Thức khuya và không ngủ đủ giấc. Một số nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa giấc ngủ kém chất lượng với kinh nguyệt không đều. Kinh nguyệt không đều có thể là một triệu chứng của vô sinh. Ngoài ra, một nghiên cứu nhỏ cho thấy tỷ lệ sẩy thai có xu hướng tăng cao ở những phụ nữ làm việc ca đêm, theo About.
Thói quen ngủ ít cũng có thể dẫn đến vấn đề cân nặng ở cả nam lẫn nữ. Trọng lượng không ổn định là yếu tố gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nữ giới; trong khi đó, béo phì được kết nối với tinh trùng yếu ở nam giới. Có rất nhiều lý do để thức khuya và bạn cần tìm ra lý do tại sao bạn thức khuya để học cách từ bỏ nó. Nếu vì một chương trình truyền hình yêu thích, hãy ghi lại và sau đó dành thời gian khác thích hợp hơn để xem.
Nếu thức khuya không phải là thói quen, nhưng vì bạn không thể ngủ, hãy nhanh chóng tìm cách điều trị. Mất ngủ có thể là một dấu hiệu của trầm cảm. Liệu pháp dùng tâm trí để giảm căng thẳng hay tìm đến bác sĩ tư vấn có thể giúp có được giấc ngủ tốt hơn.
Uống nhiều cà phê. Uống quá nhiều đồ uống chứa chất caffeine, như: cà phê, trà hoặc nước giải khát đều có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Một tách cà phê hoặc một ly trà không gây tổn hại đến khả năng sinh sản, nhưng nếu uống mỗi ngày nguy cơ sẽ tăng rất cao.
Một số nghiên cứu cho biết tiêu thụ hơn 300 mg caffeine mỗi ngày có thể làm giảm khả năng sinh sản và tăng nguy cơ sẩy thai. Hơn 300 mg tương đương 2 ly cà phê nhỏ hoặc 6 tách trà hay cola có chứa caffeine.
Uống cà phê cũng là tác nhân gây mất ngủ. Vì thế, đánh bại chứng mất ngủ đồng thời có tác dụng loại bỏ luôn thói quen nghiện caffeine. Nếu ngủ đủ giấc, nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi vào buổi chiều, nên tập thói quen ăn bữa trưa nhẹ (carbs ít hơn, protein và rau nhiều hơn) có thể giúp ngăn chặn cơn buồn ngủ vào buổi chiều. Một giấc ngủ ngắn từ 15 - 20 phút vào buổi trưa cũng có tác dụng tăng cường năng lượng cho cơ thể.
Tập thể dục không điều độ. Vận động quá sức hoặc lười vận động gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản. Tập thể dục tốt cho tim, phổi và hệ thống miễn dịch. Tập thể dục thường xuyên giúp duy trì trọng lượng khỏe mạnh, điều đó đồng nghĩa với việc tăng cường khả năng sinh sản.
Tuy nhiên, nếu rèn luyện quá khắt nghiệt có thể bị phản tác dụng. Đàn ông lẫn phụ nữ đều có thể bị giảm khả năng sinh sản nếu hoạt động quá sức, và đó là lý do tại sao các vận động viên thường đối mặt với vấn đề vô sinh.
Tập thể dục hơn 1 giờ/ngày hoặc hơn 7 giờ/tuần với cường độ cao, thật sự không tốt cho sức khỏe sinh sản, theo About. Tốt nhất, nên tập thể dục ít nhất 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Các môn thể dục tốt giúp tăng cường sức khỏe sinh sản gồm: đi bộ, yoga, bơi lội, hay các động tác thể dục nhịp điệu.
Ăn thực phẩm không lành mạnh. Ăn quá nhiều đồ ăn vặt có thể dẫn đến các vấn đề về cân nặng, mà cân nặng dẫn đến các vấn đề sinh sản. Ngoài ra, ăn nhiều đồ ăn vặt cùng một lúc khiến lượng đường trong máu tăng cao. Nhiều bằng chứng khoa học cũng đã chỉ ra mối liên kết giữa insulin gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Ăn quá nhiều thường do tinh thần chi phối. Vấn đề là sự thoải mái khi được ăn vặt chỉ kéo dài một thời điểm và sau đó nhanh chóng thay thế bằng cảm giác tội lỗi. Để đối phó với căng thẳng, hãy tìm những phương pháp lành mạnh khác thay vì tập trung vào thú vui ăn vặt.
