Theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP: Tổ chức bán đấu giá tài sản (ĐGTS) phải niêm yết việc bán ĐGTS là động sản tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản và nơi đặt trụ sở của tổ chức bán ĐGTS chậm nhất là bảy ngày trước khi tiến hành bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với bất động sản (BĐS), tổ chức bán ĐGTS phải niêm yết việc bán ĐGTS tại nơi bán đấu giá, nơi có BĐS bán đấu giá và UBND xã, phường, thị trấn nơi có BĐS bán đấu giá chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...
Quy định nói trên được đánh giá nhằm bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động bán ĐGTS, đồng thời niêm yết nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá để tài sản có thể bán ở mức giá cao nhất.
Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện quy định nói trên còn nhiều bất cập. Khảo sát của Bộ Tư pháp tại 24 tỉnh, thành cho biết: Một số tổ chức bán ĐGTS đã phản ánh vướng mắc về quy định thời gian niêm yết.
Cụ thể, theo các địa phương này Điều 28 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định thời gian niêm yết việc bán ĐGTS là BĐS chậm nhất là 30 ngày là quá dài; hơn nữa, thủ tục xin chủ trương đấu giá của tỉnh/thành phố, thủ tục lập phương án đấu giá và thủ tục phê duyệt kết quả trúng đấu giá mất nhiều thời gian trong bối cảnh thị trường BĐS không ổn định, giá khởi điểm trước đó sẽ không sát với giá quyền sử dụng đất tại thời điểm đấu giá dẫn tới tâm lý e ngại đăng ký tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, làm giảm hiệu quả của hoạt động bán ĐGTS.
Bên cạnh đó, tại hầu hết các địa phương được khảo sát đều phản ánh về việc chủ tài sản và chính quyền sở tại cản trở hoặc không hợp tác trong việc niêm yết bán ĐGTS thi hành án hoặc tài sản BĐS, trong khi đó, các tổ chức bán đấu giá thường không nhận được sự hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả từ phía các cơ quan chức năng khi thực hiện việc niêm yết.
Tuy nhiên, với những hành vi cản trở hoặc không hợp tác, theo phản ánh của nhiều tổ chức đấu giá thì họ chỉ có cách là vận động, thuyết phục mà không có một chế tài hay biện pháp nào buộc thực hiện.
Được biết, trước những khó khăn này, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động bán ĐGTS. Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương hướng dẫn tổ chức bán đấu giá tài sản thực hiện việc niêm yết theo đúng quy định; trong trường hợp cần thiết, Sở Tư pháp báo cáo, tham mưu và đề xuất UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản chỉ đạo, quán triệt UBND xã, phường, thị trấn quan tâm, tạo điều kiện cho tổ chức bán ĐGTS thực hiện việc niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi có BĐS bán đấu giá, hỗ trợ tổ chức bán ĐGTS trong việc xác nhận việc niêm yết bán đấu giá tại nơi có BĐS bán đấu giá.
Hiện nay, theo dự thảo Luật ĐGTS, Doanh nghiệp ĐGTS phải niêm yết việc ĐGTS đối với tài sản là động sản và BĐS. Trong đó, đối với tài sản là BĐS thì doanh nghiệp ĐGTS phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của doanh nghiệp ĐGTS, nơi có BĐS, nơi tổ chức cuộc đấu giá và UBND xã, phường, thị trấn nơi có BĐS đấu giá chậm nhất là 15 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy định doanh nghiệp đấu giá phải niêm yết việc ĐGTS tại nơi có BĐS là không phù hợp với thực tiễn và khó khả thi. Đơn cử, đối với việc niêm yết bán đấu giá quyền sử dụng đất ở các lô đất trống thì doanh nghiệp sẽ không biết phải niêm yết như thế nào. Hoặc đối với tài sản phải thi hành án là nhà đất thì người phải thi hành án sẽ không có thiện chí phối hợp, thậm chí có hành vi cản trở chống đối trong khi doanh nghiệp bán ĐGTS thì không có điều kiện phương tiện hỗ trợ cho việc niêm yết. Đồng thời, các ý kiến cũng đề nghị cần cụ thể trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn trong việc phối hợp để niêm yết tài sản đấu giá và có chế tài xử lý nếu vi phạm.