Nỗ lực chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030

(PLVN) - Hôm qua (15/12), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam (CTCLQG) tổ chức chương trình Hội thảo “Hợp tác y tế hướng tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam - Áp dụng Chiến lược 2X”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong những năm vừa qua, mặc dù tình hình dịch tễ lao vẫn còn rất cao nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. CTCLQG là 1/9 nước đạt mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ ở cả 3 chỉ số hiện mắc, mới mắc và tử vong do lao vào năm 2015.

Công tác chống lao ở Việt Nam đã duy trì tỷ lệ khỏi bệnh cao, trên 92% cho người mới mắc lần đầu, 75% cho người mắc lao đa kháng nói chung và 80% cho người mắc lao đa kháng đơn thuần với phác đồ ngắn hạn, trong khi con số này trung bình toàn cầu là 56%.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức. Dịch tễ bệnh lao đang giảm, nhưng chậm (trung bình mỗi năm khoảng 4%). Vì vậy, CTCLQG cần áp dụng tối ưu những công cụ sẵn có trong chẩn đoán và điều trị lao kết hợp với bao phủ y tế toàn dân và các chính sách bảo trợ xã hội, đồng thời, nhanh chóng mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vắc-xin mới, các tiếp cận can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị sớm để cắt đứt nguồn lây.

2X là chiến lược mới trong chẩn đoán lao sử dụng X-quang ngực và xét nghiệm Genexpert - một phương pháp chẩn đoán giúp phát hiện vi khuẩn lao.

Dự án USAID SHIFT hợp tác với CTCLQG đã triển khai thí điểm Chiến lược 2X một cách toàn diện tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng cho 18 huyện thuộc 7 tỉnh (Thái Bình, Nghệ An, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Tây Ninh và Tiền Giang). Theo USAID, sau 10 tháng triển khai 2X tại 19 cơ sở y tế ở 18 huyện và 18 chiến dịch cộng đồng tại 7 tỉnh cho thấy tỷ lệ phát hiện lao cả trong cơ sở y tế lẫn ngoài cộng đồng cao hơn nhiều so với khi chưa có 2X.

Chiến lược 2X sẽ được nhân rộng ra 25 tỉnh thành trong tháng 12/2020. Địa bàn triển khai sẽ bao gồm các bệnh viện tuyến tỉnh (bệnh viện phổi và bệnh viện đa khoa) cũng như các trung tâm y tế huyện hoặc bệnh viện đa khoa huyện. 

Đọc thêm