Con tàu quá tải
Tàu Dona Paz đóng năm vào 1963 bởi Onomichi Zosen ở Onomichi, Hiroshima, Nhật Bản, có tên gốc là Himeyuri Maru. Trong thời gian vận hành như một tàu du lịch đến vùng biển Nhật Bản, nó chỉ có sức chứa 608 người. Đến năm 1975, tàu được bán cho Sulpicio Lines, một công ty hàng hải Philippines có một đội tàu phà chở hành khách. Tàu được công ty Sulpicio Lines đặt tên lại là Don Sulpici.
Vào đêm 20/12/1987, con tàu Dona Paz với trọng lượng 2.250 tấn đã lên đường khởi hành từ thành phố Tacloban, đảo Leyte để tới Manila thủ đô Philippines, mang theo những hành khách cố gắng vượt biển để về nhà trong ngày lễ Giáng sinh.
Theo thống kê trong danh sách ban đầu mà công ty Sulpicio Lines đưa ra, trên tàu lúc đó có khoảng 1,493 hành khách và 53 nhân viên thủy thủ đoàn trên tàu và số lượng người này đã vượt quá mức quy định mà theo công ty này thì tàu có sức chở 1.424 hành khách.
Đến ngày 23/12/1987, một bản danh sách khác đã sửa lại cho biết, có 1.583 hành khách và 58 nhân viên thủy thủ đoàn trên tàu Dona Paz, trong đó 675 người lên tàu ở thành phố Tacloban, còn 908 người lên tàu từ thành phố Catbalogan.
Tuy nhiên, con số này vẫn chưa chính xác. Một viên chức giấu tên của Công ty Sulpicio Lines cho hay, tại thời điểm đó các vé phụ thường được bán bất hợp pháp ở trên tàu với giá rẻ hơn vì đang trong mùa Giáng sinh ai cũng háo hức được trở về nhà và những hành khách mua loại vé trên không có tên trong danh sách chính thức.
Viên chức này còn nói thêm rằng, những người có vé biếu và những trẻ em dưới 4 tuổi không phải mua vé cũng không có tên trên danh sách. Do đó, trên thực tế, số lượng người mà con tàu chở phải hơn 4.000 người, nhiều gấp hơn 2 lần so với số thống kê ban đầu.
Ngày đen tối
Vào khoảng 22h30, tàu đã di chuyển đến Dumali Point, dọc theo Eo biển Tablas, gần Marinduque. Trong khi các hành khách đang chìm vào giấc ngủ thì tàu Dona Paz đụng phải tàu chở dầu Vector tạo thành một vụ nổ kinh hoàng.
Vector là một tàu chở dầu trên tuyến đường từ Bataan tới Masbate với 13 thành viên thủy thủ đoàn. Tàu Vector lúc đó với trọng lượng 629 tấn, chở khoảng 9.000 thùng dầu cùng các sản phẩm dầu lửa khác do hãng Caltex Philippines sở hữu.
Ngay sau khi va chạm, hàng hóa của tàu Vector bốc cháy, gây ra một trận hỏa hoạn lan sang tàu Dona Paz. Hàng ngàn thùng dầu trên tàu Vector bị vỡ và nhanh chóng lan ra khắp nơi, tạo điều kiện cho ngọn lửa cứ thế bùng cháy lớn trên cả một vùng biển rộng.
Những hành khách trên tàu bắt đầu thức tỉnh và hoảng loạn trước khung cảnh kinh hoàng, trẻ em và phụ nữ kêu gào thảm thiết trong sợ hãi. Có những người đang ngủ thì bị lửa lan ra, cuốn vào người và thiêu cháy mà không có cách nào chạy thoát được.
Hàng trăm người nhảy xuống biển mong có cơ hội sống sót nhưng cũng không thoát khỏi bàn tay tử thần, bởi dưới nước cũng phủ toàn dầu và ngọn lửa nhanh chóng lan theo, thiêu cháy cả những người nhảy xuống biển...
Những nạn nhân được tìm thấy trong thảm họa chìm tàu Dona Paz. |
Cuối cùng, trong khoảng hơn 4.000 người chỉ còn 24 người của tàu Dona Paz và 2 thuyền viên của tàu Vector may mắn sống sót nhưng cũng bị thương và bỏng nặng. Theo lời nói của những người sống sót, không có áo phao trên Dona Paz khi tai nạn xảy ra và không ai trong số thủy thủ đoàn ra một lệnh nào. Sau này nghe nói là các tủ chứa áo phao cứu đắm bị khóa lại.
Người sống sót đã bị buộc phải nhảy xuống biển và bơi giữa các thi thể cháy đen. Tàu Dona Paz đã chìm trong khoảng 2 giờ sau khi va chạm, còn tàu chở dầu Vector thì chìm trong vòng 4 giờ. Cả 2 tàu đều chìm ở độ sâu khoảng 545 mét ở eo biển Tablas lúc nhúc cá mập.
Theo lời kể của ông Zosimo De la Rama một trong 24 người còn sống sót sau thảm họa thì đó là thời khắc kinh hoàng nhất cuộc đời mình. “Bất cứ khi nào tôi nhìn thấy những vết sẹo trên cơ thể của tôi, tôi không thể không nhớ lại thảm kịch ấy, có lẽ đó là cái ngày đen tối nhất cuộc đời tôi.
