Niềm vui ấm áp của những giáo viên dạy trẻ tự kỷ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không có những lời kêu ca than thở, những cô giáo dạy trẻ tự kỷ ở Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Ba Vì – Hà Nội) đã cho chúng tôi thấy niềm vui ấm áp mà các cô lan tỏa tới học trò.
Cô Hậu cùng đồng nghiệp và niềm vui bên học sinh.
Cô Hậu cùng đồng nghiệp và niềm vui bên học sinh.

Hạnh phúc giản đơn

Là người gắn bó với trẻ tự kỷ từ những ngày đầu Trung tâm Phục hồi chức năng (PHCN) Thuỵ An thành lập, cô Hồ Hải Hậu - Trưởng khoa tự kỷ - cho biết, cô đến với Trung tâm như một định mệnh. Nhớ lại câu chuyện của nhiều năm về trước, cô Hậu cười và nói: “Tôi đến từ Yên Bái nhưng lại có duyên làm việc ở Trung tâm. Có lẽ thực sự là một định mệnh khi tôi là lứa sinh viên đầu tiên của Khoa Giáo dục đặc biệt - Trường ĐHSP Hà Nội. Một điều tưởng như không may mắn đến với tôi là khi nhận bằng tốt nghiệp đại học thì trên tấm bằng lại không có chữ ký của thầy hiệu trưởng mà chỉ có dấu. Trong quãng thời gian chờ xin lại bằng, tôi tình cờ được một cô giáo gợi ý kết nối tôi với Trung tâm Thụy An, để có tôi – một giáo viên gắn bó với trẻ tự kỷ của ngày hôm nay”.

Khi được hỏi về niềm vui, nỗi buồn của giáo viên dạy trẻ đặc biệt, cô Hậu tâm sự: “Mỗi trẻ tự kỷ có những đặc điểm riêng, không trẻ nào giống trẻ nào. Mỗi trẻ tự kỷ là một thế giới, thế giới ấy đầy bí ẩn nhưng cũng chứa rất nhiều yêu thương, cảm thông và hy vọng. Với chúng tôi, mỗi tiến bộ của các bé là một sự cố gắng liên tục bền bỉ. Đơn giản như có bé vào trường không biết cả đi vệ sinh, nhưng giờ, lúc nào “buồn”, các bé biết tự kéo quần xuống hoặc nắm lấy tay cô giáo chỉ vào nhà vệ sinh để ra hiệu. Và chỉ cần được như thế thôi là đã mừng lắm rồi”!.

“Yêu lắm và cũng thương lắm. Có nhiều bạn cứ tự nhiên khóc, có những lúc lại tự nhiên cười” - cô Hậu vừa kể, vừa vỗ về một cậu bé tự dưng mếu máo khóc trong khi chỉ vừa phút trước vẫn ngồi hồn nhiên tô màu… Cô Hậu cho biết, chuyện bé khóc, bé cười vô cớ như thế này chỉ là những chuyện rất bình thường ở nơi chăm sóc trẻ tự kỷ. Trong cuộc đời làm nghề của mình, cô và các đồng nghiệp không đếm nổi những lần bị học trò xô ngã, thậm chí có lần bị thương tích vì hành vi không kiềm chế của trẻ…

Gần chục năm gắn bó với trẻ tự kỷ, đó cũng là ngần ấy thời gian cô Nguyễn Thị Nụ - giáo viên Khoa can thiệp trẻ tự kỷ dạy học tại Trung tâm PHCN người khuyết tật Thuỵ An gắn bó với hàng trăm câu chuyện về những đứa con đặc biệt của mình.

Cùng chung nỗi niềm với cô Hậu, cô Nụ cho biết, giáo viên dạy trẻ bình thường đã vất vả, còn các cô giáo dạy trẻ tự kỷ còn khó khăn và muôn vàn áp lực. Phần lớn trẻ không tự chủ được bản thân nên các cô lúc nào cũng luôn tay luôn chân. Nào là lo vệ sinh, ăn uống, lo trông chừng lúc trẻ lên “cơn bệnh”, giờ dạy cũng không đơn giản khi mỗi trò đòi hỏi một chương trình phù hợp…Thậm chí, để trẻ nhận biết được một sắc màu, để trẻ không nhại lại câu hỏi, biết thưa khi có người gọi, cũng là cả một “công trình” to lớn trong sự nghiệp của cô.

Vất vả là vậy, nhưng hạnh phúc lại thật giản đơn. Nữ giáo viên này cũng không ít lần rơi nước mắt hạnh phúc khi chứng kiến học trò của mình làm được những điều quá đỗi bình thường để đổi lấy một tiếng gọi mẹ, gọi ba. Thậm chí chỉ là một ánh mắt “biết nói” của các em sau khi cô đánh đổi biết bao giọt mồ hôi, cũng làm cô vui như mình vừa làm nên chiến công.

Những người lái đò thầm lặng

Chúng tôi đến Trung tâm Thụy An trong không khí hân hoan chào đón ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhưng ở nơi này, không khí hội hè là một điều “vô cùng xa xỉ”, thậm chí gần như không có. “Cũng là giáo viên nhưng ngày 20/11 những cô giáo dạy trẻ tự kỷ như tụi mình hầu như là không được nhận hoa của học trò. Mới năm ngoái đây thôi, một cháu bé đã lên xin tiền tôi để tặng quà cho cô giáo. Lúc đó, tôi cũng phải giải thích với con và hướng cho con tự vẽ tranh để tặng các thầy cô. Thật sự lúc đó, tôi nhìn mà thương học trò rớt nước mắt” - cô Hậu rơm rớm.

Đến ngày Nhà giáo Việt Nam, các cô trong Trung tâm lại tự mua hoa tặng cho đồng nghiệp, an ủi và động viên nhau, nữ giáo viên này vẫn đùa với đồng nghiệp “bọn mình cũng là người lái đò nhưng trong thầm lặng”.

Khi đặt chân tới lớp của thầy Nguyễn Thanh Sơn (giáo viên khu chăm sóc đặc biệt) cũng là lúc các bé chuẩn bị đi ngủ. Vừa quan sát các con, thầy Sơn giọng thì thầm chia sẻ với chúng tôi: Từ ngày đi dạy trẻ tự kỷ, thầy chưa bao giờ có được một giấc ngủ trưa ngon giấc. Có hôm vừa chợp mắt thì có em thức dậy bỗng dưng la hét, gào khóc om sòm, thầy phải bật dậy để dỗ trò. Thậm chí, có cháu không kiểm soát được hành vi chạy đến cào cấu, đánh, nhưng thầy vẫn phải chờ cơn nóng giận của trẻ đi qua.

Là một giáo viên lâu năm nhưng thầy Sơn cũng chưa một lần được chính học trò của mình tặng hoa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Dù vậy, thầy chưa bao giờ thấy buồn lòng, mà càng thấy thương những học trò đặc biệt của mình hơn.

Đọc thêm