Nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật Bài Chòi

(PLO) - Di sản nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để Bài Chòi được thế giới vinh danh, những năm qua, các tỉnh Trung bộ, các nhà nghiên cứu văn hóa đã nỗ lực để bảo vệ và phát huy loại hình âm nhạc này. 
Một buổi biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi
Một buổi biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi

Bài Chòi được thế giới vinh danh

Vào hồi 17 giờ 10 phút giờ địa phương (15 giờ 10 phút giờ Việt Nam) ngày 7 tháng 12 năm 2017, tại Phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: nghệ thuật Bài Chòi là một hoạt động văn hoá quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng; việc ghi danh nghệ thuật Bài Chòi khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân; hồ sơ đã mô tả chi tiết, rõ ràng những nỗ lực trong quá khứ và hiện tại để bảo vệ di sản và đảm bảo sự tồn tại của các cộng đồng, các nhóm người và các câu lạc bộ với sự hỗ trợ của Chính phủ; cộng đồng tích cực đóng góp ý tưởng cho việc sưu tầm và tư liệu hóa di sản, điền vào các mẫu kiểm kê và tham gia vào tất cả các công đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử; di sản này được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam đưa vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia trong giai đoạn 2014-2016. 

Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài Chòi có hai hình thức chính: “Chơi Bài Chòi” và “Trình diễn Bài Chòi”. Chơi Bài Chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán.

Trong các buổi trình diễn của Bài Chòi, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói, hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác hoặc trong những dịp riêng tư của các gia đình. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật Bài Chòi là các anh chị Hiệu, những nghệ nhân biểu diễn Bài Chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài.

Nghệ thuật Bài Chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã. Người trình diễn và gia đình họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hình thức thực hành bằng cách giảng dạy các bài bản, kỹ năng ca hát, kỹ thuật trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho các thế hệ trẻ. 

Các tỉnh nỗ lực bảo tồn

Để Bài Chòi chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, những năm qua, các tỉnh Trung Bộ, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã nỗ lực để bảo vệ và phát huy loại hình âm nhạc này. Trước đây, hầu hết các nghệ nhân xưa đều được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát Bài Chòi trong gia đình, chủ yếu thông qua phương pháp truyền miệng.

Một số nghệ nhân Bài Chòi ngày nay đã truyền dạy kiến thức và kỹ năng trong các hội, các câu lạc bộ và trường học. Họ đã thành lập gần 90 đội, nhóm và câu lạc bộ để luyện tập và truyền dạy Nghệ thuật Bài Chòi, thu hút sự tham gia rộng rãi của cộng đồng.

“Bảo tồn và phát huy giá trị của Bài Chòi” là tên gọi của quyển sách quý nhằm phục vụ cho việc lập hồ sơ trình UNESCO do GS. Hoàng Chương chủ biên. Nội dung quyển sách  nhằm cung cấp luận cứ khoa học để khẳng định sự cần thiết phải xây dựng hồ sơ về Bài Chòi trình UNESCO xét duyệt công nhận nghệ thuật Bài Chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.

Để đạt được mục tiêu đó, người thực hiện đề tài này đã đi sâu nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển nghệ thuật của Bài Chòi trên cơ sở có nhiều nguồn tư liệu sách báo của các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm như Phan Ngạn, Hoàng Lê, Trần Hồng, Trương Đình Quang... kết hợp với luồng truyền thuyết dân gian. 

Tháng 1/2017, Sở VHTT&DL tỉnh Bình Định đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020. Có 7 nhiệm vụ, giải pháp được tỉnh đặt ra để bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này như: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn những giá trị tiêu biểu của hát bội, Bài Chòi; truyền dạy nghệ thuật hát Bội, Bài Chòi trong cộng đồng và trường học; phục hồi, bảo tồn các vở tuồng cổ, hội đánh Bài Chòi dân gian, các vở Bài Chòi dân gian...

UBND tỉnh Bình Định đặt ra mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 40 câu lạc bộ Bài Chòi dân gian. Tỉnh Phú Yên tổ chức chương trình Liên hoan nghệ thuật Bài Chòi năm 2015 quy tụ 100 diễn viên nhiều lứa tuổi khác với 20 tiết mục Bài Chòi đặc sắc. Liên hoan có sự tham gia của nhiều gương mặt mới, trẻ, có giọng hát hay. Chương trình được dàn dựng công phu, đan xen giữa các bài bản cổ và hiện đại tránh nhàm chán và lôi cuốn khán giả. Tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca Bài Chòi Quảng Ngãi. Ngoài ra, Quảng Ngãi thực hiện dự án “Sân khấu học đường”, thành lập các câu lạc bộ, các nhóm hát Bài Chòi….