Biểu tượng bất tử của lòng quả cảm
Vì đã biết trước Trung Quốc chuẩn bị đánh chiếm 3 bãi đá Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma nên trong các ngày từ 13 đến 14/3/1988 các đơn vị của ta được lệnh đóng giữ các bãi trên.
Trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, bị đánh trả, quân Trung Quốc rút ra xa, xả đạn pháo và các loại súng vào các tàu và quân ta đang đóng ở trên bãi Gạc Ma. Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 và Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ604 chỉ huy bộ đội sử dụng các loại súng AK, RPĐ, B40, B41 bắn trả quyết liệt. Bị trúng nhiều đạn pháo địch, tàu HQ-604 chìm xuống biển…
Trung tá Trần Đức Thông, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thiếu úy Trần Văn Phương và nhiều đồng đội hy sinh, trong khi 9 người khác bị quân Trung Quốc bắt. Một số người còn sống đi tìm vớt đồng đội hy sinh và bị thương, đưa lên xuồng của công binh rồi bơi về phía tàu HQ-505 ở bãi Cô Lin.
Tại đảo Cô Lin, 6 giờ ngày 14/3/1988, tàu HQ-505 đã cắm hai lá cờ lên đảo. Khi tàu HQ-604 của ta bị chìm, Thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo ủi bãi. Phát hiện thấy ta cơ động lên bãi, hai tàu của Trung Quốc quay sang tiến công tàu HQ-505. Bất chấp hiểm nguy, tàu HQ-505 chạy hết tốc độ, trườn lên được hai phần ba thân tàu thì bốc cháy.
Đến 8h15 ngày 14/3, bộ đội trên tàu HQ-505 vừa tiến hành dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu vớt cán bộ, chiến sĩ của tàu HQ-604 vừa bị Trung Quốc đánh chìm. Cán bộ, chiến sĩ của Tàu HQ-505 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở đảo Cô Lin. Cho đến nay, là cờ đỏ sao vàng của Việt Nam vẫn phấp phới tung bay trên đảo Cô Lin.
Đại tá, cựu Thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ nhớ lại: “Khi ấy, tàu HQ-505 trúng đạn đã nghiêng, tôi thoáng nghĩ, nếu để tàu chìm thì chẳng những mất đảo mà chiến sĩ cũng hy sinh hết. Vì vậy, tôi phát lệnh bằng mọi giá lao tàu lên đảo”. Đó là quyết định trọng đại nhất đời binh nghiệp của ông Lễ. Hình ảnh con tàu HQ-505 lao mình lên đảo Cô Lin, biến thành bệ pháo, thành một “chiến hạm không thể đánh chìm” đã và mãi mãi trở thành một biểu tượng của lòng quả cảm. Sau đó, 12 chiến sĩ từ chối rời khỏi xác tàu HQ-505 về đất liền, xung phong ở lại giữ tàu, giữ đảo.
Ngay khi giữ được Cô Lin, Thuyền trưởng Lễ quyết định hạ xuồng cứu sinh chạy sang Gạc Ma, cách đó chừng 4 hải lý để cứu đồng đội, trong khi đạn súng Trung Quốc vẫn tứ bề không ngừng nổ. Và 44 người, cả thương binh lẫn liệt sĩ đã được vớt đưa về tàu HQ-505.
Tại bãi Len Đao, rạng sáng 14/3/1988 một tổ hải quân từ tàu HQ-605 đã lên bãi cạn, cắm cờ Việt Nam. Khoảng 8 giờ sáng 14/3/1988, các tàu Trung Quốc nã đạn vào tàu HQ-605, đến sáng ngày 15/3/1988 thì tàu chìm hẳn.
Trung úy Phan Hữu Doan, Thuyền phó tàu HQ-605 và 5 người khác hy sinh. Nhưng quân ta vẫn bám trụ, quốc kỳ Việt Nam vẫn tung bay trên bãi Len Đao. Chiều 14/3, khi tàu HQ-614 tới, lực lượng trên tàu HQ-605 dùng xuồng đưa thương binh, tử sĩ về đảo Sinh Tồn.
Chiều 14/3/1988, các tàu HQ-931, HQ-671, HQ-614 lần lượt tới tiếp ứng, bảo vệ bãi Len Đao và bãi Cô Lin. 64 người lính bảo vệ đảo Gạc Ma đã gác lại bao ước mơ, hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu của các anh lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ.
Những ngày tháng Ba này, Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma lại đón hàng nghìn người đến viếng thăm. Từ đây nhìn về phía biển, những người con đất Việt lại thầm nhắn gửi lời tri ân tới những con người quả cảm, những con người đã anh dũng hy sinh cả tuổi trẻ và tính mạng của mình vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
34 năm đi qua, sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những con người quả cảm mà sự hy sinh của họ được dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc. Tinh thần chiến đấu của các anh là một nốt son trong lịch sử dân tộc mà thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc cốt ghi tâm…
Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma - biểu tượng của tinh thần chiến đấu bất tử của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. |
Những người nằm lại phía chân trời
Về việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh trên tàu HQ-604, báo cáo của Bộ Tư lệnh Hải Quân ghi: “Ngày 10/8/2008, tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNG96219TS khi đánh bắt trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma đã phát hiện một chiếc tàu quân sự bị chìm ở độ sâu 21 mét nước, cách đảo Cô Lin 3,7 hải lý và cách đảo Gạc Ma của ta đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép chừng 1 hải lý.
