Những vướng mắc trong việc triển khai dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -"Việc xét duyệt các đối tượng đủ điều kiện được hưởng chính sách; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án; đối tượng được hưởng thụ; cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án", đó là những vấn đề khó khăn, vướng mắc mà UBND tỉnh Bắc Giang đặt ra.
Hình ảnh minh họa.
Hình ảnh minh họa.

Mới đây, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Tại Hội nghị, UBND nhân tỉnh Bắc Giang đã đưa ra 4 vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Đề án này, cần được hướng dẫn tháo gỡ như:

Thứ nhất, về việc xét duyệt các đối tượng đủ điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội:

Tại điều 20 nghị định số 100/2015/NĐ-CP; được sửa đổi bổ sung bởi điểm b, khoản 13, Điều 1 Nghị định số 49/2021 quy định: ‘Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm gửi danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên ( theo quy tắc quy định tại Điều 23 Nghị định này) về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra nhằm xác định đúng đối tượng được hỗ trợ và loại trừ được người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần hoặc đã có nhà ở, đất ở; đã được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở; có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân tại địa phương…’

Quy định nêu trên hiện nay rất bất cập trong việc triển khai thực hiện tại các địa phương. Tiêu chí không có nhà ở, đất ở không rõ được thực hiện tại nơi có dự án, địa bàn huyện nơi đối tượng thường trú, tạm trú hay trên địa bàn toàn tỉnh, cả nước. Dẫn tới cách triển khai của các địa phương khác nhau, không thống nhất.

Bên cạnh đó, việc rà soát để xem các đối tượng để xem có nhà ở, đất ở hay chưa trong giai đoạn này còn nhiều bất cập, như: sổ đỏ thường cấp cho hộ gia đình trong đó có bố mẹ và đối tượng đăng kí mua nhà ( hiện nay nếu không có nhà ở thì không thể tách hộ theo Luật cư trú ). Vậy bố mẹ đã có sổ đỏ nhà ở đất ở của hộ gia đình thì đối tượng đó có được coi là chưa có đất ở hay nhà ở không; dữ liệu về đất đai của các địa phương chưa hoàn thiện nên thời gian để kiểm tra và xác minh về nhà ở, đất ở thường không đảm bảo theo quy định, đối tượng đăng kí mua có dữ liệu về thuế ngoài tỉnh sẽ rất khó khăn trong việc kiểm tra, xác minh… ngoài ra, mặc dù các đối tượng đã có nhà ở, có đất ở nhưng ở quê, đi làm tại khu công nghiệp ở xa muốn thuê hoặc muốn mua nhà để ổn định lao động lại không được mua, thuê mua ( trên địa bàn tỉnh Bắc Giang khi rà soát có công nhân làm việc cách 80km đã có nhà, đất ở quê nên không mua được nhà ở xã hội mặc dù đang rất cần).

Thứ hai, về hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kĩ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội:

Theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 58 của Luật nhà ở năm 2014: Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội: “Được ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này”.

Và theo quy định tại điểm b, khoản 8, Điều 1, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính Phủ: Chủ đầu tư dự án được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kĩ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 58 của Luật nhà ở. Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kĩ thuật.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc xác định hỗ trợ ‘"một phần kinh phí’ là như thế nào, triển khai thực hiện ra sao là chưa có quy định cụ thể, gây khó khăn cho các địa phương khi áp dụng chính sách.

Thứ ba: về đối tượng được hưởng thụ dự án nhà ở xã hội :

Nhóm đối tượng là người có nhu cầu thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn không được mua/thuê/thuê mua nhà ở xã hội: Theo quy định tại Điều 49, 50, 51 Luật nhà ở năm 2014, nhóm đối tượng ‘hộ gia đình có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn’ chỉ được hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu về nhà ở mà không được mua/thuê/thuê mua nhà ở tại các khu vực dự án nhà ở xã hội. Đây là nội dung bất cập đối với các địa phương mà khu vực nông thôn còn nhiều như trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Không cho các doanh nghiệp, hợp tác xã mua/thuê/thuê nhà ở xã hội để cho công nhân mình thuê lại.

Khoản 2 Điều 53 Luật nhà ở năm 2014 xác định hình thức ‘doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn mua, thuê nhà ở để cho người lao động trong doanh nghiệp mình thuê’ là một hình thức phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trong quy định của Luật nhà ở và các Nghị Định của chính phủ không có hành lang pháp lý cho hình thức phát triển nhà ở xã hội này. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay, nhiều doanh nghiệp ( đặc biệt là các doanh nghiệp FDI ) có nhu cầu thuê/ mua nhà ở cho công nhân của mình ở nhằm mục tiêu tăng cường kỷ luật, tập trung quản lý, phòng tránh tệ nạn xã hội và dịch bệnh là rất lớn, và đặc biệt nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, với khung pháp lý hiện hành, việc đó chưa thể triển khai thực hiện.

Thứ tư, về cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội:

- Việc 20% diện tích sàn nhà ở của dự án để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại.

Theo quy định của điểm b,c, Khoản 1, Điều 9 Nghị Định số 100/2021/NĐ-CP của Chính Phủ, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội hoặc được dành 20% diện tích sàn nhà ở của dự án để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP không còn quy định về cơ chế ưu đãi về 20% diện tích sàn ( chỉ dành 20% tổng diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại).

Việc Nghị Định số 49/2021/NĐ-CP không cho phép Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được dành 20% diện tích sàn nhà ở của dự án để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại làm cho các dự án nhà ở xã hội không được bố trí sàn thương mại dịch vụ làm ảnh hưởng đến người mua ở xã hội không được tiếp cận các tiện ích, dịch vụ thương mại ngay tại tòa nhà đồng thời rất khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Từ năm 2011, đến nay Bắc Giang có 14 dự án nhà ở xã hội đã có chủ trương đầu tư và đang triển khai xây dựng. Số nhà ở xã hội dành cho công nhân là 11 dự án, số dự án dành cho người thu nhập thấp là 3 dự án. Mục tiêu giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Bắc Giang thu hút đầu tư xây dựng hoàn thành 14 dự án (09 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân và 05 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Giai đoạn 2026- 2030, dự kiến triển khai thêm 22 dự án (10 dự án dành cho công nhân và 12 dự án dành cho người thu nhập thấp).

Đọc thêm