Và truyền thông xứ sở Kim chi còn gọi những người trẻ không giống ai ấy là những “xác sống”. Bởi những “xác sống” ấy không chỉ khóc lóc, gào thét mà sẵn sàng lao vào động chạm cơ thể, giật tóc, xé quần áo, thậm chí cào cấu vào mặt, chân tay của thần tượng mình khiến các “sao” Hàn “kinh hồn, bạt vía”…
Bỏ show vì… hãi hùng
Việc cả “biển” fan Việt tại TP.HCM chen lấn chờ gặp thần tượng Ji Chang Wook khiến anh sợ hãi hủy show, bỏ về Hàn Quốc ngày 10/9/2019 đã dấy lên hồi chuông về hành vi mất kiểm soát của một bộ phận trẻ. Theo đúng lịch trình, tối 10/9, nam diễn viên Hàn Quốc Ji Chang Wook tham dự sự kiện tại TP.HCM. Tuy nhiên, ngay từ sớm, con đường diễn ra sự kiện đã có hàng nghìn người hâm mộ vây kín khu vực tạo thành khung cảnh hỗn loạn.
Cuối cùng, sự kiện bị hủy vì lí do an toàn cho người dân. Đồng thời, ban tổ chức cũng thông báo Ji Chang Wook đang lên đường ra sân bay về thẳng Hàn Quốc để giảm áp lực trước đám đông náo loạn. Ji Chang Wook chia sẻ, anh rất buồn khi sự kiện bị hủy vì lý do an toàn. Đây là lần thứ 2 anh phải hủy show tại Việt Nam.
Khi ban tổ chức thông báo sự kiện bị hủy bỏ, nhiều người trở nên quá khích và phẫn nộ, liên tục hò hét, xô đẩy, tạo ra một cảnh tượng nhốn nháo chưa từng có. Để bảo đảm trật tự và giải tán đám đông, lực lượng an ninh đã phải dùng đến bình cứu hỏa, thậm chí đã dùng chích điện để giải tỏa. Công an cũng phải dùng biện pháp mạnh để trấn áp đám đông, nhằm bảo đảm giao thông cho người đi đường.
Không phải ngẫu nhiên Ji Chang Wook vội vã “bỏ của chạy lấy người”. Đau lòng hơn, truyền thông xứ sở Kim chi còn gọi những fan cuồng Việt là những “xác sống”. Theo truyền thông xứ bạn, những “xác sống” ấy không chỉ khóc lóc, gào thét mà sẵn sàng lao vào động chạm cơ thể, giật tóc, xé quần áo, thậm chí cào cấu vào mặt, chân tay của thần tượng mình khiến các sao Hàn “kinh hồn, bạt vía”.
Tháng 10 năm 2015, một nhóm thần tượng nam Hàn Quốc đã có một buổi gặp mặt người hâm mộ “nhớ đời”. Một fan nữ vừa nhận được chữ ký từ thành viên này thì bỗng nhiên ngay lập tức ném album vào mặt thành viên khác một cách thô bạo khiến tất cả không khỏi choáng váng.
Kinh hoàng nhất phải kể đến buổi biểu diễn của nhóm Super Junior tại MTV Exit Vietnam ở Hà Nội cách đây vài năm. Hàng nghìn người tìm mọi cách để tiến gần hơn đến sân khấu, dù phải chen lấn, giẫm đạp lên nhau, kết quả là hàng chục fan Việt ngất xỉu sau buổi diễn do thiếu ô-xy và quá mệt. Rất nhiều người khác cũng bị bầm tím vì chen chúc. Ðỉnh điểm của sự bất thường, một nhóm nữ còn rất trẻ quỳ xuống hôn ghế anh chàng Bi Rain đã ngồi khi lưu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội khiến dư luận phẫn nộ.
Jiyeon bị fan túm tóc mạnh đến nỗi suýt ngã. |
Các fan cuồng của Super Junior đã làm nên một cảnh tượng hãi hùng khi đuổi theo xe chở nhóm nhạc này sau khi kết thúc đêm nhạc tại Hà Nội đang trên đường cao tốc ra sân bay. Thành viên Jiyeon còn bị một fan giật tóc rất mạnh khiến cô suýt ngã và biểu cảm khuôn mặt cực kỳ đau đớn. Hyomin đi ngay cạnh Jiyeon cũng bị sốc khi chứng kiến cảnh đó. Các cô gái nhanh chóng được đưa lên xe để thoát khỏi vòng vây hỗn loạn.
Về việc này, báo chí nước ngoài cũng đã đưa tin, bình luận chuyện giật tóc, cướp mũ, giật áo, cào cấu "thần tượng" của fan Việt đối với diễn viên nước ngoài. Kỳ nghỉ của Xiumin - thành viên nhóm nhạc đình đám EXO tại Việt Nam vào tháng 4/2016 đã biến thành "thảm họa" khi bị người hâm mộ vây kín. Trước đó, cậu em út nhóm Big Bang Seungri cũng phải ôm đầu từ cửa quán bar tới xe để tránh fan Việt "cấu véo”. Những “xác sống” đã biến kỳ nghỉ riêng tư cùng gia đình của Xiumin thành thảm họa. Thậm chí còn có trường hợp ái mộ đến mức đưa thần tượng lên bàn thờ, có cả nhang đèn thắp hương(!)
