Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, quá trình triển khai dạy và học trực tuyến vừa qua đã khẳng định ngành giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ. Đồng thời, khẳng định phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học. Qua đó, giải phóng năng lượng lớn cho thầy cô, rất nhiều thủ tục hành chính được giảm, nhiều kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ, nâng lên.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc triển khai dạy học trực tuyến cũng còn những hạn chế cần khắc phục, trong đó có việc cần làm thế nào để đảm bảo môi trường học an toàn cho học sinh.
Theo báo cáo của các Sở GD&DT, việc dạy học trực tuyến đã giúp các trường rút ngắn được thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học từ 3-6 tuần, chất lượng giáo dục cơ bản được đảm bảo; đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Hầu hết các tỉnh đảm bảo kết thúc năm học trước 15/7.
Tuy nhiên, các địa phương cũng chỉ rõ một số khó khăn khi dạy học trực tuyến như: hạ tầng internet, thiết bị đầu cuối hỗ trợ học tập, thiết bị thu sóng hạn chế và không đồng bộ; kinh phí trong việc tổ chức xây dựng các chương trình dạy học trên truyền hình còn gặp khó khăn; trình độ của một số giáo viên còn hạn chế.
Cùng với đó, công tác quản lý học sinh trong thời gian nghỉ học của một số nhà trường chưa tốt; vẫn còn tình trạng học sinh chưa tập trung, nhiều học sinh gặp khó khăn khi trở lại trường...
Do vậy, sau khi học sinh đi học trở lại, các trường đã thực hiện rà soát, kiểm tra, phân loại, dồn lớp học sinh để có kế hoạch dạy học cho các loại đối tượng khác nhau; tổ chức dạy bù, dạy kèm cho học sinh không tham gia học trực tuyến, trong đó ưu tiên các môn chính. Các trường cũng tăng thời lượng ôn tập cho học sinh các khối 9, 12, nỗ lực để hoàn thành chương trình với kết quả cao nhất.