Nỗ lực cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Tài chính vừa phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các ngân hàng tư vấn, hỗ trợ cho Việt Nam về công tác xếp hạng tín nhiệm (XHTN) quốc gia tổ chức Hội nghị phổ biến “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt ngày 30/3/2022. Đề án do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, đã đánh giá kết quả đạt được trong công tác XHTN quốc gia giai đoạn 2013-2020 và đề xuất mục tiêu phấn đấu tới năm 2030 nâng XHTN của Việt Nam lên hạng Đầu tư.

Để đạt được các mục tiêu của Đề án, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh về hồ sơ tín nhiệm như sức mạnh kinh tế, tài khóa, đồng thời cần tiếp tục cải thiện các chỉ tiêu về sức mạnh quản trị và thể chế, khu vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, các chỉ tiêu xếp hạng toàn cầu.

Hiện theo đánh giá của 3 tổ chức XHTN Moody’s, S&P và Fitch, Việt Nam đạt mức BB (theo Fitch và S&P), mức Ba3 theo Moody’s.

Cả ba tổ chức đều đánh giá Việt Nam ở triển vọng tích cực. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện phát hành thành công 3 đợt phát hành trái phiếu quốc tế vào năm 2005, 2010 và 2014, với chi phí phát hành rẻ hơn nhiều qua các năm nhờ vào hệ số và triển vọng tín nhiệm quốc gia được cải thiện kết hợp với điều kiện thị trường vốn quốc tế thuận lợi.

Việc tiếp tục cải thiện XHTN quốc gia trong thời gian tới theo mục tiêu đặt ra của Đề án đóng vai trò quan trọng để cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam, tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ nền kinh tế. Ngoài ra, việc nâng hạng còn góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

Việc củng cố các yếu tố cấu thành XHTN của một quốc gia là động lực chính để cải thiện XHTN quốc gia; ngược lại, việc thường xuyên duy trì đánh giá XHTN sẽ thúc đẩy tiếp tục cải cách sâu rộng các lĩnh vực này. Liên quan trực tiếp đến vay nợ, việc nâng bậc tín nhiệm góp phần tạo cơ sở vững chắc để Chính phủ và doanh nghiệp vay vốn trong nước và quốc tế với chi phí hợp lý. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam đang giảm dần.

Đọc thêm