Jessica - thành viên nhóm nhạc SNSD biểu diễn tại Hà Nội đã bị một fan cuồng bất ngờ chạy thẳng lên sân khấu và ôm chầm lấy mình khiến cô hoảng sợ và bị sốc. Fan nữ cuồng ngay sau đó đã được lực lượng bảo vệ đưa xuống khỏi sân khấu. Vụ việc có vẻ không có gì nghiêm trọng, tuy nhiên sau khi hình ảnh và fancam được phát tán, fan quốc tế và cả Việt Nam lại tiếp tục cuộc tranh luận gay gắt về văn hóa fan Việt.
Những “xác sống” còn tìm đủ mọi cách để tiếp cận cũng như kiếm tấm vé xem chương trình của thần tượng. Và đỉnh điểm khi một fan nữ đã từng tuyên bố với mọi người rằng: “Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho em đi xem Suju (Một nhóm nhạc nam Hàn Quốc, gồm 13 thành viên nổi tiếng cách đây vài năm)… đã dấy lên hồi chuông báo động trong vấn đề ứng xử của giới trẻ trước cơn bão thần tượng ngoại lai, đang ngày càng tấn công mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Họ đã làm xấu đi hình ảnh của cộng đồng fan Việt trong mắt bạn bè quốc tế.
Và những “con bệnh” về tinh thần
“Hãy nói cho tôi biết thần tượng của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào!”, câu nói đó cho thấy mức độ quan ngại của việc lựa chọn thần tượng, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến việc định hướng tính cách của mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ
Ngày nay, đa phần giới trẻ có thiên hướng chạy theo trào lưu thần tượng các nhân vật trong giới giải trí. Những người luôn được giới truyền thông phủ lên bằng những hình ảnh hào nhoáng và cả những câu chuyện đời tư vô hồn. Những tên tuổi của các anh hùng, những vị lãnh tụ, danh nhân kiệt xuất… tài năng, đức độ vẹn toàn được lớp lớp các thanh niên ngưỡng mộ và hào hứng lấy làm tấm gương sáng để cùng học tập, noi theo dường như trở nên xa lạ với giới trẻ.
Hay những việc thời sự xã hội nóng hổi diễn ra họ cũng không bận tâm: Nói về vụ 39 người đi lao động “chui” bị chết trong container đông lạnh, trong đó có người Việt Nam, sự kiện được toàn thế giới hướng đến trong tâm thái bàng hoàng, thương cảm thì một bạn trẻ được cho là fan Kpop đã bình luận thờ ơ đến đáng trách: “Chỉ có mỗi chuyện đó thôi mà cũng ầm ĩ lên. Tôi chỉ quan tâm đến nhóm Super Junior có ốm đau, mệt mỏi gì không thôi”. Phải chăng một số giới trẻ Việt thời nay chỉ cố chạy theo các trào lưu văn hóa ngoại mà thờ ơ đối với những nỗi đau, với cuộc sống thực ngay dưới chân mình? Chưa nói tới những vấn đề thời sự khác của Việt Nam và thế giới?
Một số ý kiến cho rằng, việc gào thét, khóc lóc, có hành vi sờ mó, bạo lực… khi thấy thần tượng không phải là hành vi vốn có của thanh, thiếu niên Việt Nam mà là sự a dua, bắt chước, theo đuôi giới thanh, thiếu niên nước ngoài.
TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn nhìn nhận, việc thần tượng một số nghệ sĩ của Hàn Quốc cho thấy văn hoá Hàn đang chi phối, nếu như không muốn nói là “kiểm soát” sự lựa chọn giải trí của một nhóm bạn trẻ. Về bên ngoài không là lớn chuyện, nhưng biểu hiện này cho thấy một thực tế sâu xa: Định hướng thần tượng cho giới trẻ đang có vấn đề, đời sống giải trí có biểu hiện phần nào của sự thiên lệch, sự thẩm thấu văn hoá thiếu tính dài hơi…
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý - đào tạo kỹ năng Rồng Việt lý giải, thường tình trạng này hay xuất hiện ở những trẻ thiếu tự tin, dễ bị cuốn hút bởi những thứ hào nhoáng bên ngoài, cũng như người thiếu tự chủ thì dễ tin quảng cáo. Tuy nhiên, phụ huynh mới là yếu tố chính khiến con trở nên mê muội thần tượng. Bố mẹ quá nuông chiều nhưng lại ít dành thời gian tìm hiểu, quan tâm đến con, đồng thời không đủ làm thần tượng của con, không khiến con cảm thấy tin tưởng và có thể chia sẻ.
Còn chuyên gia tâm lý Phạm Thu Trang bày tỏ: “Đã đến lúc cần có một hành xử văn minh, đúng mực đối với sự giao tiếp giữa người với người, giữa thần tượng và người hâm mộ. Cũng có không ít nhóm fan hoạt động khá tích cực và lành mạnh, thể hiện sự ủng hộ đối với thần tượng bằng việc kêu gọi cùng tham gia từ thiện, gây được ấn tượng tốt đến cộng đồng quốc tế. Ví dụ như fandom K-Pop của thành viên V - BTS tại Việt Nam đã quyên góp xây dựng trường học trên Điện Biên nhân dịp kỷ niệm sinh nhật của thần tượng, hay cộng đồng fandom E.L.F Việt Nam (cộng đồng fan của nhóm Super Junior) đã tham gia dự án xây dựng trường học tại Châu Phi…