Dập dìu “củng cố tình yêu”
Cái độc đáo của chợ tình Sa Pa là những chàng trai, cô gái H’Mông đến đây để tìm bạn tình. Con trai thổi khèn lá tìm bạn gái, nếu con gái ưng thì đến gần, con trai thổi tiếp, con gái thật ưng cái bụng thì con trai dắt con gái đi tâm sự ở ven sườn đồi hoặc một nơi nào đó. Ở đó chỉ có đất, trời và tình yêu họ dành cho nhau bằng những lời thề non hẹn biển.
Chị H’Chor, 27 tuổi, ở bản Nò Chảy cách chợ tình Sa Pa một ngày đường. Chị và chồng đi từ sáng sớm bằng ngựa và đến chợ từ 5 giờ chiều. Chị mang cả con gái 6 tháng tuổi theo. Nói tiếng Kinh khá sành sỏi, chị cho biết: “Đi chợ tình cũng là “củng cố tình yêu”. Cách đây 7 tháng, tao đã tìm thấy chồng ở chợ này. Phiên chợ nào, vợ chồng tao cũng đến đây cho vui, bán quần áo và túi xách thổ cẩm”.
Người H’Mông có phong tục rất lạ là khi con gái đã lấy chồng, cứ đến phiên chợ tình là vợ đưa chồng đến chợ. Chồng sẽ hòa vào những người bạn trai khác thổi khèn (chỉ thổi những bài dành cho người có vợ rồi) và uống rượu sán lùng. Người vợ múa hát (chỉ múa hát những bài dành cho người đã có chồng, và múa với những người đàn ông đã có vợ, không kể chồng mình). Khi người chồng uống rượu, người vợ ngồi bên rót rượu và khuyến khích chồng uống càng nhiều càng tốt, vì như thế mới chứng tỏ chồng mình nhiều bạn bè. Khi chồng uống say “không biết đường về”, người vợ bế chồng vắt lên lưng ngựa và đưa về nhà.
Nếu giữa đường chồng nôn mửa, người vợ đặt chồng xuống giữa đường và chăm sóc cho chồng, khi nào chồng tỉnh thì mới về nhà. Trước khi đi, người vợ chuẩn bị nhiều đồ như thịt lợn, gạo, ngô để đổi lấy rượu. Nếu dệt được quần áo thổ cẩm thì mang theo để đổi lấy bạc trắng.
Gặp một anh bộ đội ở chợ Sa Pa, tôi chủ động làm quen. Đó là binh nhất Giàng A Lẩu ở Trung đoàn M74, Sư đoàn B16, Quân khu 2. Lẩu đến chợ tình đem theo vợ là Châu Thị Chú, 19 tuổi. Lẩu cho biết, anh đã cưới vợ một năm rồi.
- Lẩu có thường hay đến chợ tình không?
- Không thường xuyên, vì đi bộ đội rồi không có thời gian như trước. Ở bộ đội, chiến sỹ không được uống rượu, đến chợ tình, mọi người uống rượu nhưng Lẩu cũng không uống đâu.
- Nhà Lẩu ở xa không?
- Nhà cách đây nửa ngày đường. Nghỉ phép được 8 ngày, đưa vợ đi chơi chợ 2 ngày mới về. Tôi mời Lẩu điếu thuốc Sa Pa, Lẩu từ chối: “Bộ đội không hút thuốc đâu, Lẩu bỏ rồi”. Còn chị vợ không biết tiếng Kinh, chỉ cười bẽn lẽn nép sau chồng.
Trai H’Mông thổi khèn tìm bạn. |
Chợ tình Sa Pa, thường thấy những cô gái H’Mông cầm vòng bằng thổ cẩm, nếu “ưng” người nào, sẽ chủ động buộc vào cổ tay người ấy. Người nào may mắn được buộc nghĩa là được làm người thân của gia đình. Nếu thiếu nữ buộc vào cổ tay con trai nghĩa là “Yêu nhau tôi buộc cổ tay, tôi dành trọn tình yêu cho anh, anh đừng đi theo người khác nữa”. Chiếc vòng ấy còn mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, nếu được thầy mo buộc cho ai thì không con ma nào làm tội người đó được.
