Ninh Bình: Chủ động, tăng cường sản xuất nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2021

(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, nông dân, các hợp tác xã (HTX), trang trại, gia trại… trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã chủ động tăng cường sản xuất, chủ động nguồn hàng, đa dạng về chủng loại và đảm bảo về chất lượng, sẵn sàng cung ứng ra thị trường.
Ninh Bình: Chủ động, tăng cường sản xuất nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2021

Những ngày này, không khí lao động, sản xuất trên những cánh đồng rau an toàn ở HTX nông nghiệp Phúc Long (xã Yên Từ, huyện Yên Mô) tấp nập hơn bao giờ hết bởi đây là thời điểm người dân tập trung chuẩn bị nguồn rau phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021. 

Ông Trần Xuân Nhắc, Giám đốc HTX nông nghiệp Phúc Long cho biết, để phục vụ nhu cầu rau xanh tăng cao của người dân trong dịp Tết, các loại củ quả như su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua... đã được người dân chủ động gieo trồng từ 1 tháng nay. 

Ngoài ra, HTX cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trồng các loại rau ngắn ngày khác như cải các loại, rau gia vị; tăng cường hướng dẫn bà con các kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, dù nhiệt độ trong thời gian này đang giảm sâu, trên dưới 10 độ nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến các loại rau ưa lạnh, do vậy lượng rau cung ứng ra thị trường sẽ khá đa dạng và dồi dào.

Tại xã Yên Đồng, vùng chăn nuôi gia cầm tập trung lớn của huyện Yên Mô, các hộ nông dân cũng đang tất bật chăm sóc cho đàn gà chuẩn bị xuất chuồng phục vụ Tết Nguyên đán. 

Hiện tổng đàn ước đạt 287 nghìn con, tăng 14,8% so với năm 2019; sản lượng thịt hơi ước đạt 39 nghìn tấn, tăng 2,36% so với năm 2019. Bên cạnh đó, đàn gia cầm cũng tăng nhanh, ước tổng đàn đạt 6,323 triệu con, sản lượng thịt hơi đạt 11 nghìn tấn, tăng 7,08% so với năm 2019. 

Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm 2020, tuy dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng giá cả thịt lợn hơi liên tục duy trì ở mức cao kỷ lục, cộng với chính sách kịp thời của UBND tỉnh nên đã kích thích được người chăn nuôi đầu tư tái đàn sản xuất, nhất là tại các trang trại, doanh nghiệp quy mô lớn, an toàn dịch bệnh. 

Với đàn trâu, bò mặc dù có giảm về số con nhưng do áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là thụ tinh nhân tạo các giống bò ngoại cao sản như 3B, Bradman... nên tầm vóc, khối lượng bò thịt tăng lên, sản lượng thịt trâu bò vẫn tương đương như mọi năm, đạt khoảng 3,75 nghìn tấn; không thiếu thịt dịp Tết Nguyên đán. 

Về mặt hàng lúa gạo, theo Sở Nông nghiệp &PTNT, năm nay cả 2 vụ lúa Đông Xuân và lúa Mùa đều được mùa, năng suất trung bình ước đạt 61,2 tạ/ha, sản lượng trên 440 nghìn tấn. Trong đó, diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp chiếm gần 65%. Do vậy nguồn cung rất dồi dào. 

Được biết, cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, ngành Nông nghiệp đang phối hợp các ngành, đơn vị theo dõi sát tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, diễn biến dịch bệnh để có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.