Điểm nhấn trong tiến trình xây dựng chính quyền điện tử
Với kết quả này, Ninh Bình thuộc nhóm các địa phương đi đầu hoàn thành chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trước thời hạn quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cụ thể, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp là 1.226 dịch vụ, trong đó có 1.002 dịch vụ cấp tỉnh; 151 dịch vụ cấp huyện; 55 dịch vụ cấp xã; 18 dịch vụ của BHXH và Công an tỉnh.
Ông Bùi Xuân Chiên, Trưởng phòng công nghệ bưu chính viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình cho biết, với việc cung cấp trực tuyến mức độ 4 đối với 1.226 thủ tục hành chính đủ điều kiện từ ngày 10/9/2021, Ninh Bình trở thành một trong số các địa phương hoàn thành sớm chỉ tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4, góp phần hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 của cả nước.
Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng trong tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh Ninh Bình.
Để có được kết quả này, ông Chiến cho hay, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 05/5/2021 về việc triển khai cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến có đủ điều kiện ở mức độ 4 và tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đáp ứng yêu cầu với Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2021.
Cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Ninh Bình với Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; cùng nỗ lực làm của các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã và các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, Ninh Bình đã hoàn thành kế hoạch đề ra, về đích trước thời hạn.
“Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là một trong những chỉ tiêu cơ bản đầu tiên và quan trọng thuộc mục tiêu “Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội” của Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ” - ông Bùi Xuân Chiên nhấn mạnh.
Do đó, việc cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là một bước hiện thực hóa mục tiêu “Chính quyền kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm” góp phần “Phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị… cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025” theo quan điểm đã được xác định tại Quyết định số 942/QĐ-TTg.
Tiết kiệm thời gian, chi phí, minh bạch, hiệu quả
Theo ông Bùi Xuân Chiên, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho phép người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng mọi lúc, mọi nơi, không phân biệt khoảng cách địa lý, tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, loại bỏ khó khăn do đi lại từ vùng sâu vùng xa đến trụ sở cơ quan hành chính. Bên cạnh đó, cũng giúp minh bạch hóa triệt để quá trình xử lý hồ sơ của cơ quan hành chính nhà nước, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tăng hiệu suất kinh tế.
Trước khi cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4, Ninh Bình cũng đã triển khai nhiều biện pháp và nguồn lực để thúc đẩy số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 4 trong giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 4 từ đầu năm 2021 đến ngày 30/8/2021 mới đạt khoảng 15%, tập trung vào một số lĩnh vực: Chứng thực, Đường bộ, Xúc tiến thương mại.
“Để phát huy hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã cung cấp, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan triển khai các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân và doanh nghiệp tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; coi đây là một trong những biện pháp góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh” - ông Bùi Xuân Chiên nói.
Bên cạnh đó, rà soát, lựa chọn các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đưa vào danh sách không tiếp nhận hồ sơ trực tiếp; tập trung nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 4 của tỉnh; khuyến khích các ngân hàng mở rộng việc cung cấp tài khoản thanh toán trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Tin học hoá - Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kết nối, khai thác hiệu quả dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để giảm thiểu yêu cầu giấy tờ khi người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến; kết nối với hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến (hệ thống EMC) để theo dõi trực tuyến tình hình cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ để lựa chọn, đưa 100% dịch vụ có đủ điều kiện lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, từ đó có các biện pháp thúc đẩy kịp thời, phát huy hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã cung cấp.