Nỗ lực giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật

(PLVN) -Trong 06 tháng đầu năm 2020, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc ban hành nhiều kế hoạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1). 
Nỗ lực giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật

Hỗ trợ pháp lý tối đa cho doanh nghiệp

Ngay từ đầu năm, Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến hoạt động duy trì, nâng xếp hạng chỉ số B1; tạo sự tương tác với người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp có đánh giá tích cực về chỉ số B1. Đồng thời, Bộ Tư pháp với vai trò là thành viên của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, đã phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ lên dự kiến tổ chức các hội nghị bàn về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật trong quý III/2020 để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về việc thực hiện cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. 

Trong 06 tháng đầu năm 2020, cơ bản các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã quan tâm, chỉ đạo tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Cụ thể, tại các địa phương, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh các giải pháp tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, như thiết lập và duy trì phong phú hoạt động của các diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp, thiết lập đường dây nóng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn giải đáp cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong 06 tháng đầu năm, các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý, nhằm giảm gánh nặng thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, chú trọng triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính. Trong đó, thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm số ngày thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh; thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính nâng cao chất lượng phục vụ; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4…

 Đặc biệt để đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, nhiều bộ, ngành, địa phương đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo vừa thông suốt hoạt động vừa phòng, chống dịch hiệu quả. 

Nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1, các Bộ, ngành, địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định như: nguồn kinh phí và nhân lực còn hạn chế; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước vẫn còn rời rạc; nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến chưa đạt hiệu quả do tác động của dịch bệnh Covid-19… 

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số B1, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương ưu tiên nguồn lực cho việc tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành và địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, khẩn trương, nghiêm túc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, cải thiện điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số B1 năm 2020, trong đó ưu tiên thực hiện cải cách các quy định liên quan đến hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật; đôn đốc, kiểm tra, thực hiện chế độ thưởng phạt nghiêm minh trong thực thi nhiệm vụ này, kịp thời biểu dương điển hình làm tốt. 

Các bộ, ngành cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không rõ ràng, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính trên tinh thần cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật. 

Ngoài ra, các bộ, ngành phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu cho các địa phương, quan tâm giải đáp những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ, đặc biệt liên quan đến chi phí tuân thủ pháp luật để việc tổ chức thi hành pháp luật được chính xác, thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ pháp luật, đặc biệt là kỹ năng, nghiệp vụ rà soát, đánh giá các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh để cắt giảm các chi phí tuân thủ pháp luật không hợp lý mà người dân, doanh nghiệp phải gánh chịu. 

Đọc thêm