Trước đây, chiếc vòng chỉ có mấy sợi chỉ xanh đỏ, nhưng nay họ làm to bản hơn. Chiếc vòng ấy, con gái H’Mông không chỉ tặng cho người mình yêu mà còn tặng cho cả khách du lịch nữa. Họ cho rằng, tặng cho khách du lịch, khách sẽ nhớ người H’Mông, khách sẽ đến chợ tình và mua đổ thổ cẩm của họ.
Du khách đến chợ tình Sa Pa không chỉ để xem con trai, con gái người H’Mông thổi khèn tìm bạn tình, múa hát mà còn để ngắm sương, mua hàng hóa thổ cẩm, ăn trứng gà nướng, lòng lợn nướng, bắp nướng nữa. Phiên chợ tình cũng là dịp để người H’Mông giao lưu văn hoá giữa các bản làng với nhau, để mua bán hàng hóa, trao đổi cung cách làm ăn, trồng lúa, trồng khoai, buôn bán.
Các cô gái H’Mông đến chợ Sa Pa chơi và mua sắm. |
Chợ tình bán đĩa “tươi mát”
Không thể phủ nhận những nét đẹp văn hóa độc đáo của chợ tình Sa Pa như “trai thổi khèn tìm bạn, gái múa ô xòe theo sau, ưng nhau thì nắm cổ tay trao vòng, thưa chuyện”, nhưng cũng thật thất vọng khi những chàng trai, cô gái tỏ thái độ khó chịu, lẩm bẩm chửi và ngửa tay đòi xin tiền, thậm chí họ còn quay lưng lại khi chúng tôi đưa máy ảnh lên “xin một kiểu làm kỷ niệm”.
Lò Văn Ban, một thanh niên ở cạnh Nhà thờ đá Sa Pa cho biết: “Trước đây không có chuyện xin tiền khách du lịch đâu. Có lần, một ông Tây xin chụp ảnh rồi cho tiền một cô gái, thế là chuyện đó lan ra. Bây giờ, không chỉ con gái xin tiền, mà ngay cả con trai cũng xin tiền du khách. Những người xin tiền chủ yếu sống tại thị trấn Sa Pa này, dân ở bản làng khác tới họ không biết xin tiền”.
Một việc khác, hàng rong bày bán công khai tú lơ khơ có xuất xứ từ Trung Quốc có hình thiếu nữ khỏa thân, hoặc nam nữ gợi tình ngay trước cổng Nhà thờ đá. Chúng tôi hỏi mua một bộ bài có hình “mát mẻ”, một chị nói tiếng Kinh khá sõi đưa liền 2 bộ. Chị còn lấy từ trong túi xách ra 3 bộ bài khác đủ loại “Âu, Á”. “Loại nào cũng có. Mua đi, tôi bán rẻ thôi. Chỉ 20 ngàn một bộ, tha hồ mà xem”. Chị bán hàng còn gạ chúng tôi: “Có cả đĩa tươi mát nữa đấy, 10 ngàn một đĩa, mua không?”.
Một tiêu cực khác đang nảy sinh ở chợ tình Sa Pa này là nạn đánh bài ăn tiền trên đường phố. Ngay cạnh những đôi trai gái say sưa thổi khèn, múa ô, xòe là những chiếu bài ăn tiền, tổ tôm, xóc đĩa. Những người chơi bài, xóc đĩa chủ yếu là người H’Mông, và dân địa phương. Theo những người dân ở đây cho biết, hiện tượng này đã xuất hiện từ lâu, nhưng chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.
Bên cạnh nét đẹp văn hóa của tập tục, ăn mặc, ngôn ngữ, núi rừng, sơn thủy hữu tình, chợ tình Sa Pa đang nảy sinh nhiều tiêu cực. Chỉ nguyên việc cho tiền mới được chụp ảnh, đánh bài sát phạt nhau, bày bán bài có hình khiêu dâm… cũng phần nào đang đánh mất dần bản sắc của một thị trấn Sa Pa mộng mơ, vốn lấy sự hiếu khách làm nền tảng để thu hút khách du lịch thập phương. Để Sa Pa đẹp mãi, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có đợt kiểm tra, loại bỏ những tiêu cực đang tồn tại hiện nay.