Xã An Sơn có 4.500 nhân khẩu, một trạm y tế có một bác sĩ. Toàn xã đảo chỉ có ba điểm bán thuốc tây y do bà con có chút kiến thức lấy vài thứ thuốc thông dụng về bán cùng với tiệm tạp hóa gia đình.
Trò chuyện cùng các cán bộ của Trạm Y tế xã An Sơn gần một giờ, nhưng chúng tôi không thấy có ca bệnh nặng nào vào thăm, khám, chỉ có mấy người dân đưa trẻ nhỏ vào nhổ răng, xin thuốc cảm, ho.
Các y, bác sĩ ở đây cho biết, hàng ngày trạm làm việc theo giờ hành chính, song công việc cũng không vất vả lắm, bà con chủ yếu vào đây xin thăm khám bệnh thông thường, trạm rất ít tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu. Hơn nữa, ở đây có đội ngũ y sĩ Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn hỗ trợ rất nhiều, bà con trong xã từ lâu đã quen lên Đồn Biên phòng xin thuốc hơn là xuống Trạm Y tế xã.
Bác Nguyễn Minh Kèn, ngụ ấp An Cư, xã An Sơn, người có hơn 30 năm sống trên đảo cho biết: “Ở ngoài này, người dân rất ít bệnh tật. Trẻ em cũng vậy, chỉ cảm ho, mua vài viên thuốc uống là khỏi. Nhưng lâu lâu có bệnh nặng như đau ruột thừa; đi biển té gãy tay, chân; trẻ em sốt cao… chỉ cần đến Trạm Y tế xã hoặc vào Đồn Biên phòng xin thuốc uống, chờ có tàu chuyển vào đất liền. Hồi nào tới giờ ít có ai vì bệnh nặng mà chết trên đảo lắm”.
Xuất phát từ việc ít có cơ sở khám, chữa bệnh nên trong những năm qua, đội ngũ quân y Đồn Biên phòng Nam Du (đóng trên địa bàn xã An Sơn) luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên đảo.
Công tác quân dân y kết hợp cũng được đơn vị thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, có kết quả cao. Ngoài ra, các y sĩ Đồn Biên phòng còn độc lập tư vấn, thăm khám bệnh cho hàng ngàn lượt bà con trên địa bàn, được bà con tin tưởng đến khám chữa bệnh ngày một nhiều.
Do điều kiện đi lại trên đảo còn hạn chế, Trạm Y tế xã vừa mới được tăng cường một bác sĩ nữ, nên việc khám, điều trị bệnh cho bà con chưa thể rộng khắp. Trung bình hàng ngày, cán bộ quân y Đồn Biên phòng Nam Du đã tranh thủ thời gian bám địa bàn phục vụ nhu cầu khám bệnh cho bà con.
Được thăm khám, điều trị bệnh kịp thời và được tư vấn sức khỏe đúng lúc, hướng dẫn ăn uống hợp vệ sinh nên đã nhiều năm liền toàn xã không bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, bà con sống bằng nghề biển nên thường xảy ra các bệnh ngoài da ở người già, viêm hô hấp ở trẻ nhỏ.
Đại úy, y sĩ Nguyễn Trung Chánh - quân y Đồn Biên phòng Nam Du - cho biết, ở đây anh em thường xuyên phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho bà con nghèo. Ngoài ra, nếu đột xuất, bà con trực tiếp đến bất cứ lúc nào đơn vị cũng tiếp, thăm khám và phát thuốc cho bà con. Cũng nhờ khí hậu vùng biển, đảo tốt mà người dân nơi đây ít bệnh tật, không có ca cấp cứu phải chuyển viện gấp, nên hiện nay đơn vị vẫn đảm nhiệm tốt công tác quân - dân y kết hợp.
Những ngày lưu lại trên xã đảo An Sơn, chúng tôi có dịp đến thăm, trò chuyện với nhiều người dân trên địa bàn Đồn Biên phòng Nam Du đóng quân. Hầu hết bà con rất yên tâm bám biển, bám đảo làm ăn, sinh sống, không còn lo cách trở như những năm trước. Cũng không còn quá lo lắng về chuyện ốm đau, bệnh tật như trước, bởi ngoài việc thuận tiện đi lại với đất liền (hiện nay có tàu cao tốc đi và về mỗi ngày), còn có đội ngũ quân y Biên phòng, y tế xã có chuyên môn khá, khám bệnh với lòng nhiệt tình và rất ân cần.
Giờ đây, người dân xã đảo An Sơn đã quen dần với hình ảnh chiến sĩ Biên phòng khoác túi quân y đến các hộ gia đình khám bệnh cho con em mình. Và cái tên “Bác sĩ Biên phòng” đã quen dần với người dân mỗi khi bị ốm đau, bệnh tật.