Trì hoãn thời gian sinh con. Lần lữa sinh con có thể dẫn đến vô sinh. Khả năng sinh sản ở phụ nữ bắt đầu suy giảm vào độ tuổi 27 và tụt dốc sau tuổi 35; trong khi đó, đối với nam giới, khả năng sinh sản thường giảm sau 40 tuổi.
Ảnh hưởng của tuổi tác đến khả năng sinh sản là điều chắc chắn vì thế không nên trì hoãn việc có con khi đang ở vào thời điểm quý báu được đánh dấu trên đồng hồ sinh học. Nếu bạn 35 tuổi và đã cố gắng để thụ thai trong hơn một năm, hoặc hơn 6 tháng nhưng không thành công, nên nói chuyện với bác sĩ.
Uống nhiều thức uống chứa cồn. Một nghiên cứu được tiến hành thông qua việc đánh giá tinh dịch của nam giới có chứa cồn cho thấy chỉ có 12% lượng tinh trùng khỏe mạnh. Trong khi, tinh trùng khỏe mạnh ở tinh dịch không chứa cồn chiếm đến 37%.
Uống rượu vừa phải không gây tổn hại đến khả năng sinh sản, nhưng uống quá nhiều thì chắc chắn có. Trong một nghiên cứu khác, phụ nữ có thói quen uống từ 3 ly rượu hoặc nhiều hơn trong một tuần, khả năng thụ thai giảm đáng kể so với phụ nữ không uống thức uống có cồn, điều này đặc biệt đúng với những phụ nữ gặp khó khăn trong việc thụ thai. Một số nghiên cứu còn tìm thấy mối liên hệ giữa việc uống rượu thường xuyên và vô sinh.
Nếu bạn có thói quen uống một ly bia hay một ly rượu vang trong mỗi bữa ăn tối, đã đến lúc cần xem xét giảm xuống còn 1 đến 2 lần/tuần. Khi hạn chế bia rượu, vòng eo cũng sẽ cảm ơn bạn, vì đồ uống có cồn thường chứa nhiều calo.
Hút thuốc. Nhiều bằng chứng khoa học chỉ ra thuốc lá làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Ở phụ nữ, hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ các vấn đề với ống dẫn trứng, bao gồm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung; thay đổi cổ tử cung, bao gồm cả ung thư cổ tử cung; làm hỏng trứng và làm tăng nguy cơ sẩy thai.
Ở nam giới, hút thuốc lá làm giảm chất lượng tinh dịch, dẫn đến nồng độ hormone bất thường. Những thay đổi này không có khả năng gây vô sinh, nhưng nếu khả năng sinh sản của bạn có vấn đề, đây là tác nhân đẩy nhanh đến ranh giới vô sinh.
Ngoài ra, khói thuốc còn làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của đối tác. Một số nghiên cứu phát hiện ra khói thuốc lá làm giảm khả năng sinh sản ở nữ.
Quan hệ tình dục không an toàn. Không sử dụng bao cao su trong khi quan hệ tình dục với nhiều đối tác, bạn có nguy cơ đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) có thể dẫn đến vô sinh.
Trong thực tế, STDs là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh. Chlamydia và bệnh lậu, nếu không chữa trị, có thể dẫn đến bệnh viêm vùng chậu (PID). PID có thể gây vô sinh ở phụ nữ, thường là bằng cách làm tắt nghẽn ống dẫn trứng. Phụ nữ, có thể bị nhiễm trùng trong một thời gian dài mà không có bất kỳ triệu chứng. Và nhiễm trùng tàn phá hệ thống sinh sản của họ.
Một số STDs, bao gồm cả bệnh giang mai và herpes có thể gây nguy hiểm cho thai nhi hoặc em bé lúc mới sinh. Trong trường hợp xấu nhất, các bệnh STDs có thể dẫn đến sẩy thai.