Ninh Bình bảo tồn, phát huy giá trị di sản của triều nhà Đinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 2/8, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc". Hội thảo góp ý kiến đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản theo chiều hướng thúc đẩy khát vọng dân tộc, khơi dậy hào khí Hoa Lư...
Hội thảo nhằm tiếp tục làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp và di sản của vua Đinh Tiên Hoàng và vai trò của nhà Đinh trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Hội thảo nhằm tiếp tục làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp và di sản của vua Đinh Tiên Hoàng và vai trò của nhà Đinh trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.

Hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024).

Hội thảo khoa học có sự tham gia đồng hành của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương. Đây cũng chính là cơ hội để tỉnh Ninh Bình được nghe các báo cáo nghiên cứu khoa học - lịch sử, những ý kiến thảo luận, phản biện khách quan, nhằm tiếp tục bổ sung, làm rõ về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của vua Đinh Tiên Hoàng nói riêng và nhà Đinh nói chung đối với lịch sử dân tộc; những đề xuất phương hướng, giải pháp trong quản lý, phát huy giá trị di sản của vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình, góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng đô thị di sản, thành phố sáng tạo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình, đồng Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo khẳng định: Thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế gắn liền với quá trình thống nhất giang sơn, hình thành nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khẳng định mạnh mẽ ý chí phục hưng dân tộc dựa trên bản lĩnh độc lập tự chủ, tự lực tự cường. Tầm vóc lịch sử vĩ đại, khát vọng dân tộc về một nền độc lập, thống nhất, quốc gia hùng cường thể hiện qua cuộc đời và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và Nhà nước Đại Cồ Việt đã trở thành tài sản quý báu, nguồn lực vật chất, tinh thần quan trọng của tỉnh Ninh Bình, của quốc gia, dân tộc. Cuộc đời, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và các triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê đã để lại hệ thống di sản to lớn cho Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung, không chỉ phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình mà còn rất đặc sắc về giá trị.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đồng Trưởng ban Tổ chức hội thảo nêu rõ: Mục đích của hội thảo nhằm tiếp tục làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp và di sản của vua Đinh Tiên Hoàng và vai trò của nhà Đinh trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Qua đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản theo chiều hướng thúc đẩy khát vọng dân tộc, khơi dậy hào khí Hoa Lư nhằm phục vụ xây dựng tại Ninh Bình một thành phố di sản, lấy các di sản của Đinh Tiên Hoàng Đế cùng triều Đinh, Tiền Lê làm trung tâm; xây dựng Ninh Bình thành một địa phương văn minh và hiện đại, xứng tầm là một thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian không xa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đây cũng là việc làm thiết thực nhằm kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh của Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024).

Tại Hội thảo đã diễn ra 2 phiên chuyên đề với nội dung: Quê hương, thân thế, sự nghiệp, tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc của Đinh Tiên Hoàng; Phát huy di sản của Đinh Tiên Hoàng trong định hướng xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ.

Đọc thêm