Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhìn lại năm 2017, chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, dấy lên nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với một với một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của nhân dân và tinh thần của doanh nghiệp Việt Nam. Đến nay, kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được khá toàn diện. “Những kết quả toàn diện nhiều mặt này cho chúng ta, cho toàn thể nhân dân và cả bạn bè quốc tế có niềm tin lớn hơn về một Việt Nam hòa bình, ổn định và ngày càng thịnh vượng”, Thủ tướng nhận định.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng nêu bật những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội và cho rằng con người thực hiện vẫn là mấu chốt của những hạn chế, bất cập, yếu kém này. “Muốn tái cơ cấu thành công, muốn khắc phục nhanh những hạn chế, yếu kém, trước hết phải bố trí lại đội ngũ cán bộ, tái cơ cấu cách làm việc của bộ máy, tái tạo văn hóa học hỏi, tinh thần cởi mở, năng lực sáng tạo và trách nhiệm cá nhân. Phải tái tạo môi trường làm việc, cải thiện môi trường thể chế để phát huy những cán bộ có năng lực tốt, tư duy tốt, kiến tạo lại niềm tin, sự tâm huyết vào thể chế, vào chế độ của chúng ta”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu rõ, bước vào năm 2018 và hướng tới năm 2021, Chính phủ và các địa phương cần tận dụng đà phát triển của 2017 và thúc đẩy một chương trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt những mục tiêu quan trọng đề ra cho năm tới và cả nhiệm kỳ. “Nhận trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, chúng ta quyết tâm cùng nhau siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ; hãy hành động và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ, đã nói là làm và làm ngay, những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực và thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế...”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau khi nghe các bộ trưởng, thành viên Chính phủ báo cáo một số chuyên đề về cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác tư pháp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cần thảo luận thẳng thắn. Thủ tướng cho biết, người dân ở các địa phương kéo về Hà Nội, TP HCM khiếu nại rất nhiều nhưng một số các cơ quan chức năng không chịu đối thoại với dân, bỏ mặc dân. “Chủ tịch huyện, Chủ tịch xã có đối thoại với dân không?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và cho biết, hầu như tất cả những việc khiếu nại kéo dài của người dân chủ yếu là đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng. Các địa phương không làm, cứ đẩy lên Trung ương. “Không để tình trạng phó mặc cho người dân đi khiếu nại. Chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, huyện, tỉnh phải bố trí cán bộ làm việc này. Tôi năm nay sẽ thực hiện chủ trương, ở nơi nào dân kéo lên Hà Nội thì tôi mời Chủ tịch tỉnh lên nhận dân về giải quyết việc này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nói thêm: “Báo cáo kết quả phòng chống tham nhũng thì toàn ở đâu chứ địa phương mình, ngành mình không thấy đề cập, không thấy tham nhũng. Người dân nói “trên nóng dưới lạnh” là đề cập đến tình trạng này”.
Trước khi lãnh đạo các địa phương phát biểu, Thủ tướng một lần nữa nhắc nhở: Đừng có tết nhất biếu xén nữa. Các Chủ tịch, Bí thư địa phương không phải lên Trung ương biếu xén nữa, cần phải chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở trở đi mới chuyển biến được.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có trình độ, năng lực còn hạn chế; tình hình gây phiền hà, nhũng nhiễu còn diễn ra, gây bức xúc cho doanh nghiệp”. Các doanh nghiệp vẫn than phiền về việc các thủ tục hành chính của các bộ, ngành địa phương còn chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Việc tòa án giải quyết phá sản doanh nghiệp chưa nhiều và nói chung công tác thi hành án dân sự rất cần tiếp tục nâng cao về thời gian thực hiện và hiệu quả. Mặc khác, một số doanh nghiệp vẫn có thói quen xử lý các khó khăn, vướng mắc theo con đường phi chính thức, dựa vào quan hệ.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thẳng thắn nhìn nhận, hiện tại tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Công tác phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Việc tham mưu thanh tra đột xuất các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng còn ít.