nhà nước như Dệt may (Vinatex), Dầu khí (PVN), Than - Khoáng sản (TKV)… Bởi với số lượng lao động từ 8 - 10 vạn người/tập đoàn, họ giờ không chỉ lo chống dịch, đảm bảo sức khỏe người lao động mà còn phải sản xuất kinh doanh, duy trì “nồi cơm” của nhiều gia đình.  
Ngành dệt may đang ở thời kỳ khó khăn nhất.
Ngành dệt may đang ở thời kỳ khó khăn nhất.

Cạn vốn sau 3 tháng trả lương 

Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, sẽ có trên 30% lao động dệt may thiếu việc làm trong tháng 4/2020; dự báo số lượng này trong tháng 5 sẽ trên 50% và tháng 6 thì rất khó đoán định.

Với 2,8 triệu người lao động trực tiếp trong ngành Dệt may, 6 triệu người phụ thuộc vào doanh thu của ngành công nghiệp này, như vậy sẽ có 8,8 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tác động từ việc hủy, giãn đơn hàng cho dù đã ở điều kiện sống tối thiểu. Cũng theo CEO Vinatex, với lượng nhân sự đông, chỉ cần 3 tháng không có việc làm mà vẫn duy trì trả lương tối thiểu cho toàn bộ lực lượng lao động thì các doanh nghiệp dệt may sẽ hết vốn.

Riêng ở Vinatex, toàn Tập đoàn có hơn 8 vạn lao động, mỗi tháng phải chi quỹ lương rất “khổng lồ” và cũng đang đứng trước những rủi ro lớn khi nhiều khách hàng đã hủy, tạm hoãn đơn hàng từ nửa cuối tháng 3/2020. Tuy nhiên, ông Trường khẳng định, Tập đoàn đã cam kết ưu tiên số 1 là “giữ việc làm và trả lương duy trì đời sống cho người lao động”. Theo đó, các đơn vị sẽ tổ chức lại sản xuất để đảm bảo ai cũng được đi làm. Tập đoàn thực hiện tinh thần giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, chứ không sa thải lao động và quyết “bảo toàn lực lượng” đi qua mùa dịch.

Để làm được việc này, gần 2 tháng qua, Vinatex đã tổ chức sản xuất những mặt hàng chưa bao giờ sản xuất như khẩu trang phòng dịch, tiến tới là khẩu trang y tế, bộ quần áo phòng hộ cho bác sĩ và bệnh nhân... Bên cạnh đó, theo ông Trường, để giúp DN vượt qua được thời kỳ khó khăn này, các gói chính sách cấp bách của Chính phủ như tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn phí cần nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến từng cơ sở vì DN hiện không có dòng tiền về. Ngoài ra, chính sách cho vay trả lương cho các DN cũng nên rốt ráo được thực hiện để Vinatex nói riêng và các DN dệt may nói chung có dòng tiền bảo đảm đời sống tối thiểu người lao động như đã cam kết. 

Với tư cách Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Trường cũng cho rằng đây là thời kỳ khó khăn nhất của ngành Dệt may Việt Nam. Do đó, Vitas mong muốn vì vấn đề an sinh, các đối tác đã đặt hàng chỉ nên giãn thời gian giao hàng, giảm tối thiểu việc hủy đơn hàng và cần thanh toán đúng hạn các khoản đối với hàng hóa đã sản xuất xong chờ ngày xuất khẩu. Đồng thời đề xuất, các đối tác hãy hỗ trợ cho các nhà máy ở Việt Nam trang trải một phần chi phí lương cho người lao động bằng các khoản thanh toán cho đơn hàng đã đặt nhưng chưa sản xuất do việc giãn thời gian giao hàng. 

“Vừa thổi cơm, vừa xay lúa”

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh cộng với giá dầu thô lao dốc trên thị trường thế giới cũng đẩy Tập đoàn PVN vào tình thế khó khó khăn chưa từng thấy trong lịch sử Tập đoàn này. Cuộc “khủng hoảng kép” cần sự đồng lòng vượt qua khó khăn của hàng vạn lao động dầu khí, dù bấy lâu PVN vẫn được coi là “ông lớn” của nền kinh tế Việt Nam.

Được biết, những ngày qua, PVN và các đơn vị thành viên đã, đang chủ động, tích cực, khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm ứng phó, với mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho người lao động, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với PLVN, kỹ sư Đỗ Hồng Quang - Ban Vận hành sản xuất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (BSR) cho hay, do bị ảnh hưởng nặng nề dưới tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, BSR đã thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp để tiết giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động.

“Hằng ngày, mỗi cá nhân chúng tôi đều cố gắng tìm những sáng kiến, ý tưởng mới để tìm cách tối ưu vận hành, sản xuất nhằm tiết giảm chi phí. Thực tế cho thấy, mỗi ngày chúng tôi luôn tối ưu các thông số vận hành thiết bị, phân xưởng, để có thể giảm thiểu được lượng năng lượng tiêu thụ, duy trì độ tin cậy của thiết bị, an toàn và ổn định cho nhà máy. Chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều giải pháp vận hành nhà máy với công suất khác nhau để duy trì ổn định và hiệu quả khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu giảm do dịch bệnh Covid-19”, lời kỹ sư Quang. 

