Đại diện Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo Dự án Luật) cho biết, trên cơ sở kế thừa Luật Quản lý nợ công hiện hành, Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) có một số điều chỉnh về bố cục như: bổ sung 3 chương mới; rà soát chỉnh sửa tên chương, bổ sung thêm một số điều trên cơ sở luật hóa các quy định tại văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định thời gian qua và tiếp tục đáp ứng được yêu cầu quản lý trong tình hình mới.
Dự thảo Luật gồm 10 chương, 68 điều quy định về các chỉ tiêu an toàn nợ, chiến lược nợ, các nội dung về quản lý nợ công gồm chương trình, kế hoạch quản lý nợ công, công tác quản lý rủi ro, giám sát an toàn nợ công, việc huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ của Chính phủ…
Tổng hợp các ý kiến của thành viên Hội đồng và phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá, các thủ tục xây dựng Dự án Luật Quản lý nợ công đã tuân thủ đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mục đích xây dựng Luật phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về quản lý nợ công, đảm bảo an toàn nợ công một cách bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nội dung Dự thảo cơ bản phù hợp với nội dung, yêu cầu đã xác định; phù hợp với Hiến pháp và cơ bản phù hợp với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cũng cần lưu ý tiến hành rà soát và đối chiếu với quy định tại các luật khác liên quan đến nợ công (như Luật Đầu tư công, Luật Phí, lệ phí, Luật Điều ước quốc tế…) để điều chỉnh nội dung Dự thảo cho phù hợp. Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng cần làm rõ hơn về mục tiêu quản lý nợ công trong phần quy định về các nguyên tắc quản lý nợ công và trong các nội dung khác của luật.
Sau cuộc họp này, những ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng thẩm định sẽ được Bộ Tư pháp tập hợp và đưa vào Báo cáo thẩm định để cơ quan soạn thảo luật nghiên cứu, xem xét, tiếp thu hoặc giải trình và sớm trình Chính phủ Dự thảo Luật vào giữa tháng 2 này.