Cho đến giờ phút này tôi vẫn cảm thấy đau đớn, hoảng sợ khi nhớ đến việc phải cố gắng bơi qua hàng trăm xác người cháy đen và chịu đựng trong nhiều giờ trên biển trong sợ hãi để tìm lấy sự sống. Tôi cũng đã nghĩ đó ngày cuối cùng của cuộc đời mình, nhưng cận kề với cái chết tôi tin rằng Chúa sẽ ở bên cứu rỗi ngay cả khi đó là địa ngục”.
Ông De la Rama kể lại, tại thời điểm đó ông khoảng 21 tuổi, đã cùng với người chị dâu của mình là Sally Alipio lên tàu, tên của ông và chị dâu không hề có tên trong danh sách thống kê của con tàu vì họ lên tàu vào giây phút cuối cùng bằng vé không hợp pháp.
Khi tại nạn xảy ra, toàn bộ con tàu bị bao trùm bởi lửa, người ta giẫm đạp lên nhau tìm cách thoát khỏi đám cháy. Nhiều người không biết phải làm gì ngoài việc kêu cứu và cầu nguyện chúa trời. Ông đã vô cùng hoảng loạn khi nhìn thấy toàn bộ vùng biển quanh ông đều bốc cháy, nhưng ông không muốn chết cháy hay chết chìm cùng với con tàu mà quyết định nhảy xuống biển để tìm lối thoát. Ông đã bám được vào một khúc gỗ và chờ đợi trong suốt 8 tiếng đồng hồ để được cứu.
Đáng nói, công tác cứu hộ cứu nạn tại thời điểm đó cũng hoạt động vô cùng yếu kém. Được biết sau khi con tàu chìm được khoảng 8 tiếng, chính quyền địa phương mới biết đến vụ tai nạn thảm khốc này và phải mất thêm 8 tiếng sau nữa mới tổ chức hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Lực lượng cứu hộ chỉ tìm thấy 108 thi thể, nhiều người trong số họ bị cháy đến mức không còn nhận ra. Nhiều thi thể khác làm mồi cho cá mập hoặc sau đó đã dạt vào bờ biển gần đó và được người dân địa phương mang về chôn cất.
Chủ quan và thiếu kinh nghiệm?
Thời tiết không phải là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này, bởi hôm đó thời tiết vô cùng đẹp, biển lặng và con tàu đi với tốc độ ổn định. Theo dự kiến, nếu như không gặp vấn đề gì thì con tàu sẽ cập bến Milana vào sáng sớm.
Tuy nhiên, theo cuộc điều tra ban đầu do Lực lượng tuần duyên Philippines thực hiện, thì lúc xảy ra tai nạn chỉ có một nhân viên học nghề của thủy thủ đoàn tàu Dona Paz theo dõi ở trên đài chỉ huy của tàu. Các sĩ quan khác đang uống bia hoặc đang xem truyền hình, còn thuyền trưởng của con tàu lúc đó cũng đang xem một bộ phim trong cabin của mình.
Tai nạn xảy ra hoàn toàn là do lỗi chủ quan và thiếu kinh nghiệm xử lý của các thủy thủ trên tàu. Không những thế, con tàu Vector cũng có vấn đề khi hoạt động không có giấy phép mà chỉ hoạt động chui, các thủy thủ và thuyền trưởng cũng không đủ tiêu chuẩn để vận hành một con tàu.
Vụ tai nạn này một lần nữa phơi bày lỗ hổng lớn trong ngành công nghiệp hàng hải của Philippines. Nó cho thấy các quan quan chức địa phương đã tham nhũng và thường xuyên nhận hối lộ và cho phép nhiều con tàu chở quá số lượng quy định.
3 ngày sau vụ thảm họa, công ty Sulpicio Lines đã loan báo là tàu Dona Paz được bảo hiểm 25 triệu peso Philippines (khoảng 1 triệu dollar Mỹ năm 2011), và công ty sẽ bồi thường cho những người sống sót mỗi nạn nhân 20.000 peso Philippines.
Những ngày sau đó, hàng trăm thân nhân các gia đình nạn nhân đã tụ tập biểu tình tại công viên Rizal đòi các chủ tàu cũng phải bồi thường cho các gia đình những nạn nhân không có tên trong danh sách hành khách chính thức, cũng như phải làm bản báo cáo đầy đủ những người bị mất tích.
Sau đó, một phần lỗi cũng do phía tàu Vector, do đó ban điều tra hàng hải cuối cùng đã xóa lỗi của công ty Sulpicio Lines trong vụ tai nạn này. Năm 1999, Tòa án tối cao Philippines phán quyết là chủ tàu chở dầu Vector cũng phải có trách nhiệm phải bồi thường cho các nạn nhân của vụ va chạm tàu nà.
Đặc biệt, Tòa cũng ra phán quyết rằng, các gia đình của những nạn nhân không có tên trong danh sách hành khách chính thức cũng đều được bồi thường.