Nịnh bợ cấp trên đã thành tiểu xảo

(PLO) - Theo Quyết định phê duyệt Đề án văn hóa công vụ thì cán bộ, công chức, viên chức, không được gây phiên hà, vòi vĩnh dân, bổ nhiệm người thân quen, không tư duy nhiệm kỳ… đối với lãnh đạo cấp trên, không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng. Vậy chế tài sao để xử lý người nịnh bợ và ngôn ngữ ở mức độ nào là nịnh bợ?.
Xu nịnh đang rất phổ biến trong cơ quan hành chính nhà nước
Xu nịnh đang rất phổ biến trong cơ quan hành chính nhà nước

Một vị lãnh đạo ở địa phương hay trung ương, trưởng phòng không hiếm khi được nghe cấp dưới nói “dạo này anh/chị trẻ quá, anh/chị mặc đồ đẹp quá” hay “anh/chị việc gì cũng giỏi, tốt hết”, “anh/chị luôn là tấm gương sáng cho bọn em noi theo”…

Rất nhiều từ ngữ như vậy được dành tặng cho nhau ở các cơ quan công sở, doanh nghiệp, nhà trường... Đôi khi biết nó là giả dối nhưng người nghe vẫn thích nghe.

Người Việt hay có câu “nói thật mất lòng”, lời nói ngay thẳng khó mà được lòng cấp trên dù nhiều khi nó rất đúng. Những kẻ nịnh thần, “con lươn, con trạch”, những kẻ gian thần có cơ hội chui vào bộ máy chính quyền, có cơ hội vẫy vùng vì biết cách ton hót.

Câu “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, vốn dĩ rất nhân văn trong dân gian, đã bị ứng dụng quá linh động, thành giả dối, “bằng mặt không bằng lòng”.

Chuyện người Việt “ưa nịnh” dường như thành nếp sống. Trên truyền hình thực tế từ thi hát, diễn kịch… Ban giám khảo ngồi dưới luôn hết lời ca tụng dù người biểu diễn vẫn chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải chứ chưa phải quá tài năng.

Thực tế ở trường, không ít học trò nịnh cô thầy, cô thầy muốn được hiệu trưởng quan tâm lại bày vẽ tâng bốc nhau, cơ quan công sở muốn sếp để ý, bổ nhiệm, cơ cấu…cũng nghĩ ra nhiều cách nịnh cho khéo, vừa ý sếp mà không quá thô thiển. Lợi cả đôi bên.

Đề án văn hóa công vụ có thể nói đang "đánh thẳng" vào thói xấu của người Việt, nhất là tầng lớp cán bộ, có chức sắc trong chính quyền, hướng tới xây dựng một đội ngũ cán bộ tận tâm, “chí công vô tư”, để đẩy lùi nạn quan liêu, hách dịch, đang tồn tại trong chính quyền.

Đó là xây dựng tác phong cán bộ “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ với nhân dân.

Nhưng làm được điều này cần phải có sự giám sát, thanh kiểm tra, người dân cũng như cơ quan giám sát phải thông báo kịp thời tác phong cán bộ nếu có dấu hiệu vi phạm. Phải có chế tài xử lý nghiêm chứ không phải lập ra đề án rồi bỏ đó, chỉ có tuyên truyền nhưng không ai nghe, ai làm theo.

Muốn xử được thói xu ninh, tham nhũng vặt, hành dân, minh bạch phục vụ dân, doanh nghiệp thì cần “một cái roi” để xử phạt công minh. Nếu không chào người dân, thủ tục hành chính nhiêu khê thì xử lý ra sao? Có đuổi việc, hạ bậc lượng, luân chuyển xuống cấp thấp... ngay và luôn không?. Xử lý thế nào để kẻ có thái độ luồn cúi, tham vọng vươn lên bằng con đường hèn hạ cúi phải khiếp sợ, không dám mở miệng xu nịnh.

Cấp trên khi nghe cấp dưới nịnh bợ cũng phải xử lý nghiêm ngay. Xử lý thế nào để người nghe nịnh phải biết e ngại, cảnh giác, để phân việc, cất nhắc được công tâm, khách quan...

Làm được vậy thói xấu người Việt sẽ dần mất đi, người giỏi sẽ được cất nhắc, kẻ “nịnh bợ lấy lòng không trong sáng” sẽ hết đường tồn tại trong cơ quan nhà nước.

Một chế tài nghiêm khắc với cán bộ sẽ là tấm gương để người dân tự nghiêm khắc với bản thân mình trong việc chấp hành luật pháp.

Xu nịnh đang là một tiểu xảo để tiến thân. Trị được nó phải bắt đầu từ người lãnh đạo.

Đọc thêm