Đại diện Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) cho biết, đã có các kịch bản và giải pháp ứng phó để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Các tác động của Covid-19 đến hoạt động của PV Drilling trước mắt là do sự phong tỏa toàn quốc tại các quốc gia mà PV Drilling có cung cấp dịch vụ khoan, gây những khó khăn nhất định trong hoạt động đổi ca của cán bộ nhân viên hoạt động trên giàn. Để ứng phó với thực tế này, hiện nay công tác đổi ca được thực hiện ngay tại nước sở tại. Cán bộ, nhân viên trên giàn tạm thời sẽ không về nước khi hết ca và sẽ tuân thủ các quy định về an toàn tại nước sở tại như thực hiện tự cách ly cho đến ca làm việc kế tiếp.

Là một trong 3 trụ cột của năng lượng quốc gia, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, ngành này đang có 10 vạn lao động, phần lớn là những người đang trực tiếp sản xuất trong các hầm lò. Chưa nói đến câu chuyện đời sống vật chất, việc bảo vệ sức khỏe công nhân để duy trì hoạt động khai thác than bình thường trong bối cảnh dịch bệnh cũng là một thách thức không nhỏ đối với một Tập đoàn được ví “nhà đông con” như TKV. 

Chẳng hạn chỉ tính riêng Công ty CP Than Cọc Sáu đang có hơn 2.400 người lao động phải làm việc trong điều kiện đặc thù. Do đó, việc bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ lao động trực tiếp và gián tiếp của doanh nghiệp này nhằm duy trì chuỗi sản xuất của đơn vị, trong điều kiện cả nước đang thực hiện chủ trương giãn cách xã hội cũng là một khó khăn với doanh nghiệp khai khoáng.

“Trên hệ thống phát thanh, hệ thống tuyên truyền nội bộ, công tác an toàn trên mặt bằng và dưới hầm lò được chúng tôi lưu ý liên tục trong những ngày qua tới tận từng công nhân trong nhà giao ca của các phân xưởng, sân công nghiệp, cửa lò giếng chính… vào đầu mỗi một ca sản xuất”, đại diện TKV thông tin.

Khác với với các doanh nghiệp dệt may, vận tải hay dịch vụ thương mại,… than là mặt hàng thiết yếu, làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nên không thể dừng hoặc giảm sản xuất. Dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng các nhà máy, khai trường thuộc TKV vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất bình thường; số lượng công nhân đến nhà máy làm việc không thay đổi, dù có luân phiên thay ca làm việc. “Đến thời điểm này, về cơ bản hoạt động sản xuất vẫn duy trì tốt, đời sống công nhân ngành than vẫn được đảm bảo”, ông Nguyễn Ngọc Lân - Chánh Văn phòng TKV nói.

Các đối tác không nên hủy đơn hàng

 

Ông Lê Tiến Trường - Phó Chủ tịch Vitas: Chúng tôi mong muốn vì vấn đề an sinh, các đối tác đã đặt hàng chỉ nên giãn thời gian giao hàng, giảm tối thiểu việc hủy đơn hàng và cần thanh toán đúng hạn các khoản đối với hàng hóa đã sản xuất xong chờ ngày xuất khẩu. Ví dụ Hãng H&M đã quyết định chi trả toàn bộ các đơn hàng đã sản xuất xong nhưng chưa giao được hàng.Vitas mong muốn các đối tác trên thế giới cũng sẽ ứng xử với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tương tự để có thể giữ ổn định chuỗi sản xuất của ngành dệt may.

Công nhân làm thay việc của nhà thầu

 

Ông Nguyễn Tuấn Nghĩa - công nhân Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông: Để hạn chế di chuyển trong thời gian này, chúng tôi tăng ca làm việc từ 3 lên 4 tuần và các nhà thầu cũng hạn chế ra giàn nếu không thực sự cấp thiết. Vì vậy, có những việc của nhà thầu, nay các anh em trên giàn phải thay nhau gánh vác. Khối lượng công việc tăng lên đáng kể và luôn phải cẩn trọng trong sinh hoạt, tiếp xúc hàng ngày khiến tâm lý anh em cũng không tránh khỏi xao động. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo công ty, chúng tôi được tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để vừa hoàn thành tốt công việc của mình, vừa phòng tránh dịch một cách hiệu quả.

Chia sẻ khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt 

Ông Nguyễn Anh Trực - Trưởng ca, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau: Là đơn vị sản xuất, Nhà máy vẫn phải hoạt động 24/24h. Hàng ngày, chúng tôi vẫn phải làm việc cùng các đối tác nước ngoài, các khách hàng nên rủi ro về dịch bệnh luôn tiềm ẩn. Ban lãnh đạo Công ty và Nhà máy đã sớm nhận ra những nguy cơ này và đã có những biện pháp ứng phó chống dịch rất kịp thời. 

 

Tùy vị trí công việc mà có thể làm việc online tại nhà, họp online để hạn chế tối đa tiếp xúc… Tuy nhiên, các vị trí phải trực ca ở nhà máy thì vẫn theo lịch làm việc như bình thường. Với tất cả các biện pháp tăng cường phòng dịch như vậy, công ty chắc chắn phải tăng thêm một khoản chi phí, trong khi tình hình giá dầu đang giảm sâu và sự lây lan của dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Là người lao động, chúng tôi hiểu rõ những khó khăn mà lãnh đạo công ty đang gặp phải để có thể đảm bảo công ăn việc làm, mức lương cho hàng trăm người lao động, giúp người lao động yên tâm công tác. 

Vì vậy, riêng bản thân tôi rất cảm kích trước tình cảm và sự quyết liệt của lãnh đạo công ty, nhà máy và biết rõ mình phải làm thật tốt nhiệm vụ được giao, quyết tâm cùng toàn thể công ty vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đọc thêm