Những “xác sống” ôm điện thoại chiếm lĩnh Seoul

(PLO) - Đường phố thủ đô Seoul của Hàn Quốc hiện nay tràn ngập những người được ví như những xác sống ôm điện thoại: họ lang thang trên những vỉa hè hay những đại lộ rộng lớn nhưng dường như không biết gì về xung quanh, chỉ chăm chăm xem tin nhắn hay thông báo mới nhất trên điện thoại của mình.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo CNN, ở một trong những đất nước sử dụng nhiều điện thoại nhất thế giới, với khoảng hơn 80% dân số sở hữu điện thoại thông minh, cảnh tượng trên có thể bắt gặp ở bất cứ tuyến phố nào của Hàn Quốc.

“Tôi đã suýt bị ô tô đâm trúng khi vừa sang đường vừa dùng điện thoại. Tôi không nghĩ việc đó lại kinh khủng như vậy nên cứ vừa đi vừa nhắn tin. Có thể tôi đã không nhận ra được mức độ nguy hiểm của việc này” – cô Shin Ji-won, 24 tuổi, kể lại. 

Chính quyền Seoul cho biết số tai nạn giao thông có liên quan đến điện thoại di động ở thành phố này đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua. Ông Kang Jin-Dong – người đứng đầu cơ quan điều phối giao thông vận tải Seoul – cho biết dữ liệu không nêu cụ thể có bao nhiêu tai nạn cũng như mức độ nghiêm trọng của chấn thương mà những người đi bộ đã gặp phải nhưng ông khẳng định con số đủ lớn đến mức chính quyền phải có những biện pháp để tăng cường ý thức cho người dân khi tham gia giao thông.

Tại 5 trong số những khu vực có nhiều người đi bộ nhất của thành phố này hiện đều có những biển báo mới được đặt ở bên đường với những khẩu hiệu cảnh báo người đi bộ như: “Hãy cẩn thận điện thoại di động khi đi bộ” hay “Đi bộ an toàn”. Song, ông Kang thừa nhận dự án đã được thực hiện trong vòng 6 tháng, tiêu tốn 33.000 USD này mới chỉ đưa đến những hiệu quả bước đầu. 

Ví dụ, hầu hết mọi người dường như đều không chú ý tới biển cảnh báo ở một điểm sang đường gần Tòa thị chính Seoul, đặc biệt là khi họ đang bận rộn với việc chú ý vào màn hình điện thoại. “Có lẽ những tấm biển phải được làm lớn hơn để thu hút sự chú ý hơn” - anh Kim Young-il, một người thường xuyên vừa đi vừa nhắn tin, nhận xét và cho biết sẽ không từ bỏ thói quen của mình. 

Bà Hyun-Seob Cho – một nhà tâm lý học và là giáo sư về bộ môn cai nghiện tại trường Đại học Chongshin – cho biết một nghiên cứu gần đây cho thấy có khoảng 15% người sử dụng điện thoại ở Hàn Quốc hiện đã bị nghiện thiết bị này. Bà Cho cũng cho rằng những rắc rối của việc nghiện điện thoại di động không dễ để khắc phục.

Điều này đã được cô Shin Ji-won – một nữ y tá - xác nhận. “Tôi nghĩ tôi là một xác sống ôm điện thoại di động và biết được rằng mình cần phải thay đổi. Nhưng tôi cảm thấy rất khó khăn khi phải rời tay khỏi điện thoại”. 

Seoul không phải là thành phố đầu tiên trên thế giới phải đau đầu xử lý vấn nạn người đi bộ không chú tâm khi sang đường. Tại thành phố Augsburg của Đức cũng đã phải gắn một loạt các biển cảnh báo bằng đèn LED nhấp nháy để cảnh báo người đi đường chú ý xung quanh.

Năm 2014 một công viên ở Trùng Khánh, Trung Quốc phải “phân làn” cho người đi bộ không sử dụng điện thoại và người có sử dụng điện thoại trên vỉa hè rộng 30m, nhưng vẫn không thể hạn chế được hết nguy cơ đối với người đi đường không chú ý.

Còn thị trấn nhỏ Rexburg, bang Idaho, Mỹ năm 2011 đã phải thông qua luật, theo đó áp mức phạt 50 USD với những người nhắn tin khi sang đường hòng răn đe những người vi phạm. 

Đọc thêm