Cùng thời điểm này, tàu Thành Công 07 (là tàu chuyên đi lặn tìm phế liệu sắt thép từ các tàu bị đắm) cũng đang có mặt ở khu vực này. Nhận định đây là tàu HQ-604 bị chìm trong trận chiến ngày 14/3/1988 nên chỉ huy Quân chủng quyết định trước mắt nhờ anh em trên tàu Thành Công lặn thăm dò.
Chiều 10/8/2008, Thuyền trưởng tàu Thành Công 07 lên đảo Cô Lin báo cáo hiện trạng con tàu chìm có chiều dài khoảng 45m, rộng 7,5m, cao 6,5m. Tàu có hai khoang, giữa hai khoang có một trụ cẩu, tàu có 3 máy, máy lớn có 6 lốc, hai máy nhỏ mỗi máy 4 lốc. Kiểm tra sơ bộ một khoang thấy có 6 xương ống chân và nhiều xương vụn.
Trước mắt, anh em trên tàu Thành Công 07 đã thu gom và bàn giao cho đảo gồm: súng B41: 1 khẩu; đạn B41: 3 quả; cuốc chim: 1 cái. Dép nhựa trắng Tiền Phong Hải Phòng: 2 chiếc. Trên dép có ghi “Triển lãm thành tựu kinh tế Việt Nam - huy chương vàng - dép nhựa Tiền Phong Hải Phòng”, cùng với các số hiệu quân tư trang khác đã chứng tỏ đây chính là tàu HQ-604 do Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy”.
Sáng 11/8, anh em tiếp tục lặn tìm và quy tập hài cốt các liệt sĩ trong tàu HQ-604. Cửa vào khoang tàu rất hẹp, hai anh Ngọc, Hợp chờ bên ngoài, thợ lặn Phạm Vinh (ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) lặn vào trong và chuyền di vật tìm được ra để xếp vào bao. Di cốt được anh em gom vào một bao “xác rắn” và buộc lại. Đến bao thứ hai, hai anh Ngọc và Hợp ở bên ngoài cửa khoang thấy anh Vinh lâu chuyển thêm bao di cốt ra, nghĩ là anh Vinh đang mải lặn tìm.
Sốt ruột, hai anh Ngọc và Hợp chui lách vào khoang tàu thì thấy anh Vinh đã không còn ngậm ống thở, đầu ngoẹo qua một bên. Cả hai lập tức buộc anh Vinh vào dây và cùng đẩy lên rồi cho tàu tức tốc lao về đảo Cô Lin để cấp cứu cho anh Vinh nhưng không kịp nữa. Thợ lặn Phạm Vinh được xác định bị nhồi máu cơ tim.
Những hài cốt liệt sĩ được quy tập lên từ con tàu HQ-604 được đưa đi xét nghiệm AND. Sau khi đối chiếu với mẫu AND của thân nhân 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến 14/3/1988 và xác định danh tính được 8 liệt sĩ.
Tàu HQ-605 chìm dưới gần 40m nước do tàu cứu hộ Đại Lãnh thực hiện. Thợ lặn Nguyễn Trọng Tâm là một trong số ít thợ lặn (chỉ đếm trên đầu ngón tay) có thể lặn quá giới hạn (39,5m nước) tham gia lặn tìm hài cốt trên tàu HQ-605. Cùng với ông Nguyễn Trọng Tâm còn có 2 người thợ lặn nữa chịu trách nhiệm giữ dây lặn và bơi quanh thân tàu rà vết pháo. Riêng ông Nguyễn Trọng Tâm mang theo camera Sony nối với đường tín hiệu truyền lên màn hình trên boong. Những bức ảnh chụp chiếc HQ-605 chìm nghiêng 90 độ, trên mạn phải tàu có hai lỗ đạn pháo to bằng cả thân người. Trong con tàu không có hài cốt. “Hồ sơ hôm đó chúng tôi buộc lòng ghi: Không tìm thấy hài cốt”, ông Tâm nhớ lại.
Còn với tàu HQ-505, do khi ấy còn là “công sự” cho đảo Cô Lin, nên tàu Đại Lãnh không lai dắt về. Nhiều năm sau, việc cứu hộ tàu HQ-505 đã không thành công. Trên đường lai dắt HQ-505 về đất liền, tàu gặp bão và bị sóng đánh chìm. Đến nay, cả 3 con tàu huyền thoại vẫn chìm dưới biển.
Với chiến công oanh liệt, tàu HQ-505 vinh dự được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Các đồng chí Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh, Trần Văn Phương được truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Hàng chục tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các loại.